New York Times hôm 14/1 xác thực đoạn băng từ camera an ninh, lần đầu tiên cho thấy 2 tên lửa lao vào chuyến bay 752 của hãng Ukraine International Airlines hôm 8/1. Các tên lửa được phóng đi từ một cơ sở quân sự của Iran cách máy bay khoảng 13 km.
Video mới giải thích lý do tại sao hệ thống nhận phát tín hiệu của máy bay ngừng hoạt động, vài giây trước khi trúng quả tên lửa thứ hai.
Một phân tích trước đó của New York Times đã xác nhận những gì Iran sau đó thừa nhận: rằng một tên lửa của Iran đã tấn công máy bay. Tờ báo cũng xác định rằng hệ thống nhận phát tín hiệu đã ngừng hoạt động trước khi quả tên lửa đó đâm vào máy bay.
Video mới dường như xác nhận việc quả tên lửa đầu tiên đã vô hiệu hóa hệ thống nhận phát tín hiệu, trước khi quả tên lửa thứ hai được bắn đi, cũng được thấy trong video, khoảng 23 giây sau.
Hình ảnh từ video mới. Ảnh: NYT. |
Không tên lửa nào làm rơi máy bay ngay lập tức. Đoạn video mới cho thấy chiếc máy bay bốc cháy, quay đầu trở về hướng sân bay quốc tế Tehran. Vài phút sau, máy bay phát nổ và rơi xuống, ngay phía ngoài làng Khalaj Abad, theo một bản dựng lại video trước đó của New York Times.
Tờ báo xác nhận đoạn video mới được quay bằng camera trên nóc một tòa nhà gần làng Bidkaneh, cách cơ sở quân sự của Iran khoảng 6,5 km. Amir Ali Hajizadeh, chỉ huy đơn vị không phận của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, nói các tên lửa được phóng từ một căn cứ gần đó.
Quân đội Iran nói lỗi của con người đã dẫn đến vụ tấn công và cho biết máy bay đã bị xác định nhầm là tên lửa hành trình bay qua Tehran. Song đường bay của máy bay cho thấy điều khác. Máy bay đang bay lên với vận tốc khoảng 600 m/phút sau khi cất cánh từ sân bay, khi quả tên lửa đầu tiên được bắn, theo phân tích về dữ liệu chuyến bay.
Hoạt động bay ở sân bay quốc tế Tehran diễn ra bình thường vào sáng 8/1, theo dữ liệu chuyến bay, và chuyến bay 752 đi theo lộ trình thông thường. Đó là một trong 19 máy bay cất cánh từ Tehran trong vài giờ sau khi Iran phóng tên lửa vào các căn cứ quân sự ở Iraq, nơi quân đội Mỹ đồn trú.
Video mới được tải lên YouTube bởi một người dùng Iran vào khoảng 2h sáng 14/1.
Ngày hiển thị trên đoạn băng là "2019-10-17", không phải 8/1 - ngày máy bay bị hạ. New York Times tin rằng điều này là do hệ thống camera đang sử dụng lịch Ba Tư chứ không phải lịch Gregory (Dương lịch, được dùng phổ biến ngày nay). Ngày 8/1 chính là ngày 18 tháng Dey, tháng thứ 10 trong lịch Ba Tư, và sẽ được hiển thị là "2019-10-18" trong video.
Một giả thuyết cho rằng sự cách biệt một ngày có thể được giải thích bằng sự chênh lệch về năm, tháng nhuận giữa lịch Ba Tư và lịch Gregory.