Nằm bên cạnh phòng ăn chung trên JS Kaga, tàu chiến lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ trên Biển Nhật Bản (JMSDF), là mô hình thu nhỏ của một thứ cùng tên, tàu sân bay Kaga của Hải quân Hoàng gia Nhật Bản.
Mô hình thu nhỏ gợi nhớ mối liên hệ giữa JMSDF với tiền thân thời chiến của lực lượng này, nhưng sự tương đồng cũng kết thúc ở đó. Tàu Kaga thời Thế chiến 2 có khả năng tấn công, mang theo đầy đủ máy bay chiến đấu và máy bay thả ngư lôi. Nó nổi tiếng với cuộc tấn công của Đế quốc Nhật Bản vào Trân Châu Cảng và trận Midway năm 1942.
Trái lại, JS Kaga là minh chứng cho việc Nhật Bản nỗ lực trở thành bên đóng góp chủ động cho hòa bình và ổn định khu vực, theo bài viết của học giả William Chong thuộc Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược (IISS), đơn vị tổ chức diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La, đăng trên website IISS.
Trên tàu JS Kaga, người ta ấn tượng với tình trạng vô nhiễm của con tàu. Toàn bộ thành viên trên tàu được phân công cọ rửa nhà vệ sinh, lau sàn hàng ngày, thậm chí bôi trơn bản lề cửa bằng đồng để chống sự ăn mòn của nước biển. Sự sạch sẽ của JS Kaga vừa là minh chứng cho sự chuyên nghiệp của con tàu, vừa là biểu hiện cho mong muốn thoát ly hoàn toàn khỏi quá khứ chiến tranh của nước Nhật.
Tàu JS Kaga của Nhật được triển khai đến Indonesia. Ảnh: Getty. |
Phát triển năng lực tấn công?
Tầng trên cùng của JS Kaga có nhiều vũ khí phòng thủ: hệ thống vũ khí sát thương Phalanx và SeaRAM hoạt động như một hệ thống phòng thủ nhiều lớp chống lại các mối đe dọa trên không và trên biển; phi đội của nó bao gồm bốn máy bay trực thăng chống ngầm SH-60K và một chiếc SH-60J. Tàu JS Kaga và "chị em" của nó, tàu JS Izumo, được giao ba nhiệm vụ: chỉ huy và kiểm soát; cung cấp nơi để triển khai máy bay trực thăng; và phục vụ như một căn cứ cho các nhiệm vụ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
Đã có nhiều bài báo nói Nhật Bản đang cân nhắc việc trang bị tàu khu trục trực thăng lớp Izumo để mang theo máy bay chiến đấu F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ, chống lại các mối đe dọa từ sự bành trướng trên biển của Trung Quốc, cũng như việc phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Trong bài viết trên trang của IISS, ông Choong nhận định điều này sẽ mang lại cho JMSDF khả năng tấn công thực sự. Trong một chuyến thị sát gần đây, các sĩ quan của JMSDF đã né tránh câu hỏi. Thay vào đó, họ muốn nhấn mạnh rằng JS Kaga, thông qua việc triển khai hai tháng tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là biểu tượng cho sự đóng góp của Nhật Bản đối với an ninh khu vực.
Trong thời gian này, JS Kaga đã tham gia các cuộc tập trận chung với hải quân 5 nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Sri Lanka và Singapore. Trong số này, các bài tập cao cấp nhất được thực hiện với hải quân Ấn Độ. Nội dung tập trận bao gồm tác chiến chống tàu ngầm, bắn đạn thật, vận hành trực thăng chéo boong và chống các mối đe dọa trên không.
Các sĩ quan của JS Kaga nói rằng nhiều khả năng JMSDF sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động như vậy trong tương lai. Năm 2017, JS Izumo đã được triển khai nhiều tháng tới Biển Đông và Ấn Độ Dương. Nó cùng các tàu hải quân của Mỹ và Ấn Độ tham gia chuỗi tập trận Malabar, bao gồm các bài tập tác chiến chống ngầm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm tàu JS Kaga hôm 28/5. Ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân lên một tàu của JMSDF. Ảnh: AP. |
Do tính chất nóng bỏng của môi trường an ninh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, việc JMSDF tiếp tục triển khai đến khu vực này rất đáng khích lệ, ông Choong nhận định.
Học giả Australia Brendan Taylor viết rằng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang ở trong một "cuộc khủng hoảng", áp lực dồn nén tại nhiều khu vực căng thẳng - tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan và Triều Tiên - đang đẩy khu vực tới gần hơn với xung đột.
Vào thời điểm mà hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh trên Biển Đông đang làm suy yếu trật tự khu vực, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tỏ ra bận tâm hơn với việc lèo lái cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Tăng cường hợp tác khu vực
Học giả của IISS nhận định trong bối cảnh bất định và bất ổn, Nhật Bản đã trung thành với việc bảo vệ trật tự khu vực. Tokyo tìm cách tăng cường khả năng phòng thủ của các quốc gia như Campuchia, Việt Nam và Thái Lan, trong các lĩnh vực như điều trị bệnh gây ra do môi trường dưới nước, luật hàng hải quốc tế, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Họ cũng bán hoặc chuyển các tàu bảo vệ bờ biển cho Philippines và Việt Nam.
Theo Chương trình Hợp tác Lái tàu, Nhật Bản đã tìm cách bồi dưỡng kizuna, nghĩa là "tình đồng chí", bằng cách đưa thế hệ sĩ quan hải quân trẻ lên các tàu trong lực lượng. Tokyo cũng nhiệt tình tham gia các diễn đàn cấp bộ trưởng như Đối thoại Shangri-La và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN.
Với việc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 quốc gia, Nhật Bản đã thúc đẩy Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), liên quan đến 10 nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc và bốn nước khác trong khu vực.
Tại Đối thoại Shangri-La 2019, dự kiến khai mạc tối 31/5, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan sẽ công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở của Mỹ. Nhật Bản cũng là nước ủng hộ nhiệt thành cho chiến lược này, "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở" thậm chí là sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ năm 2007 trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Tàu hộ tống Kumara dẫn đầu trong lễ duyệt hạm đội ở vịnh Sagami ngày 18/10/2015. Ảnh: Getty. |
Trong lúc sự chú ý tập trung vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, Nhật Bản đã huy động hơn 100 tỷ USD cho một dự án xây dựng cơ sở hạ tầng có tên là Đối tác cho Cơ sở hạ tầng Chất lượng. Về đầu tư cho hạ tầng, Nhật Bản vẫn đi trước Trung Quốc với các khoản đầu tư kể từ những năm 2000 với tổng trị giá 230 tỷ USD, so với 155 tỷ USD của Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Nhật Bản hiện đại "trắng hơn màu trắng". Gần đây, nước này đã rút khỏi một cuộc đánh giá hạm đội quốc tế do Hàn Quốc tổ chức vì Seoul yêu cầu không treo cờ mặt trời mọc, thứ vốn được coi là biểu tượng cho thời kỳ đế quốc của Nhật Bản. Và chống lại tất cả logic, Nhật Bản đã từ chối thừa nhận đang có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Dù vậy, ông Choong nhận định rằng Nhật Bản hiện vẫn là một lực lượng duy trì sự ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhất là trong lúc khu vực đối mặt với nhiều thách thức an ninh. Chìa khóa của Nhật Bản và ba quốc gia khác đứng sau chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở" - Australia, Ấn Độ và Mỹ - là thúc đẩy trật tự khu vực dựa trên luật pháp, tự do hàng hải và thị trường mở.
Nói cách khác, Nhật Bản cần tiếp tục bồi dưỡng tinh thần kizuna trong lúc căng thẳng địa chính trị gia tăng, chuyên gia của IISS kết luận.