Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi nào tiệm massage, quán bar ở TP.HCM được hoạt động trở lại?

Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết nếu thành phố tuyên bố không còn dịch, các cơ sở làm đẹp, vui chơi, giải trí... có thể hoạt động trở lại.

Trao đổi với Zing tối 24/4 về thời gian cho phép các cơ sở làm đẹp, vui chơi, giải trí tại TP.HCM được hoạt động trở lại, Chánh văn phòng UBND TP.HCM Hà Phước Thắng cho biết theo quyết định của Chính phủ, TP.HCM thuộc nhóm có nguy cơ nên phải mở cửa từng bước.

"Chừng nào mình chuyển xuống nguy cơ thấp hoặc hết nguy cơ, tuyên bố không còn dịch thì sẽ giảm mức độ. Hiện, mình đã nhiều ngày liên tiếp không có dịch, hy vọng thời gian tới (tình hình dịch) tốt nữa thì mình sẽ chuyển trạng thái tiếp", người phát ngôn của UBND TP.HCM cho hay.

Theo ông Thắng, nếu tình hình dịch giảm, các cơ sở đang phải tạm dừng sẽ có hy vọng được hoạt động lại. Ông chia sẻ các lãnh đạo thành phố cũng mong muốn cho các hoạt động này sớm trở lại bình thường nhưng phải có mức độ, mở rộng từng bước.

Phát biểu tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa thường trực Chính phủ và các địa phương chiều 22/4, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM dự kiến sẽ công bố hết dịch khi đủ 28 ngày liên tiếp không phát hiện ca nhiễm mới.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, tính đến ngày 24/4, TP.HCM đã liên tục 16 ngày không phát hiện ca nhiễm mới. Như vậy, tính đến hết ngày 6/5 nếu không có ca nhiễm mới, TP.HCM sẽ trải qua 28 ngày liên tục không phát hiện thêm người nhiễm Covid-19 và có thể công bố hết dịch như dự kiến.

Chong dich Covid-19 anh 1

Cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ, spa, vật lý trị liệu, massage, xông hơi... vẫn phải đóng cửa đến khi có quy định mới. Ảnh: Phạm Ngôn.

Trước đó, ngày 23/4, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã ký văn bản quy định những ngành nghề tại TP.HCM tiếp tục dừng hoạt động trong thời gian phòng chống dịch Covid-19.

Cụ thể, từ ngày 23/4, cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ, spa, vật lý trị liệu, massage, xông hơi, các tụ điểm vui chơi giải trí, sân khấu, rạp phim, trung tâm tiệc cưới, vũ trường, quán bar, karaoke, beer club, pub và các trung tâm thể thao, cơ sở kinh doanh thể thao trong nhà tiếp tục phải dừng hoạt động.

Ngoài ra, các cơ sở lưu trú ngắn hạn theo mô hình homestay, AirBnB tiếp tục dừng nhận khách mới. Các hoạt động nghi lễ tôn giáo, buổi hội họp có trên 20 người tham gia chưa được thực hiện thời gian này.

Những ngành nghề không được nêu trong danh mục dừng hoạt động sẽ được mở cửa nhưng phải thực hiện nghiêm nội dung quy định tại Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và chịu sự giám sát của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Tối cùng ngày, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm ký ban hành loạt Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 cho 5 lĩnh vực, bao gồm: Giao thông vận tải; chợ đầu mối, chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại; du lịch; hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống; cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông. Hai bộ tiêu chí còn lại sẽ được thành phố ban hành trước 30/4.

Đến ngày 24/4, Việt Nam có 270 bệnh nhân mắc Covid-19 (225 người đã khỏi bệnh). TP.HCM ghi nhận 54 ca nhiễm Covid-19, trong đó, 53 trường hợp đã khỏi bệnh và xuất viện.

Việc làm đầu tiên của bạn khi hết cách ly xã hội là gì? Đưa con đến học, đi làm trở lại, đi du lịch cùng gia đình... là những điều mà người dân tại TP.HCM muốn thực hiện sau khi kết thúc những ngày cách ly xã hội.

Việt Nam cần làm gì để phục hồi khi nới lỏng giãn cách xã hội?

"Quý II chỉ là bước hồi phục, khởi động lại, kinh tế có thể không suy giảm chứ chưa thể có tốc độ tăng trưởng. Đà tăng trưởng nằm ở quý III, quý IV", TS Trần Hoàng Ngân nhận định.

Thu Hằng - Quang Huy

Bạn có thể quan tâm