Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vấp ngã vì 'thiên nga đen'

Câu chuyện thanh khoản của các ngân hàng trong thời gian chính sách thắt chặt tiền tệ được áp dụng là bài học có thể rút ra cho giới kinh doanh cũng như nhà làm chính sách.

Ngân hàng Ngôi sao

Có lẽ không nhiều người biết năm 2007 ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã soạn thảo xong kế hoạch thành lập một ngân hàng cổ phần mới hoàn toàn với tên gọi Ngôi sao Việt Nam. Đây sẽ là ngân hàng có sự góp vốn mới tinh của những doanh nghiệp và doanh nhân có kinh nghiệm trên thương trường.

Năm 2010 lạm phát bùng phát dữ dội, tiền tệ bị thắt chặt. Để giải quyết thanh khoản, các ngân hàng chỉ còn cách nâng lãi suất tiết kiệm nhằm tìm nguồn huy động trong dân cư.
Năm 2010 lạm phát bùng phát dữ dội, tiền tệ bị thắt chặt. Để giải quyết thanh khoản, các ngân hàng chỉ còn cách nâng lãi suất tiết kiệm nhằm tìm nguồn huy động trong dân cư.

Bấy giờ giá cổ phiếu ngân hàng đang “cất cánh”. Eximbank họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2007 vào buổi sáng một ngày tháng 2 và buổi chiều hôm đó giá cổ phiếu ngân hàng này “bay” lên 172.000 đồng. Ở phòng làm thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu tại hội sở chính Eximbank trên đường Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, toàn thấy người hỏi mua mà không mấy ai bán.

Thông tin Eximbank sẽ phát hành cổ phiếu để bán cho đối tác chiến lược nước ngoài được rỉ tai nhau. Trước đó Eximbank đã từ chối đề nghị được trở thành cổ đông của tập đoàn tài chính Pháp Société Générale vì hai bên không đạt được thỏa thuận về giá. Lãnh đạo Eximbank thời điểm ấy cho biết một đối tác Nhật đã nâng giá chào mua gần gấp đôi và họ đang thương lượng.

Trên thị trường, cổ phiếu Ngân hàng TMCP Đông Á còn vượt cả giá cổ phiếu Eximbank, đạt đến mức đỉnh 210.000 đồng. Một cổ đông nội bộ của Đông Á quyết định chuyển nhượng 5 triệu cổ phiếu ở mức giá này. Bán xong, ông nói “thị trường đang hưng phấn quá mức. Nó không thể chạy xa hơn nữa!”.

Ông Kiều Hữu Dũng (hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank), khi ấy đang công tác tại Vụ các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, nhận xét ở các nước thị giá cổ phiếu ngân hàng thông thường cao gấp 3-4 lần mệnh giá. Cổ phiếu ngân hàng Việt Nam đang cao hơn nhiều lần giá trị thật!

Với tốc độ tăng giá khủng khiếp, khắp nơi giới doanh nhân và đầu tư nói đến việc thành lập ngân hàng. Chẳng khác nào bán giấy. Nguồn cung cổ phiếu từ các ngân hàng nhỏ bắt đầu tràn ra thị trường ào ạt. Quy luật cung cầu bắt đầu thể hiện sức mạnh của nó, cung tăng quá mạnh thì giá giảm.

Khi giá cổ phiếu Eximbank trên thị trường tự do rớt khoảng 30% so với đỉnh, một quỹ đầu tư của Prudential “xả hàng”, bán hàng triệu cổ phiếu xung quanh giá 100.000 đồng. Đó là cú phá giá mang tính “sống còn” đối với cổ phiếu ngân hàng. Tiếp theo sự tuột dốc được tiếp sức bởi biến động của chứng khoán niêm yết.

Ở những ngày tháng giá cổ phiếu ngân hàng rớt điểm, không ai có thể biết cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã cận kề và chứng khoán mới chỉ ở giai đoạn đầu của một thời kỳ suy thoái khắc nghiệt, kéo dài. Để làm an lòng cổ đông, các ngân hàng nhỏ phải đạt mức tăng trưởng bằng mọi cách, trong đó cách phổ biến là phát triển tín dụng. Tín dụng của nhiều ngân hàng đô thị mới chân ướt chân ráo mở chi nhánh, hoặc di chuyển hội sở về TP. HCM, ra Hà Nội tăng 40-50%/năm. Một phần không nhỏ tín dụng chảy vào bất động sản.

Sau khi có chính sách kích cầu năm 2009, tín dụng bứt phá mạnh mẽ không kém bao nhiêu so với những năm 2006-2007. Năm tiếp theo lạm phát bùng phát dữ dội, tiền tệ bị thắt chặt. Thanh khoản các ngân hàng nhỏ bị lay động. Tiền cho vay không thu hồi kịp vì bất động sản gặp khó khăn. Để giải quyết thanh khoản, các ngân hàng chỉ còn cách nâng lãi suất tiết kiệm nhằm tìm nguồn huy động trong dân cư.

Đại án bầu Kiên: Tàn cả một dàn đại gia

Trọn bộ lãnh đạo cao cấp nhất của ACB: Chủ tịch, tổng giám đốc cho tới các thành viên HĐQT, ban điều hành... với nhiều thành tích được vinh danh, đang chờ phán quyết của tòa.

Sự cộng hưởng từ vàng

Thanh khoản sẽ không biến thành hòn than nóng đỏ hay ít nhất nó cũng không lan rộng trong hệ thống ngân hàng nếu không có sự xuất hiện của yếu tố vàng. Những “lỗ hổng chết người” trong chính sách quản lý kinh doanh vàng từ việc cho mở tài khoản vàng nước ngoài đến lập sàn vàng đã trực tiếp gây nên những “cơn sốt” thứ kim loại quý này. Và như một sự rung lắc mang tính dây chuyền, biến động giá vàng đã tác động đến tỷ giá. “Cơn sốt” vàng cộng hưởng “cơn sốt” ngoại tệ!

Chính sách thắt chặt tiền tệ đã áp dụng cho mọi ngân hàng mà không tính đến thanh khoản của từng ngân hàng hay ít nhất là thanh khoản của từng nhóm tổ chức tín dụng đã làm nảy sinh những biến tướng đưa tiền cho nhân viên đi gửi vào ngân hàng khác và ở đó chực chờ là các con thiên nga đen như Huyền Như.

Tháng 10/2010 là thời điểm đáng nhớ bởi cơn sốt vàng, ngoại tệ “phun trào” bất ngờ. Một cách ngẫu nhiên, thời điểm ấy đoàn lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đi khai trương, củng cố các hoạt động kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng người Việt ở Cộng hòa Czech và Đức. Buổi sáng một ngày tháng 10, khi vừa đặt chân xuống sân bay Frankfurt (Đức) và đợi nối chuyến đi Prague, lãnh đạo BIDV phải họp khẩn ngay trong phòng chờ.

Sau khoảng 30 phút họp giữa các thành viên hội đồng quản trị và ban tổng giám đốc đi cùng, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà chỉ đạo về Việt Nam cho BIDV tạm ngưng chào bán tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng và ngay lập tức rà soát tình trạng thanh khoản ở tất cả các chi nhánh BIDV trên toàn quốc. Một giờ sau ở nhà gọi điện sang báo lãi suất liên ngân hàng đã cán mốc 20%/năm. Ai cũng lắc đầu lo lắng!

Với việc cho nhập khẩu vàng và can thiệp bằng ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước những ngày sau, thị trường dịu dần. Sang đầu tháng 11/2010, trong một cuộc họp nội bộ giữa các bộ phận nhận định tình hình thị trường nói chung, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital đưa ra khảo sát của chính họ với dự báo chỉ số CPI tháng có thể tăng đến 1,5-1,6%.

Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital, cho biết nếu khảo sát của họ sát với số liệu của Tổng cục Thống kê, thì thị trường đang rất không thuận lợi cho các nhà đầu tư tài chính. Kết quả là CPI tháng đó tăng 1,86%, nâng mức lạm phát 10 tháng đầu năm lên 9,2%. Ông Dominic Scriven nói: “Làm sao chúng tôi có thể thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào Việt Nam với con số CPI ngất ngưởng như vậy?”. 

Không chỉ BIDV, một số ngân hàng vốn có truyền thống giao dịch mạnh trên thị trường liên ngân hàng và là nơi cung ứng vốn cho các ngân hàng nhỏ đang nguy kịch thanh khoản cũng tạm ngưng giao dịch, như Vietcombank, ACB. Một kênh vốn bị tắc! Không thể trách cứ các tổ chức tín dụng trên vì trong lúc “nước sôi lửa bỏng” ai cũng phải thủ thế, lo cho mình trước đã.  

Lãi suất tiết kiệm vượt trần quy định xảy ra ban đầu ở một số ngân hàng, nhanh chóng lan ra nhiều nơi. Chuyện lách luật để trả thêm lãi cho người gửi thiên biến vạn hóa dưới nhiều hình thức.

Đáng nói hơn khi thiếu vốn, các ngân hàng nhỏ đã không trả các khoản vay liên ngân hàng đúng hạn. Lần đầu tiên trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, nợ quá hạn cập bến liên ngân hàng! Kể từ đó, chuyện có một không hai đã diễn ra và sau này trở thành luật bất thành văn: vay tiền liên ngân hàng cũng phải có tài sản thế chấp. Một số ngân hàng thế chấp ngoại tệ, vàng để vay tiền đồng. Có ngân hàng nhỏ đề nghị các thành viên liên ngân hàng khác cho họ vay đồng nội tệ trên cơ sở thế chấp hồ sơ vay vốn của khách hàng (những khách hàng có độ tin cậy và uy tín cao), nhưng bị từ chối.

Giấc mộng tàn của Lý Xuân Hải

Môt thời là CEO thành công và nổi tiếng nhất ngành nhân hàng, giữ cương vị Tổng giám đốc lâu năm, Lý Xuân Hải đã từng có nhiều ước mơ cho cả ABC và riêng mình.

“Thiên nga đen”

Khi ACB mời ông Trần Xuân Giá đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, ngân hàng đưa ra một mục tiêu tham vọng và tỉnh tá là đạt tỷ lệ 10% tổng vốn huy động toàn ngành. Nói đơn giản, nếu toàn bộ các ngân hàng huy động được 100 đồng, thì ACB phải huy động được 10 đồng trong số đó. ACB đánh giá trong tương lai gần cạnh tranh giữa các ngân hàng không nằm ở tăng trưởng tín dụng, không nằm ở dịch vụ, mà ở huy động vốn. Trên thực tế, những năm thắt chặt tiền tệ đã chứng minh họ không nhận định sai. Trong vòng 3-4 năm, tỷ lệ huy động vốn của ACB lúc đỉnh cao chiếm 10,4% tổng vốn huy động toàn ngành.

Mặc dù lãi suất tiết kiệm luôn thấp hơn một số ngân hàng, vốn huy động của ACB duy trì mức cao trong thời gian dài. Thay vì đẩy tín dụng, ACB dành một tỷ lệ vốn lớn kinh doanh liên ngân hàng. Khi việc chây ì trả nợ dẫn đến nợ xấu liên ngân hàng xảy ra, ACB gặp khó khăn. Đầu ra cho dòng vốn bị thu hẹp.

Thời gian đó ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ACB, cho biết ban lãnh đạo chịu áp lực không nhỏ trong việc tìm đầu ra cho tiền đồng. Một lần ông Hải trầm ngâm nói đã nghĩ đến giải pháp gia tăng tiền gửi giữa các tổ chức tín dụng, nhưng xem ra không an toàn. ACB đã cho vay liên ngân hàng và có khoản cho vay hơn 1.000 tỉ đồng đã quá hạn không đòi được.

Việc ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền dưới hình thức tiết kiệm vào các ngân hàng khác được tính đến và thực hiện. Hàng chục ngàn tỉ đồng đã được gửi ở nhiều ngân hàng mà không có vấn đề gì cho đến khi “không may” “đụng” phải “thiên nga đen” Huyền Như thuộc “họ thiên nga” VietinBank. Trước năm 2011, điều lệ của ACB và quy định pháp luật cho phép thực hiện nghiệp vụ này.

Có thể hiện nay nhìn dưới góc độ an toàn, mang tiền huy động đi gửi ở ngân hàng khác là không phù hợp với nguyên tắc kinh doanh ngân hàng nói chung, nhưng đặt trong bối cảnh những năm 2009-2011, hành động mang tính nhất thời của ACB đã ít nhiều làm luân chuyển vòng quay vốn và san sẻ thanh khoản, phân bổ lại thanh khoản cho không ít ngân hàng.

Nhìn rộng ra, chính sách thắt chặt tiền tệ đã áp dụng cho mọi ngân hàng mà không tính đến thanh khoản của từng ngân hàng hay ít nhất là thanh khoản của từng nhóm tổ chức tín dụng đã làm nảy sinh những biến tướng đưa tiền cho nhân viên đi gửi vào ngân hàng khác và ở đó chực chờ là các con thiên nga đen như Huyền Như.

 

http://www.thesaigontimes.vn/115824/Vap-nga-vi-%E2%80%9Cthien-nga-den%E2%80%9D.html

Theo Hải Lý/ Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm