Đối thoại Shangri-La năm nay, cũng giống như những lần trước, là chủ đề của nhiều dự đoán. Không chỉ bởi vì nó vẫn là cuộc đối thoại an ninh hàng đầu ở khu vực, nơi một loạt các vấn đề an ninh nổi bật sẽ được thảo luận.
Điều khiến các nhà quan sát chú ý là sự tham gia của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc sau 8 năm vắng bóng. Từ 2012 đến 2018, Bắc Kinh chỉ mang tới sự kiện những quan chức cấp dưới, không phải cấp bộ trưởng.
Vì vậy, sự xuất hiện của tướng Ngụy Phượng Hòa ở Đối thoại Shangri-La 2019 là điều rất thú vị, đặc biệt khi xem xét trong bối cảnh cạnh tranh thương mại ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, theo nhận định của chuyên gia Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược của Trường nghiên cứu Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.
Quyền Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Patrick Shanahan có cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trước thềm Đối thoại Shangri-La 2019. Ảnh: Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore. |
Bắc Kinh và Washington ngày càng cách xa
Thêm vào đó, đây mới đánh dấu lần thứ hai Trung Quốc có bộ trưởng quốc phòng dẫn đầu phái đoàn nước này đến Shangri-La kể từ khi diễn đàn này bắt đầu cách đây gần 2 thập kỷ. Vậy mục đích của Bắc Kinh khi cử ông Ngụy đến vào năm nay là gì, và bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc sẽ mang tới thông điệp nào?
Với việc Mỹ tiếp tục được đại diện bởi quan chức cao cấp nhất Lầu Năm Góc - quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan (đang đợi thượng viện phê chuẩn) - liệu chúng ta có được chứng kiến những xung đột nảy lửa giữa hai siêu cường?
Theo những diễn biến gần đây, các thách thức khó khăn khác nhau dường như đã gây chia rẽ mối quan hệ song phương giữa hai nước. Những căng thẳng thương mại đang có bước chuyển biến theo chiều hướng xấu hơn.
Cả hai bên tiếp tục đáp trả lẫn nhau trong những vấn đề an ninh chiến lược như Biển Đông và Eo biển Đài Loan. Nhìn rộng hơn, có một sự ủng hộ lưỡng đảng ở Mỹ với một lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc về kinh tế, an ninh và các vấn đề nhân quyền. Trong khi đó ở Bắc Kinh, nổi lên tâm lý chung cho rằng Washington đang cố gắng kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Gần đây, các học giả Trung Quốc từ các viện nghiên cứu nhà nước và các tổ chức tư tưởng của quân đội đã than thở về những khó khăn và thách thức ngày càng tăng khi kết nối với các đối tác của Mỹ.
Nhiều người trong số họ chỉ ra rằng quan điểm cứng rắn của chính quyền Trump với các vấn đề nổi cộm như thương mại và lợi ích cốt lõi của Trung Quốc ở Đài Loan và Biển Đông đã đóng sập cánh cửa đối thoại có ý nghĩa và tăng nguy cơ đối đầu giữa hai nước.
Các học giả Trung Quốc lấy ví dụ về sự gia tăng gần đây của các chiến dịch hoạt động hàng hải tự do mà Washington thực hiện để thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tháng 9/2018, chiến hạm Lan Châu của Trung Quốc đã áp sát tàu tuần tra Mỹ USS Decatur ở Trường Sa với khoảng cách 41 mét, tạo nên cuộc chạm trán nghiêm trọng nhất trên biển giữa hai nước từ trước đến nay.
Ông Shanahan và người đồng cấp Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phương Hòa có cuộc gặp ngắn ngay trong ngày khai mạc Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Reuters. |
Suy nghĩ của Trung Quốc
Những nhà tổ chức của Đối thoại Shangri-La trong những năm trước đã lấy lý do Quân Giải phóng Nhân Dân (PLA) đang trong quá trình cải tổ để giải thích cho sự tham gia ở cấp độ thấp của Trung Quốc.
Với việc PLA đã hoàn thành công cuộc cải tổ, sự xuất hiện của tướng Ngụy Phương Hòa có thể coi là bước "khởi động lại" với các thiết lập ngoại giao quốc phòng của Trung Quốc, theo phân tích của ông Koh trên tờ Today.
Ngoại giao quốc phòng là một mũi nhọn quan trọng trong cách tiếp cận tổng thể của PLA với khu vực và cộng đồng quốc tế. Các cam kết quốc phòng và an ninh, như các chuyến đi thăm cảng biển ở nước ngoài của hải quân Trung Quốc, các cuộc tập trận chung và cuộc tập trận hàng hải ASEAN - Trung Quốc diễn ra lần đầu hồi tháng 8 năm ngoái, đã mang lại cho PLA sự tiếp xúc lớn hơn với các khán giả ngoài nước.
Vẫn còn những tranh cãi về việc cách tiếp cận này có đạt được các mục tiêu dự định như là thúc đẩy hợp tác an ninh trong thực tế, mà quan trọng hơn là xây dựng niềm tin lẫn nhau và niềm tin chiến lược với các nước láng giềng của Trung Quốc. Rất nhiều trong số những nước này tiếp tục có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Một trong những đặc điểm ít được nhắc tới, nhưng không kém phần quan trọng của các sự kiện an ninh quốc tế lớn như Đối thoại Shangri-La, đó là cơ hội để các phái đoàn của các quốc gia gặp nhau bên lề trong những phiên họp kín.
Phái đoàn Mỹ và Trung Quốc rất có thể sẽ sử dụng Đối thoại Shangri-La làm nền tảng để liên lạc với nhau và thảo luận về các vấn đề song phương đáng lo ngại, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến các biện pháp xây dựng an ninh và niềm tin quân sự.
Ông Ngụy Phượng Hòa và ông Patrick Shanahan đã có một cuộc gặp kiểu "pull-aside" - thuật ngữ dành cho một cuộc thảo luận ngắn, nhẹ về mặt hình thức hơn là một cuộc gặp song phương chính thức.
Bất chấp căng thẳng hiện tại giữa hai bên, Mỹ và Trung Quốc vẫn phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc và có mọi động lực để tiếp tục thực hiện đối thoại, có thể là ở cấp quan chức cấp cao hay cấp bộ trưởng.
Đối thoại Shangri-La sẽ diễn ra từ ngày 31/5 đến ngày 2/6. Ảnh: Strait Times. |
Việc tướng Ngụy Phượng Hòa tham dự Đối thoại Shangri-La cũng có nhiều mục đích khả thi khác. Đầu tiên, nó liên quan đến câu chuyện quan trọng của Bắc Kinh về chiến lược duy trì chủ nghĩa đa phương, một vị thế trái ngược hoàn toàn với những nhận thức cho rằng đây là lĩnh vực mà chính quyền Trump đang quay lưng lại.
Một điểm liên quan cần lưu ý là Trung Quốc không thiếu các nền tảng đối thoại an ninh quốc tế để công bố quan điểm của mình. Năm 2006, nước này đã khởi xướng một sự kiện nhằm cạnh tranh với Đối thoại Shangri-La, được gọi là Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh.
Mặc dù diễn đàn này được báo chí Trung Quốc đưa tin rộng rãi, nó không được các phương tiện truyền thông quốc tế đối xử theo cách tương tự.
Các nước khu vực sẽ phản ứng ra sao?
Chuyên gia Collin Koh cho rằng người ta có thể xem sự có mặt của tướng Ngụy tại Đối thoại Shangri-La như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn của Trung Quốc để khiến nước này được lắng nghe một cách rõ ràng hơn.
Sự tham gia của quan chức cấp bộ trưởng trong các sự kiện quốc tế lớn như Đối thoại Shangri-La không chỉ cho phép Bắc Kinh phác thảo lợi ích quốc gia và triển vọng chiến lược theo cách mạnh mẽ, rõ nét hơn mà còn giúp tạo ra một "sự cân bằng" trong các cuộc thảo luận.
Liệu có thể lặp lại những gì đã xảy ra trong hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea vào tháng 11/2018 khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó tổng thống Mike Pence đưa ra những quan điểm khác nhau về kịch bản cho trật tự thế giới trong tương lai?
Cũng không thể loại trừ điều đó, vì ông Shanahan dự kiến sẽ đánh giá những thách thức an ninh quan trọng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và làm rõ hơn về chiến lược của chính quyền Trump cho khu vực.
Tướng Ngụy có khả năng sẽ nêu ra một "lựa chọn thay thế" để làm đối trọng với chính sách này. "Mặc dù ông Shanahan và tướng Ngụy gần như chắc chắn sẽ đưa ra những quan điểm trái ngược về trật tự thế giới hiện tại và tương lai, nhưng không quá khi nói rằng mặc dù lo ngại về an ninh, cả Bắc Kinh và Washington vẫn còn những lĩnh vực có thể hợp tác", chuyên gia Koh đánh giá.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La 2019. Ảnh: Channel NewsAsia. |
Giữa bối cảnh đang có những động lực cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa hai nước, một sự trao đổi mạnh mẽ về quan điểm đầy đủ của mỗi bên với các đối tác khu vực có thể sẽ gây ra những phản ứng khác nhau.
Các đồng minh chiến lược của Mỹ như Australia và Nhật Bản nhiều khả năng sẽ điều chỉnh triển vọng an ninh chiến lược của họ giống với chính sách của Washington, bất chấp các khác biệt trong vấn đề thương mại.
Đối với các quốc gia nhỏ hơn ở Đông Nam Á, dựa vào môi trường chiến lược dường như vẫn là cách tiếp cận chiếm ưu thế vì hầu hết quốc gia này sẽ tiếp tục chào đón sự hiện diện và tham gia vào an ninh khu vực của Mỹ, trong khi vẫn háo hức tìm cách hưởng lợi từ tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc.