Diện mạo của Hoàng tử Anh William trong lễ khánh thành Nhà thờ Đức bà Paris đầu tháng 12 này thực sự không đến mức gây choáng ngợp: Một chiếc áo khoác được may đo cẩn thận, cà vạt xanh đậm, áo sơ mi trắng phẳng phiu. Và tất nhiên, vị hoàng tử mới nuôi râu.
Nhưng bộ trang phục đơn giản đó vẫn đủ để một người phải trầm trồ. “Ông ấy trông thực sự rất đẹp trai vào đêm qua”, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói về Hoàng tử William. “Một số người ngoài đời trông đẹp trai hơn nhỉ? Ông ấy trông tuyệt lắm. Ông ấy quá đẹp trai, tôi đã trực tiếp khen với ông ấy như vậy”.
Theo New York Times, lời khen này chỉ là lần gần nhất ông Trump khen ngợi ngoại hình của một người đàn ông khác. Khi còn chạy chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, ông Trump thường nhắc tới những phi công thuộc Không lực Một trong nhiệm kỳ đầu tiên, ví họ như phiên bản cao cấp hơn của diễn viên Hollywood Tom Cruise.
“Những gã đó trông như mẫu vật”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn vào cuối tháng 10. “Giống những mẫu vật hoàn hảo vậy”.
Ưa thích lựa chọn nhân viên dựa trên vẻ ngoài?
Ông Trump có xu hướng chú ý tới vẻ bề ngoài nam giới từ nhiều thập niên trước. Tổng thống đắc cử từng ca ngợi vẻ điển trai của anh trai Fred trong cuốn hồi ký The Art of the Deal năm 1987. Tuy nhiên, ông ngày càng thoải mái với chủ đề này trong 3 chiến dịch tranh cử tổng thống gần đây, đặc biệt trong các bài phát biểu vận động cử tri.
Chỉ tính trong 3 tháng qua, ông Trump ca ngợi ngoại hình của một cảnh sát trưởng tại Tempe, Arizona; một nhà đàm phán của chính phủ Mexico; cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe; Thượng nghị sĩ Eric Schmitt; hay cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Việc ông Trump tập trung vào dung mạo dường như có ảnh hưởng tới các quyết định về nhân sự, khi tổng thống đắc cử rõ ràng mong muốn những người phục vụ dưới trướng phải phù hợp với khuôn mẫu “diễn viên chính”. Chiến lược này nhằm hướng tới những người có vẻ ngoài phù hợp thay vì kinh nghiệm làm việc liên quan.
Một số trường hợp điển hình có thể kể tới là người dẫn chương trình Fox News Pete Hegseth, được chọn làm bộ trưởng Quốc phòng Mỹ; và Mehmet Oz, với biệt danh Dr.Oz, nhân vật nổi tiếng trên truyền hình chuẩn bị điều hành Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid. Ông Trump cũng tán tụng vẻ ngoài của Scott Bessent, ứng viên chức Bộ trưởng Tài chính Mỹ.
Ông Trump không ngần ngại tán dương vẻ ngoài của người cùng giới. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, đôi khi kế hoạch chọn nhân sự có dung nhan sáng sủa cũng có thể phản tác dụng. Ông Trump từng khen vợ chồng ông Matt Gaetz - người từng là ứng viên Bộ trưởng Tư pháp Mỹ - là “một cặp đôi trông đẹp trai xinh gái”. Song ông Gaetz đang trở thành nhân vật chính trong một báo cáo của Ủy ban Đạo đức Hạ viện Mỹ, cáo buộc ông trả tiền để quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên.
Ông Gaetz phủ nhận các cáo buộc và rút lui khỏi danh sách ứng viên. Song cựu hạ nghị sĩ này cũng nhắc tới ngoại hình trong một bài phát biểu, khi từng nghĩ “một người kém hấp dẫn hơn” sẽ ngồi vào vị trí của mình, “nhưng chúng ta có Pam Bondi, một người thông minh và đáng yêu”.
Tích cực hay độc hại?
Các chuyên gia nhận định việc ông Trump thoải mái khen ngợi những người đàn ông khác bắt nguồn từ “tổ hợp” của sự tự tin, tự tôn, khả năng dẫn dắt công chúng và một số tính cách không mấy tích cực.
Nhà tâm lý học lâm sàng Alon Gratch cho rằng phong cách chính trị của ông Trump - xu nịnh những người ông yêu thích và người hâm mộ, chìm đắm trong sự ngưỡng mộ của họ - là một trong những dấu hiệu điển hình về nhu cầu chinh phục xã hội của người ái kỷ.
“Ông ấy muốn mọi người thích mình, hài lòng về mình. Tôi cho rằng lời khen sẽ phục vụ mục đích đó”, tiến sĩ Gratch nói.
Những người tham dự mít tinh thường được ông Trump tán dương, như một cách tương tác với khán giả. Hồi tháng 10, tổng thống đắc cử tấm tắc trước diện mạo của một thành viên trong công đoàn tại Lancaster, Pennsylvania. “Ông ấy trông đẹp trai nhỉ? Ông ấy điển trai hơn tôi nhiều”, ông Trump nói.
Nhiều người bàn tán liệu câu nói đó thể hiện sự khiêm tốn hay nịnh nọt.
Những người tham gia buổi vận động cười trước lời khen của ông Trump. Ảnh: New York Times. |
Nhà tâm lý học lâm sàng Jett Stone cho rằng việc ông Trump chú ý tới vẻ ngoài của nam giới có thể nhìn nhận theo hướng tích cực. Ông chỉ ra đây là cách “xây dựng mối quan hệ với những người đàn ông khác và thể hiện sự tự tin với tính nam của bản thân”.
Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh tiêu cực, việc đàn ông tâng bốc người cùng giới nhằm đặt họ “cùng phe” với người nhận lời tán dương, báo hiệu sự tự ti và bất an trong nội tâm.
Ông Trump cũng ý thức được vẻ ngoài ưa nhìn của các đối thủ chính trị, như Thống đốc California Gavin Newsom. Tổng thống đắc cử nổi tiếng với việc chế giễu vẻ ngoài của những người chỉ trích ông.
Gần đây, ông đăng một bức ảnh chế về cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie - một người có thân hình to lớn - đang ăn McDonald’s giao bởi máy bay không người lái. Ông Trump cũng từng trêu chọc ứng viên Ngoại trưởng Mỹ, Thượng nghị sĩ Marco Rubio, là Little Marco vì chiều cao. Phụ nữ đôi khi cũng là mục tiêu châm chọc của ông Trump.
Michael Kimmel - một học giả về tính nam - cho biết nam giới thường phán xét lẫn nhau, ví dụ những lời đùa cợt đầy ẩn ý trong phòng thay đồ, dựa trên sự tương tác xã hội giữa những người cùng giới (homosocial).
“Tôi cho rằng ông Trump theo phong cách này”, ông Kimmel nói. “Ông ấy luôn áp đặt tiêu chuẩn về giới. Ông ấy chỉ trích, đánh giá, hạ thấp người khác. Ông ấy bình luận về ngoại hình của mọi người. Chính điều này khiến ông ấy cảm nhận quyền lực”.
Ông Kimmel nhấn mạnh thể hiện sự nam tính thường là "màn trình diễn” nhằm gây ấn tượng với người cùng giới. “Chúng tôi muốn trở thành ‘người đàn ông giữa những người đàn ông’, ‘đàn ông của đàn ông’”, vị tiến sĩ nói.
Các chuyên gia cho rằng một số lời tán dương của ông Trump có thể chỉ đơn giản là phù hợp với ý thức về giá trị bản thân của tổng thống đắc cử. Ví dụ, trong bài phát biểu tại Phoenix, ông nhắc tới ngoại hình của Joe Arpaio - cựu cảnh sát trưởng hạt Maricopa (Arizona) từng bị bắn khi đang làm nhiệm vụ.
Song lời khen ngợi lớn nhất vẫn thường dành cho chính bản thân ông, trong đó có chiếc mũ in dòng chữ: “Trump đã đúng về mọi thứ”. “Tôi không muốn khoe khoang, nhưng chúng tôi đúng về gần như mọi thứ”, ông nói.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Tri thức - Znews giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.