"Tinh thần đồng thuận, đồng lòng đã giúp chúng ta kiểm soát tốt đại dịch. Thời gian tới, các doanh nghiệp phải chung sức, các hiệp hội doanh nghiệp phải bắt tay với nhau, chia sẻ để cùng vươn lên", PGS.TS Trần Hoàng Ngân nói với Zing.
6 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh với số ca nhiễm chưa đến 300. Sau những tín hiệu vui từ cuộc chiến chống dịch, người dân và doanh nghiệp chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới sau nới lỏng giãn cách xã hội, đó là vừa sống chung an toàn với dịch, vừa phát triển kinh tế.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - đơn vị tham mưu tư vấn cho lãnh đạo TP.HCM những vấn đề về chiến lược, đã chia sẻ với Zing về những dự báo và giải pháp cho Việt Nam trong giai đoạn phục hồi kinh tế hậu cách ly xã hội.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hai mặt trận song hành
- Ngày 13/4, TP.HCM kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian cách ly xã hội đến hết tháng 4. Nhưng hôm 20/4, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ cho kết thúc cách ly xã hội từ ngày 23/4 và áp dụng các biện pháp chống Covid-19 theo Chỉ thị 15. Theo ông, nguyên nhân nào khiến TP.HCM đề xuất kết thúc cách ly xã hội sớm hơn dự định?
- Vấn đề kiểm soát dịch, nếu thấy ổn, chúng ta có thể bắt đầu nới lỏng việc cách ly. Từ trước đến nay, các phương án của TP.HCM lúc nào cũng thận trọng, điều hành linh hoạt theo tín hiệu của thị trường và thực tiễn phát sinh, đưa ra nhiều kịch bản, phương án. Ví dụ thời điểm tháng 2, TP.HCM là địa phương duy nhất đề nghị cho học sinh nghỉ dài hạn.
Hai mặt trận y tế và kinh tế phải luôn song hành.
Khâu quan trọng nhất hiện nay để đảm bảo nới lỏng giãn cách xã hội là ưu tiên đầu tư cho y tế dự phòng. Tuy nhiên, để có nguồn lực đầu tư, chúng ta buộc phải phục hồi kinh tế. Doanh nghiệp làm ăn được, kinh tế phát triển mới có nguồn thu ngân sách và tái đầu tư phục vụ phòng chống dịch. Hai mặt trận y tế và kinh tế phải luôn song hành.
Trong đó, nguyên tắc hàng đầu là đảm bảo an toàn. Chúng ta đã có công giữ trận địa này trong nhiều ngày thì khi nới lỏng cũng phải thận trọng. Vừa đảm bảo tốt an toàn trong phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo kinh tế có thể phục hồi nhanh hơn.
- Theo ông, đâu là lý do để TP.HCM nhận định tình hình kiểm soát dịch đã ổn hơn?
- Thứ nhất, hai tuần ngày liên tiếp thành phố không có ca nhiễm mới (tính đến 20/4). Hai là các phương án kiểm soát, ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, phác đồ điều trị... đã được huấn luyện, chuẩn bị kỹ càng trong cả hệ thống chính trị và đội ngũ tuyến đầu chống dịch. Ba là thành phố đã xây dựng được các tiêu chí an toàn để doanh nghiệp, trường học, cơ quan Nhà nước làm việc trong môi trường mới.
Bốn là thành phố đã làm tốt công tác tuyên truyền để người dân ý thức được việc luôn mang khẩu trang khi ra đường, hạn chế tụ tập, đảm bảo giãn cách khi giao tiếp. Năm là thành phố xây dựng kịch bản xử lý cho nhiều tình huống lây nhiễm; chuẩn bị năng lực cách ly, điều trị cho những tình huống xấu nhất.
Quá trình chuẩn bị như vậy giúp thành phố có thể tự tin nới lỏng dần giãn cách xã hội nhưng vẫn đảm bảo an toàn trong kiểm soát dịch.
Trong nguy có cơ
- Phục hồi kinh tế hậu cách ly xã hội như thế nào là vấn đề được các doanh nghiệp và người dân quan tâm. Sau 100 ngày chống dịch, Việt Nam sẽ đối mặt với những khó khăn gì?
- Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, thương mại xuất nhập khẩu năm 2019 là 517 tỷ USD tương đương 200% GDP, trong khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Đây là yếu tố tác động đến cả cung và cầu của kinh tế Việt Nam trong ít nhất 6 tháng đến 1 năm nữa.
Cung là nguồn cung ứng về nguyên vật liệu từ bên ngoài. Mỗi năm, giá trị nhập khẩu của Việt Nam khoảng 253 tỷ USD, tức gần 100% GDP. Nhưng nguồn cung thời gian vừa rồi bị đứt gãy, phải chờ sự phục hồi của các nước như Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu lớn nhất từ thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc.
Còn nguồn hàng chúng ta xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, hai thị trường lớn nhất của Việt Nam - chiếm khoảng 40-50%, đều đang ngập tràn đại dịch. Việc phải cân đối giữa đầu ra và đầu vào là thách thức rất lớn với kinh tế Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, thương mại xuất nhập khẩu chiếm tới 200% GDP. Ảnh: Việt Hùng. |
Do đó, đây là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới thị trường nội địa 100 triệu dân. Tôi cho rằng đây là thị trường chúng ta phải tập trung đáp ứng trước.
Làm sao để hàng Việt Nam đáp ứng cho người Việt Nam, người Việt thích dùng hàng Việt chất lượng cao. Khi chất lượng hàng Việt Nam đang ngày càng đáp ứng được nhu cầu cao cấp hơn, nhà sản xuất cần lưu ý đến phân khúc khách hàng trung lưu trong nước (hiện chiếm hơn 15% và có xu hướng tăng nhanh).
Một điểm khác phải lưu ý là du lịch quốc tế. Nhiều năm qua, ngành này đóng vai trò rất quan trọng trong kinh tế Việt Nam, đóng góp gần 10% GDP cả nước. Tuy nhiên, du lịch quốc tế thời gian tới chắc chắn chưa thể tăng do chúng ta phải thận trọng khi thế giới vẫn còn đại dịch.
Nhưng chúng ta có thể tự tin rằng du lịch nội địa sẽ tăng khi nhu cầu đi lại sau đại dịch của người Việt ngày càng lớn. Sau thời gian dài không được đi lại, du lịch, thăm người thân thì khao khát sau đại dịch được về quê, thăm họ hàng, bạn bè chắc chắn tăng. Do đó, ngành du lịch phải gấp rút chuẩn bị các sản phẩm du lịch phù hợp phục vụ thị trường nội địa.
- Bên cạnh thách thức, đây cũng là cơ hội để kinh tế Việt Nam bật lên so với thế giới?
Sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam sẽ được yêu chuộng hơn vì hình ảnh văn hóa Việt Nam được thế giới nhìn nhận rất đẹp.
- Cơ hội vẫn đi kèm với khó khăn. Cơ hội thứ nhất là thương hiệu quốc gia. Brand Finance, tổ chức tư vấn hàng đầu về định giá thương hiệu quốc gia, đã định giá Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2019 là 247 tỷ USD, tăng 12 tỷ USD (5,4%) so với năm 2018 và xếp thứ 42 thế giới.
Qua đại dịch, giá trị thương hiệu Việt Nam sẽ càng sáng hơn trên thị trường quốc tế qua việc kiểm soát dịch, điều hành đất nước, hình ảnh đẹp trong chăm sóc người nước ngoài nhiễm Covid-19, văn hóa nhường cơm sẻ áo (ATM gạo, từ thiện...). Từ đó, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam sẽ được yêu chuộng hơn vì hình ảnh văn hóa Việt Nam được thế giới nhìn nhận rất đẹp.
Vấn đề hiện nay của chúng ta là phải nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng ở thời điểm hậu dịch Covid-19 thay đổi thế nào so với thời điểm hưng thịnh trước dịch. Thế giới đang trong đà suy giảm kinh tế. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 suy giảm xuống còn -3%, Mỹ -5,9%, khu vực Euro -7,5%... Chúng ta phải nghiên cứu sản phẩm thế nào để phù hợp với điều kiện thu nhập chung của thế giới giảm.
Đây cũng là cơ hội vì hàng Việt Nam đa phần phục vụ cho giới thu nhập vừa và thấp. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ là đòn bẩy giúp chúng ta vượt qua thách thức này nhanh hơn, tốt hơn.
Việt Nam cần tận dụng đòn bẩy từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Ảnh: Hoàng Hà. |
Khó khăn về nhập khẩu nguyên liệu và thị trường xuất khẩu mà tôi đã nêu ở trên cũng đi kèm cơ hội để Cách mạng 4.0 đến với Việt Nam một cách tự nhiên.
Khi đại dịch đến, người dân sử dụng điện thoại để giao dịch online, thích thanh toán không dùng tiền mặt, y tế, giáo dục, dịch vụ công trực tuyến phát triển một cách tự nhiên. Tất cả những điều này đẩy nhanh tiến trình đến Cách mạng công nghiệp 4.0 với đô thị thông minh và Chính phủ điện tử.
Đây là cơ hội để tiếp tục đầu tư, phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam - một nền kinh tế phụ thuộc vào trí tuệ và hạn chế sự phụ thuộc vào các ngành thâm dụng lao động hay bị chi phối bởi nguyên vật liệu từ nước ngoài.
Đoàn kết
- Để tận dụng những cơ hội này, các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý điều gì?
- Doanh nghiệp Việt Nam phải hết sức thận trọng khi nhận các đơn đặt hàng từ nước ngoài vì rủi ro khâu thanh toán rất lớn. Thời kỳ khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp thường gặp trường hợp sau khi giao hàng, đơn vị nhận hàng không thể thanh toán và phá sản. Khoản tiền này đặc biệt khó đòi lại khi trong thời gian cách ly, doanh nghiệp khó bay sang nước ngoài. Đây là rủi ro bất khả kháng. Tôi biết một số doanh nghiệp hiện đã gặp trường hợp sau khi giao hàng, đối tác trả tiền nhỏ giọt dù đó là đơn vị có uy tín trên thế giới.
Khi khủng hoảng xảy ra, người uy tín hay người không uy tín đều có thể phá sản khi phải ngừng hoạt động, bị đình trệ. Doanh nghiệp đừng vì khao khát tìm đầu ra mà chấp nhận phương thức thanh toán đơn giản dẫn đến rủi ro lớn ở khâu thanh toán.
Giải pháp là lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp. Ví dụ, phương thức L/C hay còn gọi là thư tín dụng, tức thư cam kết của ngân hàng về việc trả tiền cho người xuất khẩu. Đây là phương thức thanh toán tốt nhất. Không nên chấp nhận cách hình thức như TT - chuyển tiền bằng điện; hoặc D/P, D/A - nhờ thu chứng từ nhập khẩu (*).
- Với các phân tích trên, ông dự báo kinh tế Việt Nam sẽ mất bao lâu để phục hồi?
- Sự phục hồi cần có quá trình từng bước. Giống như người vừa khỏi bệnh, đang ngồi yên, không thể chạy ngay được mà phải đứng lên, đi chậm rồi tăng tốc dần và bắt đầu chạy.
Tôi nghĩ quý II chỉ là bước hồi phục, vận hành để khởi động lại, kinh tế chỉ có thể không suy giảm chứ chưa thể có tốc độ tăng trưởng. Đà tăng trưởng sẽ nằm ở quý III, quý IV.
Từ cuối quý IV năm nay, kinh tế mới có thể trở lại bình thường như trước khi có dịch. Năm nay, kinh tế Việt Nam được dự báo tốt nhất so với các nước trong khu vực. Mức tăng trưởng trung bình dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF là 2,7%; Ngân hàng Thế giới (World Bank) là 4,9%; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 4,8%. Cá nhân tôi dự báo mức tăng trưởng dao động từ 4,5-5,5%.
Tác động của cuộc khủng hoảng này với Việt Nam sẽ đi theo hình chữ V, tức nền kinh tế chạm đáy và bật tăng tương đương đà sụt giảm.
Nhưng tất cả đều cho rằng sang năm 2021, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 7%. Điều đó cho thấy quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ rất nhanh. Tác động của cuộc khủng hoảng này với Việt Nam sẽ đi theo hình chữ V, tức nền kinh tế chạm đáy và bật tăng tương đương đà sụt giảm. Tuy nhiên, đáy chữ V của mình sẽ hơi dài, kéo dài từ nay đến cuối năm.
- Dưới góc nhìn cá nhân, theo ông, các doanh nghiệp nên làm gì trong giai đoạn này để sớm vượt qua đáy chữ V để bật trở lại?
- Tinh thần đồng thuận, đồng lòng, đồng tình đã giúp chúng ta vượt qua, kiểm soát tốt đại dịch. Thời gian tới, các doanh nghiệp phải chung sức, các hiệp hội doanh nghiệp phải bắt tay với nhau, chia sẻ để cùng vươn lên.
Từ đó, phát triển nền kinh tế tuần hoàn, tức sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm của nhau. Đầu ra của anh này là đầu vào của anh kia, tạo nên chuỗi phát triển sản xuất. Tinh thần đoàn kết sẽ giải quyết bài toán về sự phụ thuộc của chúng ta vào nguyên vật liệu nhập từ nước ngoài.
- Xin cảm ơn ông!
(*) D/P, D/A là phương thức thanh toán mà trong đó đơn vị xuất khẩu sau khi giao hàng gửi Bộ chứng từ hàng hóa cho ngân hàng để nhờ thu hộ. Nếu đơn vị nhập khẩu đồng ý thanh toán (D/P- Documents against payment) hoặc ký chấp nhận lên hối phiếu (D/A-Documents against acceptance) thì ngân hàng mới giao Bộ chứng từ cho đơn vị nhập khẩu nhận hàng.