Cũng giống như phần còn lại của châu Âu, nước Pháp phần nào bị tác động bởi những gì diễn ra ở Ukraine. Vài ngày khi cuộc bầu cử vòng một diễn ra, tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron vẫn không quá tích cực trong các nỗ lực vận động tranh cử của mình mà tập trung nhiều hơn đến các nhiệm vụ ngoại giao.
Điều này được cho là một quyết định có tính toán của ông Macron, nhằm thể hiện mình là sự ổn định mà nước Pháp cần có trong lúc thế giới đang bất ổn.
Đương kim tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tiếp tục đối đầu ứng viên cực hữu Marine Le Pen trong cuộc bầu cử năm nay. Ảnh: New York Times. |
Ông trùm truyền thông
Phản ứng thống nhất của phương Tây trước hành động quân sự của Nga ở Ukraine đã thể hiện một sự đoàn kết nhất định của "thế giới tự do". Nhưng có một sự thật là chủ nghĩa dân tộc vẫn đang hiển hiện ở nhiều quốc gia trong khối này, và cùng với đó là tham vọng của nó để cạnh tranh quyền lực với các chính phủ hiện hành.
Tại Pháp, làn sóng này được đại diện bởi 3 chính trị gia. Đứng đầu là bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia, người đã lọt vào vòng hai để tái hiện cuộc đối đầu với ông Emmanuel Macron. Ở phía bên trái của bà Le Pen là Valerie Pecresse, người đại diện cho đảng Cộng hòa Pháp, và ở bên phải là Eric Zemmour - một nhà bình luận chính trị với tư tưởng cực hữu đã trở thành ứng viên tổng thống.
Kết quả bầu cử của những ứng viên này, dù có ra sao, thì cũng sẽ đánh dấu những thay đổi trong khung cảnh chính trị nước Pháp. Nhưng có một điểm chung giữa họ mà ít người để ý đến, đó là việc họ thường xuất hiện trên các kênh truyền hình, tin tức và radio thuộc sở hữu của ông trùm truyền thông Vincent Bollore. Cả 3 ứng viên cánh hữu nói trên, ít nhiều đều chiếm thời lượng lớn trên kênh tin tức 24 giờ thuộc sở hữu của vị tỷ phú này.
Dù không phải là cái tên xuất hiện trên các lá phiếu, tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của Vincent Bollore lên chính trường Pháp là không thể bàn cãi. Là người thừa kế của một gia đình tư bản công nghiệp lâu đời, ông Bollore hiện nằm trong top 20 người giàu nhất nước Pháp với khối tài sản trị giá hơn 7 tỷ USD.
Từ đầu những năm 2000 tới nay, bằng tập đoàn đầu tư mang tên gia đình, vị tỷ phú này đã mua cổ phần và nắm quyền kiểm soát nhiều kênh truyền hình và phát thanh lớn ở Pháp. Ông hiện là cổ đông lớn nhất của Vivendi Group (công ty mẹ của Canal Plus) và vào đầu năm nay đã mua lại kênh radio tư nhân lớn nhất nước Pháp là Europe 1.
Đáng chú ý nhất trong số những kênh truyền hình thuộc sở hữu của Vincent Bollore là CNews. Mọi thứ bắt đầu vào năm 2015 sau khi ông Bollore nắm quyền kiểm soát Canal Plus, bao gồm cả kênh tin tức i-Telé thiên tả của đài này, khi đó đang vật lộn vì không có lợi nhuận. Hai năm sau, i-Telé được tái sinh thành CNews.
Chỉ mất 4 năm từ 2017 đến 2021, CNews có thời điểm trở thành kênh tin tức có lượng người xem nhiều nhất nước Pháp. Thay vì xu hướng thiên tả như phiên bản trước của nó, CNews dành nhiều thời lượng hơn cho các chính trị gia cực hữu, những người phản đối việc chống biến đổi khí hậu và cho lên sóng cả những người ủng hộ việc dùng thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine như một phương pháp chữa trị Covid-19.
CNews, kênh tin tức thiên hữu thuộc sở hữu của tỷ phú Vincent Bollore, được mô tả là "phiên bản Pháp" của Fox News. Ảnh: Reuters. |
Chính vì những nội dung kiểu như vậy, CNews được mô tả là Fox News phiên bản Pháp. Ở một đất nước mà sự tin tưởng vào các kênh truyền thông là rất thấp, CNews nổi lên vào một thời điểm đặc biệt - đó là sau phong trào biểu tình Áo Vàng hồi năm 2018.
Phần lớn truyền thông Pháp khi đó được cho là không thật sự nghiên cứu kỹ về nguyên nhân của phong trào này, và những mô tả có phần tiêu cực về những người biểu tình càng làm tăng sự hoài nghi của họ về các kênh tin tức truyền thống.
Định hình sân khấu chính trị
Đến năm 2019, CNews bắt đầu phát các chương trình bình luận với sự xuất hiện của Eric Zemmour - người từ lâu đã nổi tiếng với những lời than thở về cái mà ông cho là sự suy tàn của xã hội Pháp. Ông Zemmour cũng là người tin vào thuyết âm mưu "Sự Thay thế Vĩ đại" - vốn có nguồn gốc từ các nhóm cực hữu phát xít, rằng dân số da trắng của Pháp đang dần bị thay thế bởi người nhập cư từ châu Phi và các nước Arab.
CNews khiến cho cái tên Eric Zemmour trở nên nổi tiếng tới mức vào tháng 11 năm ngoái, ông này quyết định ra tranh cử tổng thống, với chương trình nghị sự cực hữu nhất trong các ứng viên, kêu gọi trục xuất người nhập cư và "đồng hóa" các dân tộc thiểu số.
Ông Zemmour không vượt qua được vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống, khi chỉ đạt hơn 7% số phiếu bầu. Và người đại diện cho phe cánh hữu ở vòng 2 cũng không phải là bà Valerie Pecresse mà là Marine Le Pen, lặp lại màn đối đầu hồi năm 2017 với ông Emmanuel Macron.
Tỷ phú Vincent Bollore tự mô tả bản thân là "đứng ngoài các cuộc xung đột đảng phái", nhưng bằng cách xây dựng một bộ máy truyền thông trở thành nền tảng chính cho chủ nghĩa bảo thủ, ông đã phần nào định hình lại đời sống chính trị Pháp.
Nước Pháp, theo mô tả của CNews, đang ở trên đỉnh điểm của sự phá vỡ trật tự và văn minh, và dường như sắp có nội chiến đến nơi. Những người thuộc phe cực tả được coi là kẻ thù đang thực hiện âm mưu hạ bệ nước Pháp và nền cộng hòa, và những người dân nhập cư là nguyên nhân của một sự sụp đổ hàng loạt.
Thật dễ để so sánh Vincent Bollore với Rupert Murdoch, nhưng sự thật thì mọi thứ phức tạp hơn nhiều. Dù vào lúc này CNews và Radio 1 không có lượng người theo dõi quá cao, chỉ riêng việc những kênh tin tức này phát sóng các quan điểm cực hữu cũng là đủ để những nội dung như vậy được lan truyền một cách thứ cấp, bởi các kênh sóng khác và đặc biệt là trên mạng xã hội.
Và bản thân ông Bollore cũng được coi là người theo chủ nghĩa cơ hội chứ không phải một người với quan điểm chính trị rõ ràng. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã vun đắp các mối quan hệ ở cả hai phía của chính trường Pháp - điều cần thiết cho những nhà đầu tư mạo hiểm.
Tỷ phú Vincent Bollore trở thành người có ảnh hưởng nhất định đến chính trường Pháp, khi sở hữu một loạt các kênh tin tức và radio ăn khách. Ảnh: AFP. |
Trước CNews, những công cụ truyền thông mà ông sở hữu, bao gồm hãng quảng cáo Havas, được coi là phần bổ trợ cho những dự án khác, chứ không phải quân cờ trong một dự án về ý thức hệ. Việc ông Bollore nổi lên như người bảo trợ của phe cánh hữu là điều khá mới mẻ.
Hôm 18/2, vị tỷ phú này tuyên bố chính thức rút khỏi các cương vị chính thức của tập đoàn Bollore, và chuyển giao quyền điều hành cho hai con trai của mình. Nhưng ít ai có thể khẳng định người đàn ông 70 tuổi này sẽ rũ bỏ tầm ảnh hưởng của mình với sân khấu chính trị Pháp.