Nói trên Twitter hôm 6/8, Tổng thống Trump cho biết ông sẵn sàng hỗ trợ nông dân Mỹ vào năm 2020 nếu họ phải đối mặt với áp lực từ Trung Quốc. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các nhà kinh tế học tại Goldman Sachs dự đoán tình trạng bế tắc có thể kéo dài đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020, theo Guardian.
"Như đã thấy trong hai năm qua, những nông dân Mỹ vĩ đại của chúng ta biết rằng Trung Quốc sẽ không thể gây tổn hại cho họ khi tổng thống Mỹ luôn sát cánh bên họ và làm những gì mà không tổng thống nào sẽ làm - Và trong năm tới tôi sẽ lại làm như vậy nếu cần thiết!", ông Trump tweet.
"Lượng tiền khổng lồ từ Trung Quốc và các nơi khác trên thế giới sẽ đổ về Mỹ vì những lý do như sự an toàn, đầu tư và lãi suất. Chúng ta đang ở vị thế rất mạnh. Các công ty đang kéo đến Mỹ với số lượng lớn. Một điều tốt đẹp để xem", ông nói.
Ăn miếng trả miếng
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang sau khi Tổng thống Trump tuần trước tuyên bố áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, có hiệu lực từ 1/9. Điều này đồng nghĩa toàn bộ hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ đều bị áp thuế từ 10 đến 25%.
Container hàng hóa từ Trung Quốc tại cảng Long Beach ở Los Angeles, Mỹ. Ảnh: AFP/Getty Images. |
Đáp trả, Trung Quốc ngày 5/8 tuyên bố hạ giá đồng nhân dân tệ (NDT) của nước này, đe dọa gây thêm bất lợi cho các nhà sản xuất Mỹ trước hàng Trung Quốc nhưng cũng nhận về phía họ nhiều rủi ro. Đây là lần đầu tiên trong 11 năm đồng tiền Trung Quốc rơi xuống dưới mức nhạy cảm 7 NDT đổi một USD.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc nói việc hạ giá là "do tác động của các biện pháp đơn phương và bảo hộ thương mại, cũng như dự báo về thuế quan chống lại Trung Quốc".
Washington lập tức lên án Bắc Kinh "thao túng tiền tệ". Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cáo buộc Trung Quốc phá giá đồng NDT "để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế". Mỹ sẽ yêu cầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế "loại bỏ lợi thế cạnh tranh không lành mạnh do Trung Quốc vừa tạo ra".
Trung Quốc sau đó cáo buộc Mỹ "cố tình phá hoại trật tự quốc tế" thông qua "chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ" với hành vi gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế thế giới.
Thị trường lao đao
Các nhà phân tích lo ngại rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể bị cuốn vào một cuộc “chiến tranh tiền tệ”, kèm theo hậu quả kinh tế nghiêm trọng với cả hai nước. Sau các biện pháp “ăn miếng trả miếng” của Mỹ và Trung Quốc, thị trường toàn cầu chao đảo, giới đầu tư lo lắng tìm những "nơi trú chân" an toàn để giữ tài sản.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Ảnh: Reuters. |
Phố Wall trải qua ngày giảm điểm tệ nhất trong năm hôm 5/8, với chỉ số S&P giảm gần 3%. Chỉ số rủi ro biến động (volatility) tăng vọt và toàn bộ 11 nhóm ngành lớn đều đóng phiên giao dịch với sắc đỏ (giảm điểm), theo Washington Post.
Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng hạ 2,9% - mức giảm mạnh nhất trong ba tháng. Chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải giảm 1,62%. Chỉ số Nikkei 225 ở Nhật giảm 1,74%, còn chỉ số Topix (cũng của Nhật, nhưng bao quát hơn) giảm 1,8%.
Sang ngày 6/8, các nhà đầu tư có phần bớt lo lắng sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc tăng tỷ giá đồng NDT so với đồng USD cao hơn so với kỳ vọng của giới phân tích. Điều này được xem là tín hiệu của sự kiềm chế sau khi Bắc Kinh bị Washington gắn mác "thao túng tiền tệ".
Các chỉ số chứng khoán lớn ở Mỹ tăng hơn 1% sau khi chốt phiên dịch giao dịch ngày 6/8, kết thúc chuỗi 5 ngày sụt giảm của Dow và 6 ngày lao đao của S&P 500 và Nasdaq. Tuy nhiên, các sàn giao dịch chính ở châu Á và châu Âu vẫn đóng cửa trong màu đỏ.