Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng Singapore: Đông Nam Á lại ở giữa 'trò chơi lớn của các nước'

Phát biển khai mạc tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La tối 31/5 ở Singapore, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng Đông Nam Á không xa lạ gì với trò chơi lớn của các nước.

Thủ tướng Singapore nói rằng trò chơi đó bắt đầu từ thời Singapore trở thành tiền đồn giao dịch cho người Anh 200 năm trước đến Chiến tranh Lạnh trong thế kỷ 20.

Ông Lý nhắc lại lịch sử Đông Nam Á qua những cuộc chiến tranh và những giai đoạn bị chia rẽ, rồi ông nêu lên viễn cảnh về cục diện chiến lược hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc. 

doi thoai Shangri-La tai Singapore anh 1
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại lễ khai mạc diễn đàn Đối thoại Shangri-La tối 31/5. Ảnh: Straits Times.

Thủ tướng Singapore cho rằng thế giới đang đứng trước bước ngoặt, xu thế toàn cầu hóa đang bị đe dọa và căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.

"Giống như tất cả mọi người, chúng tôi ở Singapore rất lo lắng. Chúng tôi tự hỏi tương lai sẽ ra sao và làm thế nào các nước có thể cùng nhau tìm ra biện pháp duy trì hòa bình và thịnh vượng trên thế giới", Thủ tướng Lý nói thêm.

Singapore đang kỷ niệm 200 năm Stamford Raffles nhận ra tiềm năng thương mại của Đông Nam Á và thành lập trạm giao dịch làm thay đổi vận mệnh của cả đất nước.

Con đường hiện tại của Mỹ - Trung là "sai lầm"

Cũng trong bài phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La 2019, thủ tướng Singapore thúc giục Trung Quốc "nên thể hiện vai trò lớn hơn".

"Còn nhiều thập kỷ nữa Trung Quốc mới trở thành một quốc gia phát triển hoàn chỉnh, nhưng họ lại không thể chờ đợi hàng thập kỷ để nhận trách nhiệm lớn hơn", ông nói. "Các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, cũng phải điều chỉnh để thích ứng với vai trò lớn hơn của Trung Quốc, chấp nhận rằng nước này sẽ tiếp tục phát triển và việc ngăn chặn điều này xảy ra là không thể".

Thủ tướng Singapore lưu ý rằng cọ xát giữa Trung Quốc và các nước khác sẽ phát sinh theo thời gian. Trích dẫn những yêu sách hàng hải chồng chéo của Bắc Kinh ở Biển Đông, ông Lý khẳng định Trung Quốc nên giải quyết các tranh chấp này một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

doi thoai Shangri-La tai Singapore anh 2
Phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La 2019, Thủ tướng Lý Hiển Long được kỳ vọng sẽ nêu bật vai trò của Singapore và các nước nhỏ khác trong việc củng cố trật tự thế giới. Ảnh: Reuters.

"Trung Quốc nên giải quyết (các tranh chấp) thông qua ngoại giao và thỏa hiệp hơn là ép buộc hoặc đe dọa dùng vũ lực, đồng thời tôn trọng lợi ích và quyền lợi cốt lõi của các quốc gia khác", thủ tướng Singapore nói. "Sau đó, theo thời gian, Trung Quốc sẽ xây dựng được hình ảnh là một cường quốc có trách nhiệm và hào hiệp, không cần phải sợ hãi. Trung Quốc sẽ được tôn trọng như một cường quốc đáng tin cậy để hỗ trợ cho hòa bình và ổn định của khu vực".

Thủ tướng Singapore cho rằng sự phát triển của Trung Quốc đã thay đổi cán cân chiến lược cũng như trọng tâm kinh tế của thế giới, và sự thay đổi này vẫn đang tiếp diễn.

"Cả Trung Quốc và các nước còn lại của thế giới đều phải thích nghi với thực tế mới này. Trung Quốc phải công nhận rằng chính thành công của họ đã tạo ra tình thế hoàn toàn mới này. Trung Quốc không thể mong đợi được đối xử giống như trong quá khứ khi nước này vẫn nhỏ hơn và yếu hơn nhiều", ông nói.

Nói về sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong hiện tại, ông Lý nói rằng "vấn đề căn bản" giữa Mỹ và Trung Quốc là thiếu niềm tin chiến lược lẫn nhau, làm ảnh hưởng xấu đến thỏa hiệp và hòa bình. Thủ tướng Singapore nói rằng cuộc đối đầu giữa hai cường quốc không phải là "không thể tránh khỏi về mặt chiến lược".

"Đi theo con đường như hiện tại sẽ là sai lầm lớn đối với cả hai phía", ông Lý nhận định.

doi thoai Shangri-La tai Singapore anh 3
Tướng Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Quốc phòng và là người dẫn đầu phái đoàn Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tham gia cuộc đối thoại năm nay. Ảnh: Reuters.

Các nước nhỏ cần hợp tác đa phương

Thủ tướng Lý cho rằng những nước nhỏ như Singapore khó có thể gây ảnh hưởng đến các cường quốc, nhưng không phải hoàn toàn không có vai trò gì.

Ông Lý lưu ý rằng các nước nhỏ hơn có nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế, tăng cường hội nhập khu vực và xây dựng các thể chế đa phương.

"Bằng cách này, chúng ta có thể tăng cường ảnh hưởng với tư cách một nhóm quốc gia, và nâng cao vị thế tập thể về các vấn đề quan trọng như thương mại, an ninh hoặc công nghệ", Thủ tướng Singapore nhận định.

Đề cập đến "sự tê liệt" của WTO cũng như các tổ chức đa phương khác, ông Lý cho rằng hiện Mỹ đã mất niềm tin vào WTO.

"Mỹ ưu tiên đàm phán các thỏa thuận song phương một - một với các nước nhỏ hơn. Điều này tạo lợi thế cho Mỹ bằng việc mang lại lợi ích trực tiếp trong các tranh chấp, hơn là lợi ích trải rộng trong việc duy trì hệ thống đa phương", ông nói.

"Khi các nhóm quốc gia tăng cường hợp tác kinh tế, họ sẽ tăng cường không chỉ sự thịnh vượng chung mà còn cả an ninh tập thể. Với trách nhiệm lớn hơn đối với thành công của nhau, các nước nhỏ sẽ có động lực lớn hơn để duy trì trật tự quốc tế có lợi cho nhiều quốc gia lớn và nhỏ ".

Đối thoại Shangri-La 2019: Mỹ - Trung đối đầu, nước nhỏ phải làm gì?

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ đóng vai trò "người dẫn dắt" các nước nhỏ vượt qua những thay đổi địa chính trị tại khu vực với bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn năm nay.

Thủ tướng Malaysia Mahathir: Trật tự thế giới đã thất bại

Thủ tướng Malaysia, chính trị gia kỳ cựu Mahathir Mohamad cho rằng trật tự thế giới như chúng ta từng biết đã thay đổi, và các nước cần một trật tự mới dựa trên hệ thống luật pháp.


Hương Ly

Bạn có thể quan tâm