Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Doanh nghiệp Nhà nước cần tăng năng lực cạnh tranh'

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, doanh nghiệp Nhà nước đang đứng trước yêu cầu thể hiện vai trò nòng cốt trong nền kinh tế bằng năng lực cạnh tranh theo quy luật thị trường.

Ngày 6/6, ban Kinh tế Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức hội thảo "Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Theo GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, vai trò then chốt của doanh nghiệp nhà nước phải được thể chế hóa và hiện thực hóa.

Số liệu thống kê đến hết năm 2012, doanh nghiệp Nhà nước có tổng tài sản 2,57 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1,09 triệu tỷ đồng, doanh thu 1,709 triệu tỷ đồng. Năm 2013, riêng 18 tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, có vốn nhà nước là 840.000 tỷ đồng (chiếm 83% vốn nhà nước tại doanh nghiệp), lợi nhuận trước thuế 136.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 191.000 tỷ đồng.

Có 17/18 tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói trên có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 16,13%, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,3 lần. Trong năm 2013, chỉ tính riêng nộp ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong khối doanh nghiệp Trung ương lên đến 297.000 tỷ đồng, bằng khoảng 36% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, về cơ bản, doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước đã có đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hình thành các ngành công nghiệp, kinh tế quan trọng, then chốt của nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, yêu cầu thực tế đặt ra đòi hỏi vai trò nòng cốt của doanh nghiệp này phải được thể hiện trên thực tế bằng năng lực cạnh tranh theo quy luật thị trường, bằng hiệu quả kinh tế - xã hội.

Để phát huy vai trò then chốt của doanh nghiệp Nhà nước, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng, quốc phòng và an ninh, đẩy mạnh cổ phần hóa và bán vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần hoàn thiện cơ chế và mô hình thực hiện quyền sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời kiện toàn đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý và nâng cao năng lực quản trị, thực hiện công khai, minh bạch kết quả hoạt động.

Hạ Minh

Bạn có thể quan tâm