Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đối thoại Shangri-La 2019: Mỹ - Trung đối đầu, nước nhỏ phải làm gì?

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ đóng vai trò "người dẫn dắt" các nước nhỏ vượt qua những thay đổi địa chính trị tại khu vực với bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn năm nay.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, cả Mỹ và Trung Quốc cùng gửi đến diễn đàn Đối thoại Shangri-La quan chức cấp bộ trưởng quốc phòng. Giới quan sát đang hy vọng sẽ nhìn thấy rõ ràng hơn quỹ đạo của mối quan hệ song phương quan trọng này tại sự kiện năm nay ở Singapore.

Khai mạc vào tối 31/5, diễn đàn thường niên sẽ chứng kiến Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan phát biểu tại các phiên họp toàn thể về an ninh khu vực và các biện pháp xây dựng lòng tin.

Trong phát biểu chủ đề, Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long được cho là sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ ổn định và mang tính xây dựng giữa hai siêu cường, cũng như những gì các nước nhỏ có thể làm trước những thay đổi địa chiến lược.

Doi thoai Shangri-La 2019 anh 1
Khách sạn Shangri-La tại Singapore, nơi diễn ra diễn đàn an ninh thường niên Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Reuters.

Mỹ - Trung đối đầu

Được xem là diễn đàn hàng đầu châu Á về an ninh khu vực, Đối thoại Shangri-La được tổ chức hàng năm bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London từ năm 2002.

Sự kiện kéo dài ba ngày diễn ra vào thời điểm Washington và Bắc Kinh leo thang căng thẳng thương mại. Cuộc chiến này đã bẻ cong tính toán tăng trưởng nhờ xuất khẩu và nhập khẩu của nhiều nước, ảnh hưởng đến đường hướng tương lai của mối quan hệ giữa các nước này với Mỹ và Trung Quốc, theo Straits Times.

Tuyên bố từ các quan chức, những người có ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ và Trung Quốc về quan hệ song phương dường như đang lấn át các vấn đề quan trọng khác sẽ được đưa ra tại diễn đàn, bao gồm lo ngại về cuộc đàm phán bị đình trệ với Triều Tiên, an ninh mạng và an ninh hàng hải.

Khi phát biểu tại Viện Brookings ở Mỹ, Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cáo buộc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không giữ cam kết về việc không quân sự hóa Biển Đông.

"Mùa thu năm 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống (Barack) Obama rằng họ sẽ không quân sự hóa các đảo. Những gì chúng ta thấy ngày nay là đường băng 3 km, kho chứa đạn dược, các hệ thống phòng thủ tên lửa, máy bay được triển khai thường xuyên", ông nói, kêu gọi hành động tập thể trong việc thực thi luật pháp quốc tế.

Trong một diễn biến khác, nói chuyện với các phóng viên trên đường tới Jakarta 29/5, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Shanahan nói rằng Trung Quốc vẫn là ưu tiên quốc phòng hàng đầu của ông mặc dù các mối đe dọa ở Trung Đông và Triều Tiên sẽ "tiêu tốn" thời gian của ông.

"Thực hiện Chiến lược Quốc phòng là ưu tiên hàng đầu của tôi, (và) Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu", ông được báo chí Mỹ dẫn lời.

Các quan chức Mỹ cho biết chuyến đi tới châu Á - Thái Bình Dương đầu tiên của ông là "chuyến đi lắng nghe" và ông sẽ tìm cách trấn an các đồng minh về cam kết của Washington với an ninh khu vực.

Tiến sĩ Tim Huxley, Giám đốc điều hành IISS châu Á, nói rằng cùng với suy nghĩ của Washington về những thách thức từ Trung Quốc và Triều Tiên, ông Shanahan "dự kiến trình bày chi tiết hơn về cách Bộ Quốc phòng Mỹ tham gia vào việc vận hành Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở".

Doi thoai Shangri-La 2019 anh 2
Tàu USS Chung Hoon, một trong hai tàu chiến của Mỹ tham gia hoạt động tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông vào ngày 6/5, tiến vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Ga Ven và Đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, tướng Ngụy Phượng Hòa, người dẫn đầu phái đoàn Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tham gia cuộc đối thoại năm nay, sẽ nói về hợp tác an ninh quốc tế vào ngày 2/6 và cũng sẽ nhận câu hỏi từ các đại biểu.

Đây mới là lần thứ hai một bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc tham dự diễn đàn. Lần gần nhất Bắc Kinh gửi bộ trưởng quốc phòng đến Đối thoại Shangri-La là vào năm 2011, nhân kỷ niệm 10 năm tổ chức sự kiện, với sự tham dự của bộ trưởng quốc phòng lúc đó là Lương Quang Liệt.

"Phái đoàn quân đội nặng ký của Trung Quốc không chỉ bao gồm các chuyên gia về hợp tác quân sự quốc tế và quan hệ quốc phòng, mà còn bao gồm hai sĩ quan cao cấp có kinh nghiệm lãnh đạo của Bộ tư lệnh miền Nam Trung Quốc, khu vực phụ trách Biển Đông", ông Alexander Neill, nghiên cứu viên cấp cao IISS phụ trách Đối thoại Shangri-La, cho hay.

Theo các chuyên gia khác, sự tham gia của phái đoàn cấp cao Trung Quốc báo hiệu việc Bắc Kinh có ý định tận dụng các dịp quan trọng để làm rõ hoặc bảo vệ quan điểm của họ.

Tiến sĩ Li Mingjiang, phó giáo sư và điều phối viên của chương trình Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược tại Singapore, nói với Straits Times rằng chuyến đi của tướng Ngụy có liên quan đến cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ.

"Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể cảm thấy rằng vấn đề đang ở thời điểm quan trọng, và họ nên sử dụng mọi cơ hội để giải thích lập trường của Trung Quốc", ông nói.

Phó giáo sư Li cho biết có vẻ như khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể là tâm điểm tại diễn đàn và nói thêm rằng Trung Quốc có thể muốn đưa ra một số đề xuất của riêng mình về cải thiện an ninh khu vực.

"Họ có thể không đề xuất những điều lớn lao, nhưng họ có thể nhấn mạnh sự hợp tác và an ninh khu vực nên bao trùm, thay vì độc quyền", ông nói.

Nước nhỏ có thể làm gì?

Trong bài phát biểu quan trọng vào tối 31/5, Thủ tướng Lý Hiển Long dự kiến nêu bật vai trò của Singapore và các nước nhỏ khác có thể đóng góp vào việc củng cố trật tự thế giới. Theo thông cáo từ IISS, ông Lý sẽ nhấn mạnh quan hệ Mỹ - Trung ổn định quan trọng thế nào với khu vực, cũng như việc các nước nhỏ như Singapore làm sao để vượt qua những thay đổi địa chính trị hiện tại.

Doi thoai Shangri-La 2019 anh 3
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, người sẽ có bài phát biểu chính tại Đối thoại Shangri-La 2019. Ảnh: Reuters.

"Các đại biểu trong và ngoài khu vực không thể tìm thấy người chỉ đường nào tốt hơn ông Lý, trước những thách thức an ninh mà khu vực đang đối mặt, trước việc làm thế nào các nước liên quan có thể đảm bảo tốt nhất sự ổn định liên tục", tiến sĩ John Chipman, Tổng giám đốc IISS, bình luận.

Diễn đàn năm nay sẽ chào đón 33 đại biểu cấp bộ trưởng, hơn 30 chỉ huy lực lượng quốc phòng và quan chức quốc phòng cấp cao, cũng như các học giả nổi tiếng từ 47 quốc gia tham dự, theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Singapore hôm 30/5.

Nhật Bản sẽ là 'hòn đá tảng' cho trật tự Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?

Trong lúc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh khác nhau, Nhật Bản trung thành với việc duy trì trật tự khu vực.

Shangri-La 2019: Mỹ, Trung cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt

Lãnh đạo quốc phòng Mỹ và Trung Quốc sẽ đưa ra những thông điệp trái ngược tại diễn đàn năm nay trong bối cảnh hai cường quốc đang căng thẳng trong một loạt vấn đề.


Đông Phong

Bạn có thể quan tâm