Chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, lý giải đây là hiện tượng thời tiết bất thường. Tuy nhiên, việc này từng xảy ra nhiều lần tại Nam Bộ và sẽ còn tiếp diễn.
Theo bà Lan, mưa đá chỉ xuất hiện khi mây dông phát triển trên đến độ cao từ 6.000 m trở lên, lúc này nước trong mây đóng băng lại. Khi đủ trọng lượng sẽ rơi khỏi đám mây xuống đất gây ra hiện tượng mưa đá.
Hạt mưa đá được người dân phát hiện tại TP.HCM chiều 25/4. Ảnh: NDCC. |
Chuyên gia nhận định mưa đá bất ngờ xuất hiện tại quận 12 hôm 25/4, là do miền Nam nắng nóng kéo dài. Tháng 4 là tháng chuyển mùa, nóng dữ dội, mây đối lưu phát triển mạnh nên xuất hiện mưa dông.
Hiện tượng mưa đá ở miền Nam tuy bất thường nhưng đã từng xảy ra, có năm hạt mưa có kích thước tới 2 cm. Chuyên gia thời tiết lưu ý người dân cần chủ động phòng tránh khi thấy có hiện tượng dông, lốc, gió mạnh. Mưa đá có thể gây nguy hiểm khi rơi từ trên cao xuống, lực rất lớn, nhất là với mái nhà, xe cộ, vườn cây ăn trái, rau màu.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, dự báo trong 2 ngày tới, thời tiết chủ đạo tại Nam Bộ là ban ngày nắng nóng, rất oi, khoảng từ 15-16h có mây dông, có thể kèm gió giật, sét đánh, lốc xoáy, có khả năng xuất hiện mưa đá một vài nơi.
Chiều 26/4, TP.HCM có mưa rào và dông rải rác. Gió giật mạnh, lốc xoáy có khả năng xảy ra trong cơn dông.