Vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam được các cử tri quận Tây Hồ bày tỏ với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc cử tri sáng 1/7.
Ủng hộ quan điểm của Đảng, Chính phủ, cử tri Phan Văn Tá (phường Yên Phụ) nhìn nhận, Trung Quốc là một nước đông dân và có nền kinh tế lớn, do đó, cuộc đấu tranh với một đất nước thế lực như vậy chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn. Việt Nam vì thế rất cần có sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân thế giới và dư luận quốc tế.
"Để có được điều đó, chúng ta phải làm sao cho nhân dân thế giới thấy được một chân lý rằng, hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta phải làm được điều đó”, cử tri Tá nói.
Theo cử tri Phan Văn Tá, Việt Nam cần chi tiêu tiết kiệm, giảm hội họp để ủng hộ biển đảo. |
Cử tri này nhấn mạnh, Việt Nam phải hết sức kiềm chế, không vì cái nhỏ mà làm hại cái lớn - kiềm chế không có nghĩa là thua. Kiềm chế nhưng luôn kiên quyết bảo vệ chủ quyền.
Ông đề nghị, về lâu dài, Việt Nam cần ổn định nền kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân để tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc. Đặc biệt, cần tập trung đẩy mạnh hành động hướng về biển đảo như tiết kiệm chi tiêu, bớt hội họp không cần thiết để ủng hộ chiến sĩ biển đảo, tiết kiệm chi tiêu để đóng tàu lớn, làm dụng cụ phục vụ nghề cá, góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước…
Chia sẻ với ông Tá, cử tri Bùi Đức Thập (phường Xuân La) cho rằng, báo chí nên mổ xẻ phân tích các động thái của Trung Quốc để thấy được sự sai trái của nước này, để thấy rằng Trung Quốc hoàn toàn không xứng đáng với “4 tốt và 16 chữ vàng”.
Ông đề nghị cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời phải có bản kiến nghị trên 150 nước, có công hàm để toàn thế giới đều biết đến hành động sai trái và phi lý của Trung Quốc. Về mặt pháp lý, Việt Nam nhất định phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Tiếp thu các ý kiến, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, vấn đề giải quyết tình hình căng thẳng trên Biển Đông là một vấn đề phức tạp và lâu dài. Việt Nam chủ trương chung sống hòa bình, hữu nghị, thân thiện, hợp tác cùng phát triển cùngTrung Quốc trên cơ sở kiên quyết giữ vững chủ quyền dân tộc.
"Chúng ta kịch liệt lên án hành động sai trái của Trung Quốc, nhất định không nhân nhượng”, Tổng bí thư nói.
Một mặt kiên định chủ trương đó, song phân tích thêm tình hình, Tổng Bí thư cũng lưu ý, Trung Quốc là một nước láng giềng lớn, muốn hay không vẫn phải sống cạnh nhau, "không ai chọn được láng giềng nên cần xử lý cho đúng". Trong lịch sử, những tranh chấp, bất đồng đã xảy ra nhiều lần nhưng Việt Nam vẫn luôn phải tìm cách làm sao để chung sống với nhau hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển nhưng đồng thời phải giữ vững độc lập, chủ quyền.
Theo Tổng bí thư, trước việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan vào vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta đã lên tiếng thể hiện rõ lập trường tại các diễn đàn khác nhau. Ông nhắc lại, Việt Nam đã tuyên bố rất rõ rằng việc làm của Trung Quốc là vi phạm pháp luật quốc tế, vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa hai đảng, hai nhà nước...
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc cử tri sáng 1/7. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Cho rằng, Trung Quốc bằng mọi cách đang muốn thực hiện hóa "đường lưỡi bò", thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông, bất chấp dư luận và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Tổng Bí thư nêu quan điểm, Việt Nam nhất định phải cử xử sao cho thận trọng, khéo léo, chủ quyền quốc gia là một vấn đề lớn, nếu sai một ly sẽ đi một dặm.
"Có người hỏi nhỡ xảy ra chiến tranh thì sao? Chúng ta không mong chiến tranh xảy ra, nhưng nếu có chiến tranh, chúng ta luôn sẵn sàng chuẩn bị mọi phản ứng”, Tổng bí thư nhấn mạnh.