Cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã có bước ngoặt bất ngờ trong tuần này khi Trung Quốc để đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh và Mỹ đáp trả bằng cách chính thức tuyên bố Bắc Kinh thao túng tiền tệ.
Theo New York Times, cuộc đối đầu nhấn mạnh sự tập trung của chính quyền Tổng thống Donald Trump vào sự yếu kém của ngoại tệ và sức mạnh tương ứng của đồng USD như một lực cản đối với nền kinh tế Mỹ.
Giờ đây, các nhà đầu tư đang đánh cược vào triển vọng rằng Mỹ có thể chủ động can thiệp vào thị trường tài chính và từ bỏ cam kết đã được duy trì qua hàng thập kỷ về việc thả nổi tiền tệ.
"Đó là một vấn đề lớn vì tôi nghĩ nó sẽ đánh dấu giai đoạn mới trong cách Mỹ tiếp cận nền kinh tế quốc tế", Michael Feroli, nhà kinh tế trưởng của JPMorgan Chase, nói.
Tuy nhiên, trong khi tổng thống Mỹ có thể muốn đồng USD yếu hơn, quy trình thực hiện lại tương đối phức tạp.
Vì sao Mỹ được hưởng lợi nếu đồng USD yếu hơn?
Đồng tiền yếu hơn khiến hàng xuất khẩu của một quốc gia rẻ hơn cho người mua nước ngoài, tạo lợi thế cạnh tranh cho quốc gia đó. Trong nhiều năm, việc can thiệp để đồng nhân dân tệ yếu đã tạo nền móng cho sự tăng trưởng của Trung Quốc như một cơ sở sản xuất cho phần còn lại của thế giới.
Việc chính quyền Trump đánh thuế đối với hàng nhập khẩu do Trung Quốc sản xuất có nghĩa là các sản phẩm đó sẽ tăng giá khi chúng đặt chân đến Mỹ, không khuyến khích người Mỹ mua chúng.
Thế nhưng, một cách để Trung Quốc đáp trả là làm suy yếu đồng nhân dân tệ, cũng tức là làm suy yếu tác động của các biện pháp thuế quan đó bằng cách làm cho sản phẩm của họ rẻ hơn.
Làm giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc là một trọng tâm bức thiết đối với chính quyền của Tổng thống Trump. Ảnh: AFP/Getty. |
Đó là lý do khi Trung Quốc cho phép đồng nhân dân tệ được kiểm soát chặt chẽ giảm giá mạnh so với đồng USD hôm 5/8, nó được coi là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang trở nên tồi tệ hơn.
Đồng tiền Trung Quốc sau đó đã tăng giá trở lại, giảm bớt căng thẳng này phần nào, nhưng Trung Quốc không phải là đối tác thương mại duy nhất mà tổng thống thấy có vấn đề.
Chẳng hạn, vào tháng 6, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết họ có thể khởi động lại các chương trình kích cầu để thúc đẩy nền kinh tế, ông Trump đã cáo buộc họ đẩy giá trị đồng euro đi xuống, "khiến cho việc cạnh tranh không công bằng chống lại Mỹ dễ dàng hơn".
"Họ đã thoát khỏi chuyện này trong nhiều năm, cùng với Trung Quốc và các nước khác", ông viết trên Twitter.
Một đồng USD yếu hơn có những lợi ích khác. Ví dụ, nó cũng có thể tăng doanh thu của doanh nghiệp. Khoảng 40% doanh thu của các công ty lớn nhất Mỹ hiện nay đến từ nước ngoài.
Đồng USD yếu hơn có nghĩa là doanh số bán hàng nước ngoài đó đóng góp lớn hơn vào tổng doanh thu. Những khoản thu nhập cao hơn có thể giúp thị trường chứng khoán tăng điểm.
Tuy nhiên, trong quá khứ, các chính phủ tránh xa việc làm suy yếu đồng tiền của họ, một phần vì lo sợ dẫn đến lạm phát, vốn được coi là rủi ro lớn của đồng tiền yếu. Ngày nay, lạm phát trên toàn thế giới là cực kỳ thấp và có dấu hiệu tăng ít.
"Chúng ta gần như có một nền tảng vĩ mô hoàn hảo cho các nhà hoạch định chính sách khuyến khích sự yếu kém về tiền tệ", ông Alan Ruskin, chiến lược gia trưởng quốc tế tại Deutsche Bank, New York, cho biết.
Vì sao điều này trở thành một vấn đề chính trị?
Thị trường ngoại hối là một trò chơi có tổng bằng 0: Nếu đồng tiền của Trung Quốc suy yếu so với đồng USD, thì có nghĩa là đồng USD mạnh lên.
Vì vậy, cho dù Trung Quốc đang cố tình hạ thấp giá trị của đồng nhân dân tệ, hay đồng euro đang sụt giảm vì các nhà giao dịch tiền tệ lo lắng về sự tăng trưởng của khu vực này, tác động cuối cùng là đồng USD mạnh hơn.
Các đồng tiền mạnh có xu hướng làm suy yếu xuất khẩu của một nước và thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm nước ngoài. Điều đó có thể dẫn đến thâm hụt thương mại lớn hơn.
“Biện pháp trả đũa tốt nhất là để mặc cho thuế quan Mỹ nhắm vào Trung Quốc quay lại phá hoại nền kinh tế Mỹ”, Wall Street Journal dẫn lời Yu Yongding, chuyên gia kinh tế và cố vấn chính sách tại Trung Quốc, nhận định.
Về lý thuyết, nếu đồng USD yếu so với đồng tiền Trung Quốc, nó có thể mang lại hiệu quả lớn hơn trong việc cắt giảm thâm hụt thương mại so với biện pháp thuế quan. Ảnh: New York Times. |
Tổng thống Trump đã coi việc giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc là một trọng tâm bức thiết của chính quyền ông và là mục tiêu quan trọng của cuộc chiến thuế quan bắt đầu vào năm 2018.
Song nỗ lực đó đã tạo ra kết quả hỗn hợp. Thâm hụt hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc ban đầu đã tăng lên mức kỷ lục 43 tỷ USD vào tháng 10/2018 trước khi thu hẹp đáng kể sau đó. Nó hiện dao động ở mức khoảng 30 tỷ USD mỗi tháng.
Về lý thuyết, nếu đồng USD yếu so với đồng tiền Trung Quốc, nó có thể mang lại hiệu quả lớn hơn trong việc cắt giảm thâm hụt thương mại so với biện pháp thuế quan, có khả năng mang lại cho tổng thống cơ hội chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020.
Vì sao Mỹ khó làm suy yếu đồng tiền như các nước khác?
Về lý thuyết, Mỹ có thể làm suy yếu đồng tiền của mình, nhưng trong thực tế thì không dễ, một phần là vì các thị trường tiền tệ quá lớn. Mỗi ngày, hơn 5.000 tỷ USD được giao dịch trong các thị trường đó và hơn 4.000 tỷ USD trong số các giao dịch đó liên quan đến đồng USD.
Trung Quốc kiểm soát đồng nhân dân tệ vì họ có thể sử dụng sức mua không đáy của ngân hàng trung ương, nơi công bố giá chính thức cho loại tiền này mỗi ngày và cho phép một lượng giao dịch nhất định được thực hiện xung quanh mức giá đó.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có khả năng in tiền nhân dân tệ để làm suy yếu đồng tiền nếu tỷ giá quá cao. Mặt khác, Bắc Kinh có 3.000 tỷ USD dự trữ mà họ có thể tung ra để giữ cho đồng tiền không bị quá yếu.
Hiện tại, Mỹ không hoạt động theo cách đó.
Họ có một số khả năng can thiệp vào thị trường tài chính bằng cách sử dụng Quỹ Ổn định Hối đoái, một phương tiện nằm dưới sự kiểm soát của bộ trưởng tài chính Mỹ, với sức mua khoảng 100 tỷ USD.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, ông Larry Kudlow, nói chuyện với các phóng viên trong phòng họp của Nhà Trắng ở Washington, ngày 22/1. Ảnh: AP. |
"Nếu quốc hội không cho phép Bộ Tài chính tăng cường Quỹ Ổn định Hối đoái thì họ không đủ khả năng", ông Joseph Gagnon, thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết.
Tháng trước, Larry Kudlow, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, cho biết Nhà Trắng đã cân nhắc biện pháp can thiệp để làm suy yếu đồng USD trước khi quyết định chống lại biện pháp này. Tuy nhiên, cùng ngày, ông Trump đã mâu thuẫn với ông Kudlow, nói với các phóng viên rằng tất cả lựa chọn đều đang được xem xét.
Trong quá khứ, khi các chính trị gia Mỹ muốn thay đổi giá trị của đồng USD, họ phải phối hợp các nỗ lực liên quan đến một số quốc gia. Đó là những gì đã xảy ra vào năm 1985, khi Mỹ thiết kế thỏa thuận làm suy yếu đồng USD như một phần của Hiệp định Plaza.
Tất nhiên, những quốc gia đó đều là đồng minh chiến lược của Mỹ. Thuyết phục Trung Quốc để cho đồng tiền của họ mạnh lên nhằm giúp Mỹ là một tình huống hoàn toàn khác.