Ngày 1/1/2023 là thời điểm anh Tấn Phát, 31 tuổi, sống tại TP.HCM nhận được tin nhắn qua mạng xã hội mời chào “việc làm online”. Mất việc từ giữa năm và muốn kiếm thêm thu nhập gần Tết để phụ giúp gia đình, anh nhận lời.
Công việc đơn giản gồm bấm like các video theo đường dẫn được gửi, chụp màn hình và sẽ được trả 15.000 đồng cho mỗi lượt. Khi nhận 45.000 đồng thù lao ngày đầu, anh Phát không hay biết mình sẽ sớm trở thành nạn nhân của vụ lừa đảo trăm triệu đồng chỉ 4 ngày sau.
Thủ đoạn lừa đảo trăm triệu chỉ trong vài ngày
“Thấy những nhiệm vụ tương tác này chỉ được trả thù lao thấp, hôm sau tôi làm thử các nhiệm vụ yêu cầu chuyển tiền và kiếm lãi gần 700.000 đồng”, anh Phát kể lại với Zing. Trước khi “nâng cấp nhiệm vụ”, nạn nhân được hướng dẫn chuyển sang Telegram để trao đổi với một người tự nhận là “quản lý cấp cao”.
Một tài khoản Telegram yêu cầu nạn nhân chuyển khoản đến một tài khoản ngân hàng để nạp tiền và làm nhiệm vụ. Ảnh: NVCC. |
“Quản lý cấp cao” cung cấp địa chỉ web m.dtncommunications2010.com và tài khoản đăng nhập. Nhận nhiệm vụ qua người này, nhưng anh Phát được hướng dẫn liên lạc với một tài khoản Telegram khác, tự nhận là kế toán, để chuyển tiền đến một tài khoản ngân hàng, qua đó được nạp tiền lên trang web và có thể bấm các nút thực hiện nhiệm vụ.
“Nhiệm vụ đầu tiên tôi chỉ cần chuyển 100.000 đồng thôi, nhiệm vụ sau là 200.000 rồi sau đó nữa là 250.000 và 500.000”, nạn nhân chia sẻ với Zing. Toàn bộ số tiền gốc và lãi như được hứa hẹn của những nhiệm vụ này, mà những kẻ lừa đảo gọi là “giao dịch chứng khoán” và “lên đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử”, được hoàn trả nhanh chóng.
Sau một vài nhiệm vụ, anh Phát được thêm vào một nhóm Telegram có những “cộng tác viên” khác làm công việc tương tự, nhằm tạo cảm giác đáng tin hơn cũng như gây sức ép cho nạn nhân phải chuyển tiền nhanh nếu không muốn bỏ lỡ nhiệm vụ. Đây là lúc anh Phát chuyển số tiền 12 triệu đồng để tham gia một nhiệm vụ và không được hoàn trả, với lý do bấm sai nút lệnh trên web so với nhóm.
“Khi thấy những người chung nhóm làm đúng và vẫn được trả tiền, chỉ có tôi và một người làm sai bị giữ tiền, tôi có niềm tin hơn để làm theo yêu cầu nạp 30 triệu để được lấy lại 12 triệu đó”, anh Phát kể lại. Nạp thêm tiền, trang web vẫn tiếp tục báo làm sai và quản lý tự xưng tên Ngô Đức Duy yêu cầu nạn nhân nạp thêm 50 triệu để được “giúp đỡ khắc phục lấy lại tiền”.
Ảnh kẻ lừa đảo gửi cho nạn nhân để tự xưng là "quản lý cấp cao" tại một công ty. Ảnh: NVCC. |
“Khi đó chỉ nghĩ làm sao để lấy lại được những khoản tiền đã chuyển, tôi làm theo, vay gia đình 40 triệu để nộp, rồi chúng tiếp tục báo tôi đã làm chậm và phải chờ 3 năm hoặc nộp thêm 80 triệu để được lấy lại toàn bộ”, anh Phát nói. Lúc này, thấy rằng mình đã bị lừa tổng cộng hơn 92 triệu đồng, nạn nhân yêu cầu có giấy cam kết được hoàn tiền sau 3 năm và sẽ báo cơ quan chức năng, nhưng đều không được phản hồi.
Chiêu trò lừa đảo cũ, vẫn tìm được nạn nhân mới
“Đây là hình thức lừa đảo giả mạo đầu tư tài chính và giả mạo các trang sàn điện tử lớn ở trong và ngoài nước để tuyển cộng tác viên. Mã nguồn vẫn như cũ, chỉ thay đổi chút về logo, hình ảnh và tên miền”, ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia bảo mật tại dự án Chống lừa đảo, phản hồi Zing về địa chỉ m.dtncommunications2010.com.
Các địa chỉ có liên quan đến mã nguồn của trang lừa đảo trong vụ việc, lấy tên các sàn thương mại điện tử, đa phần đến từ Campuchia. Ảnh: Ngô Minh Hiếu. |
Kịch bản thường thấy là kẻ lừa đảo tiếp cận nạn nhân qua các Facebook, Zalo, sau đó yêu cầu chuyển sang Telegram để gặp “trưởng nhóm”, gửi đường link, giao dịch chuyển khoản, để dễ dàng xóa lịch sử.
Chuyên gia cho biết, đa phần các website có mã nguồn liên quan đều là trang từ Campuchia, vì vậy khả năng cao đây là tổ chức lừa đảo hoạt động từ nước này. Các trang đều lấy tên miền tương tự như các sàn thương mại điện tử, chẳng hạn như tikivip.com, amazon5288.com, vieclamshoppee.com, v.v…
Địa chỉ lừa đảo mà nạn nhân mới gặp phải có đầy đủ dấu hiệu khả nghi mà người dùng mạng cần cảnh giác, đó là không có tên công ty, địa chỉ liên lạc hay các giấy phép hoạt động liên quan, lấy logo thương hiệu lớn, giao diện chắp vá và chỉ có thể truy cập qua điện thoại, ông Hiếu cho biết.
“Nắm bắt tâm lý muốn kiếm tiền, chiêu trò tuyển cộng tác viên làm việc online làm nhiệm vụ mua hàng nhận tiền hoa hồng cao đã dụ được rất nhiều nạn nhân sập bẫy”, đại diện Cục An toàn Thông tin (ATTT), cho biết.
Cơ quan này lưu ý nạn nhân cần tránh tâm lý cố nộp thêm tiền để lấy lại khoản đã mất, thay vào đó cần dừng ngay khi thấy bên còn lại có dấu hiệu chần chừ thanh toán và trình báo với cơ quan chức năng. Chính nỗ lực cố “gỡ gạc” mới dẫn đến nợ nần và thiệt hại nhiều hơn, chứ không dừng lại ở 12 triệu đồng ban đầu, anh Phát thừa nhận.
Trang web lừa đảo thường không có thông tin rõ ràng, các giấy phép liên quan, và giả mạo các thương hiệu quen thuộc. Ảnh: NVCC. |
Theo ước tính của Chống lừa đảo, nạn nhân từ mỗi vụ việc thường bị thiệt hại từ 30 triệu đến 1 tỷ đồng. Ngoài ra, nạn nhân thường ngại trình báo vì nghĩ không có bằng chứng, sợ gia đình phát hiện, ảnh hưởng đến cuộc sống, ông Hiếu cho biết.
Do đó, số ca lừa đảo trực tuyến thực tế có thể lớn hơn con số được ghi nhận, vốn đã lên đến hơn 12.000 vụ việc trong năm qua theo thống kê của trang Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, thuộc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
“Tôi đã biết về những vụ lừa đảo qua mạng từ trước, nhưng chúng dàn xếp trả tiền kỹ càng và có những người chung nhóm để tạo niềm tin”, anh Phát nói. “Tôi không hy vọng lấy lại số tiền, chỉ mong cảnh giác mọi người để đừng bị lừa”.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.