Việc lạm dụng chất cấm fentanyl là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng nói ông yêu thích nhất từ “thuế quan", vì đây là "từ đẹp nhất trong từ điển", theo Guardian.
Vì vậy, không có gì quá bất ngờ khi ông Trump thông báo sẽ tăng mức thuế quan với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Mexico và Canada. Tổng thống đắc cử tuyên bố sẽ áp 25% với hàng Canada, Mexico và 10% với hàng Trung Quốc. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức 60% mà ông Trump đe dọa trong chiến dịch tranh cử.
Điều ngạc nhiên hơn cả là việc ông Trump khẳng định thuế quan là phản ứng trước thực trạng Trung Quốc không kiểm soát được dòng chảy fentanyl vào Mỹ.
“Tôi đã nhiều lần đàm phán với Trung Quốc về số lượng lớn ma túy, đặc biệt là fentanyl, được đưa vào Mỹ, nhưng không có kết quả”, ông Trump viết.
“Đại diện từ Trung Quốc nói sẽ áp dụng mức án cao nhất, tử hình, với tội phạm buôn ma túy. Nhưng thật không may, họ không bao giờ làm được như vậy, và ma túy đang tràn vào đất nước ta, chủ yếu qua Mexico, ở mức độ chưa từng thấy. Cho đến khi thực trạng này dừng lại, chúng tôi sẽ áp thêm thuế quan 10% với hàng Trung Quốc”, tổng thống đắc cử giải thích.
Fentanyl là gì?
CBS nhận định Mỹ đang ở giữa cuộc khủng hoảng ma túy tồi tệ nhất trong lịch sử do fentanyl. Fentanyl rẻ, dễ buôn lậu và gây nghiện cực kỳ mạnh, mạnh hơn gấp 50 lần so với heroin.
Mặc dù fentanyl được dùng hợp pháp để kiểm soát cơn đau trong y tế, việc lạm dụng chất cấm này là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Mỹ. Năm 2023, gần 75.000 người Mỹ đã tử vong do dùng quá liều fentanyl.
Nhà Trắng mô tả fentanyl là "đại họa không có ranh giới địa lý hay chính trị". Trong khi đó, Vanda Felbab-Brown - thành viên cấp cao tại Viện Brookings - nhận định cuộc khủng hoảng fentanyl là “đại dịch ma túy gây chết người nhất trong lịch sử loài người”.
Vì sao ông Trump nhắc tới Trung Quốc?
Hầu hết fentanyl tràn vào Mỹ được sản xuất tại Mexico bởi 2 băng đảng ma túy hùng mạnh, với hoạt chất chủ yếu mua từ Trung Quốc.
Fentanyl từ Trung Quốc gửi vào Mỹ cách đây khoảng 10 năm. Năm 2020, Cơ quan Phòng chống Ma túy Mỹ cho biết Trung Quốc “là nguồn fentanyl chính và các chất liên quan đến fentanyl được buôn lậu qua đường bưu điện quốc tế”. Theo CBS, fentanyl thường được giấu trong những viên thuốc giả làm giống hệt thuốc theo toa.
Fentanyl từ Trung Quốc tràn vào Mỹ cách đây khoảng 10 năm. Ảnh: Reuters. |
Khi chính quyền Mỹ và Trung Quốc trấn áp tội phạm buôn lậu và băng đảng ma túy, phần lớn dòng chảy chuyển hướng qua Mexico. Thay vì gửi các lô hàng fentanyl bất hợp pháp đã hoàn thiện trực tiếp đến Mỹ, những kẻ buôn lậu và xuất khẩu ma túy ở Trung Quốc sẽ gửi các tiền chất đến Mexico. Tại đây, các băng đảng Mexico sản xuất thành fentanyl và tuồn vào Mỹ.
Trung Quốc đã làm gì để hạn chế fentanyl vào Mỹ?
Những năm 2010 là điểm sáng cho hợp tác chống fentanyl giữa Mỹ và Trung Quốc. Năm 2019, theo yêu cầu của Mỹ, Trung Quốc đã phân loại tất cả dạng fentanyl, trở thành quốc gia lớn duy nhất đưa loại thuốc này vào danh sách các chất bị kiểm soát vĩnh viễn. Tại Mỹ, các chất tương tự fentanyl chỉ được giám sát tạm thời, và quy định này sẽ hết hạn vào tháng 12 tới.
Song vào năm 2022, khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến thăm đảo Đài Loan, Bắc Kinh phản ứng dữ dội và cắt đứt một số kênh liên lạc với Mỹ, trong đó có hợp tác chống ma túy.
Cho đến năm 2023, khi Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau tại San Francisco (Mỹ), các cuộc đàm phán song phương về fentanyl mới được tái khởi động. Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã phân loại các tiền chất fentanyl bị cấm trên toàn thế giới nhằm chặn dòng chảy của các hóa chất được sử dụng để sản xuất fentanyl, cũng như đường đi của chính loại thuốc này. Về lý thuyết, động thái này sẽ tạo thuận lợi cho việc trấn áp tội phạm buôn bán ma túy.
Trung Quốc và Mỹ cũng đã đồng thuận hợp tác giải quyết vấn đề rửa tiền. Các băng đảng tội phạm có tổ chức của Trung Quốc và Mexico vốn là xương sống tài chính trong hoạt động buôn bán fentanyl quốc tế.
Tuy nhiên, Trung Quốc khẳng định về bản chất, cuộc khủng hoảng fentanyl do chính Mỹ tự gây ra. "Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng (Fentanyl) quá liều nằm ở chính Mỹ. Điều này đòi hỏi chính phủ Mỹ phải có các biện pháp hiệu quả hơn", Mao Ning - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cho biết hồi tháng 10.
Do đó, Trung Quốc đã phản ứng trước thông báo gần đây nhất của ông Trump. “Trung Quốc là một trong những quốc gia cứng rắn nhất trên thế giới về chống ma túy, về cả mặt chính sách và thi hành. Với tinh thần nhân đạo, Trung Quốc đã ủng hộ bước đi của Mỹ trong vấn đề này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Trong tuyên bố hôm 25/11, người phát ngôn Lưu Bằng Vũ của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cho biết Bắc Kinh đã có những bước đi nhằm chống lại nạn buôn bán ma túy sau thỏa thuận năm 2023.
"Trung Quốc đã thông báo cho phía Mỹ biết về tiến triển các hoạt động thực thi pháp luật chống nạn buôn bán ma tuý ở Mỹ", ông Lưu nói. "Điều này chứng minh việc nghi ngờ Trung Quốc cố tình để fentanyl được nhập vào Mỹ là không đúng thực tế".
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.