Trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về chủ đề "Làm thể nào để giảm phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế?".
- Bà có thể chia sẻ quan điểm riêng của mình về vấn đề này?
- Tôi nghĩ đây là một chủ trương hoàn toàn đúng với Việt Nam. Đó không chỉ là yêu cầu trước mắt của tình hình biển Đông mà nó còn là yêu cầu phát triển lâu dài của nền kinh tế. Chúng ta càng hội nhập thì càng phải làm thế nào để cân bằng các mối quan hệ, tạo ra thế các quốc gia tham gia toàn cầu hóa để có sự phụ thuộc lẫn nhau, chứ không phải phụ thuộc một chiều, như ta đang phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. |
Nền kinh tế ở vào thế phụ thuộc nước khác sẽ luôn thua thiệt. Vì thế, yêu cầu đặt ra là phải tạo được sự độc lập về kinh tế, tăng cường mối quan hệ tốt đẹp với các nước khác, khi đó chúng ta mới được hưởng lợi nhiều.
Trong xuyên suốt các chủ trương tăng cường hội nhập, tham gia toàn cầu hóa, phát triển quan hệ với các đối tác kinh tế, đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện với tất cả các gia trên thế giới, kể cả tham gia vào những cuộc đàm phán "hóc hiểm" như TPP... chúng ta đều nhận thức được là nó rất khó, thách thức nhiều nhưng sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển.
Bên cạnh đó, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng ít nhất đã nêu ra từ Đại hội đảng lần thứ 11 và được làm rõ. Tốc độ tăng trưởng của chúng ta cao nhưng chất lượng lại thấp, gây ra những hậu quả không tốt đối với nền kinh tế, một nền kinh tế không thể chịu được hậu quả thấp kéo dài.
Nếu chúng ta không thay đổi nhanh mô hình kinh tế tăng trưởng thì sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Đưa ra chủ trương cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng... đều đúng và nếu thực hiện được thì sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển hơn, mạnh hơn và giảm dần sự phụ thuộc một chiều như hiện nay.
- Cụ thể sự phụ thuộc của kinh tế vào Trung Quốc đáng lo sợ đến mức nào, thưa bà?
- Trên thực tế, Trung Quốc vừa là đối tác cung cấp cho Việt Nam quá nhiều nguyên vật liệu đầu vào, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch nhập khẩu; lại đang là nhà thầu nắm một loạt dự án quan trọng. Đến 90% dự án EPC (Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình - PV) là những dự án quan trọng hàng đầu do Trung Quốc làm tổng thầu.
Lâu nay, Trung Quốc còn "chơi xấu" Việt Nam về kinh tế với nhiều thủ đoạn: đối với nông dân thì thu mua các loại cây, con mang tính chất phá hoại, ví dụ như thu mua các loại rễ cây, xúi nông dân lấy ngọn, lá của các loại cây, làm ảnh hưởng rất nặng nề đến sự sinh trưởng của thực vật và chất lượng sản phẩm về lâu về dài. Hay việc thu mua đỉa tràn lan cũng gây hại cho nông nghiệp Việt Nam.
Một mặt, Trung Quốc nói rằng muốn cân bằng quan hệ kinh tế, tạo điều kiện cho Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng mặt khác lại luôn gây khó cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là hàng nông sản.
Có thể thấy điều này qua vụ việc hàng ngàn xe dưa hấu của Việt Nam bị tắc nghẽn ở biên giới, hay cứ đến mùa vải là nông dân ở Bắc Giang, Hải Dương lại lo "sốt vó" lên vì không biết có bị gây khó ở biên giới nữa không. Tất cả những chuyện này đều xảy ra thường xuyên.
Trong bối cảnh đó, chúng ta phải ngay lập tức có những biện pháp phòng ngừa cần thiết để nếu Trung Quốc có gây khó về kinh tế thì Việt Nam sẽ chống đỡ được. Nếu lúc này không nghĩ tới thì khi Trung Quốc "chơi xấu" sẽ gây ra ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
- Như vậy, Việt Nam cần phải đưa ra và thực hiện những giải pháp thiết thực, cụ thể nào để giảm dần sự phụ thuộc đó?
- Sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc được thể hiện trên một số mặt.
Thứ nhất là về nhập khẩu: hiện Việt Nam đang nhập khẩu quá nhiều sản phẩm từ Trung Quốc, cho nên cần phải tìm kiếm những nguồn hàng khác, cùng với việc tăng cường khả năng sản xuất trong nước để thay thế cho việc nhập khẩu từ bên ngoài.
Những sản phẩm trung gian thực tế không phải là quá khó để làm được, nhiều nước đang phát triển đã đi theo con đường này, vì đấy là kho trung gian có thị trường rất rộng lớn, khả năng tiêu thụ tốt, giá trị gia tăng cao hơn nhiều so với việc làm gia công như Việt Nam vẫn làm. Cho nên muốn hay không thì Việt Nam phải cố gắng phát triển trong lĩnh vực đó.
Trước mắt, khi chưa thể phát triển được ngay thì cố gắng tìm những nguồn khác để nhập khẩu thay thế cho nguồn từ Trung Quốc. Tất nhiên là giá cả sẽ đắt đỏ hơn, khó khăn hơn lúc đầu, nhưng nếu không bắt đầu thì sẽ không bao giờ thay đổi tình hình được. Đây là lúc Việt Nam phải làm.
Thứ hai là về xuất khẩu: có một số sản phẩm, đặc biệt là nông sản Việt Nam vẫn xuất sang Trung Quốc thì bây giờ phải tìm các thị trường khác để thay thế. Vấn đề cốt lõi hiện nay là việc xuất khẩu sang Trung Quốc mỗi năm rất nhiều và phía Trung Quốc không đòi hỏi cao về chất lượng, tiêu chuẩn... nên Việt Nam có thể làm được.
Vậy thì trong tái cơ cấu nông nghiệp chúng ta cũng đang đề ra việc phải đầu tư vào công nghệ, nâng cấp các sản phẩm để thay đổi bức tranh nông nghiệp, mang lại lợi ích cao hơn cho nông nghiệp từ việc tăng giá trị gia tăng cho xuất khẩu.
Thứ ba là các dự án tổng thầu: phải xem những lĩnh vực gì mà Việt Nam có thể làm được, vì nhìn vào tổng thầu thì Trung Quốc mang cả "thượng vàng hạ cám" sang Việt Nam.
Ví dụ như nhân lực, kể cả những người rất bình thường, không dính dáng gì đến công trình họ cũng mang sang. Những cái này Việt Nam có thể thay thế được nên phải cố gắng tối đa các nguồn lực trong nước để thay thế một phần. Mặt khác, chúng ta có thể tìm các nhà thầu khác của các nước khác để chuẩn bị sẵn sàng thay thế nếu Trung Quốc gây khó.
Hiện nay, đầu tư của Trung Quốc không nhiều, đứng dưới góc độ đầu tư nước ngoài. Họ có vài trăm dự án ở Việt Nam nhưng đều là những dự án cấp độ vừa phải, quy mô nhỏ chứ không quá lớn mà Việt Nam phải e ngại.
- Nếu thực hiện tốt những giải pháp vừa nêu thì theo bà, trong thời gian bao lâu chúng ta có thể thoát khỏi sự phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế?
- Khó có thể nói được là bao nhiêu lâu, nhưng tôi cho rằng để làm được thì điều then chốt nhất chính là Chính phủ phải thay đổi chính sách để thu hút đầu tư.
Thay vì một chiều, chỉ khuyến khích đầu tư nước ngoài thì nên cố gắng thúc đẩy đầu tư trong nước, đây cũng là cơ hội để cho các doanh nghiệp trong nước phát triển.
Khuyến khích đầu tư trong nước ít nhất sẽ làm cho các doanh nghiệp trong nước được hưởng những điều kiện ưu đãi tương tự như đầu tư nước ngoài, mà nhiều đơn vị vẫn đảm bảo thực hiện được. Cho nên phải có hệ thống các chính sách khuyến khích, đặc biệt là các lĩnh vực làm ra các sản phẩm có giá trị gia tăng, chứ không phải là khuyến khích các doanh nghiệp khai thác khoáng sản để xuất thô sang Trung Quốc như hiện nay, việc này chúng ta phải kiên quyết ngăn chặn.
Đối với nông dân, biện pháp hỗ trợ đã nêu ra nên bây giờ phải khẩn trương lên, để giúp nông dân có thể nhanh chóng thay đổi được cách thức làm ăn của mình.
Về dài hạn, vẫn phải tiếp tục khai thác tối đa các mối quan hệ với những nước khác. Chúng ta đang có những quan hệ hợp tác về kinh tế hay quan hệ thương mại với rất nhiều quốc gia trên thế giới chứ không phải chỉ với Trung Quốc. Phải cố gắng khai thác để bù đắp được quan hệ với Trung Quốc, nhất là tăng cường quan hệ với các nước có FTA (hiệp định thương mại tự do) với Việt Nam.