Vào đầu năm 2013, khi tôi đang viết cuốn sách này, Tổng Giám đốc Điều hành của Yahoo! - bà Marissa Mayer đang chịu chỉ trích nặng nề bởi quyết định ngưng áp dụng chính sách làm việc linh hoạt từ xa và yêu cầu nhân viên phải có mặt hàng ngày trên văn phòng.
Lý do cho quyết định này khá đơn giản, nhiều khả năng được rút ra từ kinh nghiệm làm việc của bà tại Google, đó là: các ý tưởng sáng tạo và đổi mới thường bắt nguồn từ những cuộc đối thoại tình cờ. Nếu làm việc từ xa, sẽ chẳng có bất cứ tương tác nào sinh ra cả. Chỉ khi tất cả nhân viên đều làm việc tại văn phòng, những cuộc đối thoại đó mới có thể được diễn ra.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Liberty Street Economics. |
Quy định làm việc này của Yahoo! ngay lập tức dấy lên một cuộc tranh luận dữ dội về lợi ích của làm việc từ xa. Vô số chuyên gia, nhà phê bình tham gia chia sẻ lập luận để đấu tranh cho quan điểm của họ về việc nhân viên nên làm việc tại nhà hay văn phòng.
“Văn hóa làm việc nhiều giờ tại văn phòng, thiếu đi sự tương tác, kết nối với gia đình và cộng đồng chắc chắn không thể mang đến năng suất làm việc tốt hay những sự đổi mới tuyệt vời,” nhà xã hội học Jennifer Glass chia sẻ ý kiến cá nhân tại trang công luận của tờ báo New York Times. Ngược lại, Susan Milligan.
Nhà báo đến từ tạp chí U.S. News & World Report, lại bày tỏ sự thông cảm với Mayer: “Công nghệ thật tuyệt vời; nó giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn và với chi phí rẻ hơn. Thế nhưng, sự tiện lợi của công nghệ đồng thời có thể phá hủy sự tương tác giữa người với người, khiến cho mọi người giao tiếp, đối thoại với nhau khó khăn hơn rất nhiều, điều này thực sự không có lợi cho các doanh nghiệp.”
Tôi đã thực sự rất bất ngờ khi chứng kiến cuộc tranh luận này diễn ra, bởi lẽ hầu như tất cả mọi người đều đang tập trung vào nhầm vấn đề. Thay vì cố gắng trả lời câu hỏi liệu nhân viên làm việc hiệu quả hơn tại nhà hay tại văn phòng - với đáp án vốn đã rõ ràng là tùy thuộc vào từng cá nhân và công việc cụ thể của họ - thì câu hỏi mà chúng ta nên đặt ra là làm việc ở nhà có gì tối ưu hơn, và chúng ta nên cải thiện môi trường văn phòng như thế nào để có thể cũng đem đến sự tối ưu đó.
Theo kết quả từ rất nhiều nghiên cứu, đa phần các nhân viên làm việc từ xa được chứng minh là có năng suất cao hơn so với những người làm việc tại văn phòng. Vậy yếu tố gì từ môi trường làm việc tại nhà đã thúc đẩy năng suất của họ như vậy? Và quan trọng hơn cả, làm thế nào để chúng ta có thể áp dụng những yếu tố đó vào văn phòng công ty để giúp cho các nhân viên làm việc hiệu quả hơn?
Khách quan mà nói, có một số lợi ích khi làm việc tại nhà mà cho dù các công ty có cố đến mấy cũng không thể đem lại được. Ví dụ dễ thấy nhất chính là thời gian di chuyển. Làm việc tại nhà giúp các nhân viên loại bỏ được thời gian đi lại giữa văn phòng và nơi ở, làm giảm mức độ căng thẳng hàng ngày và cho họ thêm thời gian để tập trung vào công việc tốt hơn. Đây là một lợi ích đáng kể mà chúng ta sẽ không thể tìm thấy nếu đi làm tại văn phòng.
Tuy nhiên, đây không phải ưu điểm duy nhất của làm việc tại nhà. Trên thực tế, nó sở hữu rất nhiều những lợi thế đặc biệt khác nữa.
Cho nhân viên một không gian riêng tư, yên tĩnh chính là một ví dụ. Sẽ là quá khó cho chúng ta để hoàn thành các công việc đòi hỏi mức độ tư duy cao khi tại văn phòng, chúng ta liên tục phải kiểm tra e-mail, nghe điện thoại và tham gia các cuộc họp. Khả năng tư duy của chúng ta là có giới hạn và do đó, nếu chúng ta phải dành một phần tâm trí cho những sự sao lãng kia, chúng ta sẽ không còn đủ toàn bộ năng lượng để tập trung vào công việc quan trọng của mình.
Bình luận