Trung Quốc đang tiến gần đến lễ kỷ niệm 70 năm quốc khánh (1/10/1949 – 1/10/2019). Giới quan sát chính trị Trung Quốc nhận định sự kiện là cơ hội để ông Tập Cận Bình khẳng định hình ảnh nhà lãnh đạo mạnh mẽ của một quốc gia hùng cường.
Thực tế không như ông Tập kỳ vọng, khi chính quyền trung ương đang cùng lúc đối mặt nhiều vấn đề, từ việc tạo động lực mới cho nền kinh tế đến các diễn biến đáng lo ngại tại Hong Kong. Những động thái ăn miếng trả miếng trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang tăng tốc, trong khi sự nhượng bộ tiềm ẩn rủi ro làm suy yếu hình ảnh lãnh đạo của ông Tập.
Cục diện hiện nay đẩy cao rủi ro thương chiến sẽ còn kéo dài, theo Wall Street Journal.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Osaka, Nhật Bản, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 6. Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc chuẩn bị cho leo thang
Nhiều nhà quan sát nhận định Trung Quốc không muốn bị nhìn nhận như “thủ phạm” khiến căng thẳng leo thang. Xuyên suốt những màn trả đũa qua lại, Bắc Kinh thường là bên phản ứng chứ không phủ đầu, chỉ đưa ra biện pháp đáp trả sau khi Washington áp đặt hàng rào thuế quan mới.
Để giảm lo lắng của thị trường, Bắc Kinh kiềm chế không đưa ra thêm biện pháp đáp trả việc Bộ Tài chính Mỹ chính thức nhìn nhận Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Việc Washington “dán mác” thao túng tiền tệ cho Trung Quốc xảy ra sau khi đồng nhân dân tệ được Bắc Kinh điều chỉnh xuống giá mạnh vào ngày 5/8.
Theo nhiều cố vấn chính trị và quan chức, phía Trung Quốc tự tin họ đủ sức chờ đợi nền kinh tế Mỹ bị tổn hại bởi chính những lệnh áp thuế.
Viễn cảnh những đòn trừng phạt phản tác dụng cùng với thị trường chứng khoán Mỹ ảm đạm có thể buộc Tổng thống Donald Trump trở thành bên nhượng bộ. Các mức thuế vào hàng nông sản nhập từ Mỹ đang khiến các bang trong "vành đai nông nghiệp" của Mỹ khốn đốn. Chính phủ Mỹ phải chi hàng tỷ USD để hỗ trợ nông dân cầm cự trong giai đoạn khó khăn.
“Biện pháp trả đũa tốt nhất là để mặc cho thuế quan Mỹ nhắm vào Trung Quốc quay lại phá hoại nền kinh tế Mỹ”, Yu Yongding, chuyên gia kinh tế và cố vấn chính sách tại Trung Quốc, nhận định.
Washington muốn buộc Bắc Kinh thay đổi các điều luật cùng với mô hình kinh tế trợ cấp chính phủ, mô hình vốn bị xem là không công bằng đối với các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Trung Quốc.
Tình hình căng thẳng thương mại song phương tiếp tục xấu đi sau khi Mỹ tuyên bố kế hoạch áp thuế với gần như toàn bộ mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Lệnh trừng phạt chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9 với tổng giá trị hàng hóa lần áp thuế mới đạt hơn 300 tỷ USD. Đáp trả lại, Trung Quốc cho hoãn đơn hàng mua nông sản Mỹ và cho xuống giá đồng nhân dân tệ để tăng tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu.
“Các hành động của ông Trump đã chọc giận giới lãnh đạo Trung Quốc. Giờ đây, họ nhận thấy không còn cơ hội đạt được một thỏa thuận công bằng với Mỹ trong tầm mắt", Shi Yinhong, chuyên gia quan hệ quốc tế ở Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định.
"Trung Quốc không chỉ đang chuẩn bị cho trường kỳ thương chiến, họ còn sẵn sàng cho một cuộc xung đột leo thang liên tục”.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo quyết định "dán mác" Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ vào ngày 5/8. Ảnh: Reuters. |
"Con tin của chính mình”
Ông Tập Cận Bình không xuất hiện trên truyền thông những ngày qua. Giới quan sát cho rằng ông và những lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đang có mặt tại Bắc Đới Hà. Khu nghỉ dưỡng thuộc tỉnh Hà Bắc là nơi các quan chức cấp cao, đương nhiệm lẫn về hưu, đến họp mỗi hè để bàn các vấn đề quan trọng trước thềm kỳ họp quốc hội vào tháng 10.
Từ trước cả việc Bắc Kinh phá giá đồng tiền và làm leo thang căng thẳng, South China Morning Post và truyền thông quốc tế đã nhận định chủ đề “chiếm sóng” tại Bắc Đới Hà nhiều khả năng là chính sách kinh tế, cuộc chiến thương mại và quan hệ Mỹ - Trung đang xấu đi.
Trung Quốc chưa thoát khỏi giai đoạn thoái trào tăng trưởng kinh tế bắt đầu từ năm 2018. Mức tăng trưởng quý II được công bố chính thức là 6,2%, thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Căng thẳng thương mại khiến vấn đề thêm trầm trọng với xuất khẩu giảm, làm lây lan tâm lý lo lắng trong các doanh nghiệp, kéo theo tình trạng đầu tư giảm.
Nhiều chuyên gia cho rằng ông Tập đang đối diện nhiều quan điểm bất đồng trong nội bộ giới lãnh đạo Trung Quốc. Một số cho rằng các tính toán chính sách của Bắc Kinh quá khiêu khích Mỹ, lôi Trung Quốc vào cuộc chiến thương mại dai dẳng, châm ngòi một làn sóng phản đối quốc tế trước chính sách đối ngoại quyết liệt của Bắc Kinh.
“Ở một góc nhìn khác, ông Tập đã trở thành con tin của chính hình ảnh mà ông xây dựng” với vị thế một nhà lãnh đạo quyết đoán, mạnh mẽ và đầy quyền lực, theo Wu Qiang, nhà bình luận chính trị tại Bắc Kinh.
“Một loạt khủng hoảng quy mô nhỏ trên phương diện kinh tế và vấn đề Hong Kong có thể cộng hưởng với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, rồi biến thành một cuộc khủng hoảng lớn đối với ông Tập”, Wu Qiang dự báo.
Để chuẩn bị dư luận cho những căng thẳng kéo dài, giới chức và truyền thông Trung Quốc liên tục công kích Mỹ trong nhiều vấn đề nằm ngoài thương mại, thậm chí ám chỉ Washington kích động căng thẳng tại Hong Kong.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 6/8 còn lên án việc Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận Hiệp định Các lực lượng hạt nhân Tầm trung (INF) với Nga. Bắc Kinh cảnh cáo sẵn sàng đáp trả mọi động thái triển khai tên lửa tầm trung đến các căn cứ Mỹ tại châu Á.
Trên mặt trận thương mại, giới chức và truyền thông Trung Quốc cũng cáo buộc Tổng thống Donald Trump vi phạm thỏa thuận “đình chiến” đã đạt với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Nhật Bản vào tháng 6. Các bên khi đó thống nhất hoãn mọi động thái leo thang thương chiến và nối lại đàm phán.
“Lập trường kiên định của Trung Quốc là không muốn đấu, nhưng cũng không ngại phải đấu. Khi thời khắc đã điểm, chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài đấu tranh. Mỹ không nên níu giữ những ảo tưởng rằng phía phản bội niềm tin và quay lưng với chính nghĩa sẽ không cần trả giá đắt”, bài xã luận đăng ngày 6/8 trên Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, khẳng định.
Trung Quốc phá giá đồng tệ xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm. Ảnh: Reuters. |
“Vừa đánh vừa đàm”
Chính phủ hai nước đều phần nào “chừa đường lui” cho đàm phán. Washington muốn Trung Quốc mua nhiều nông sản hơn nữa để giải vây cho người nông dân Mỹ đang gánh chịu tác động của chiến tranh thương mại. Bắc Kinh muốn chính quyền của Tổng thống Trump nới lỏng các lệnh cấm bán công nghệ giữa công ty Mỹ và tập đoàn công nghệ Huawei.
Dù phái đoàn hai nước không đạt được thỏa thuận vào tuần trước, các bên vẫn đồng ý gặp lại vào tháng 9 tại Washington. Tổng thống Trump vẫn còn nhiều thời gian để tạm hoãn lệnh áp thuế mới trước khi nó chính thức có hiệu lực vào ngày 1/9. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng có thể điều chỉnh lại giá của đồng nhân dân tệ và ngưng chọc giận Bộ Tài chính Mỹ.
“Hai nước đang vừa đánh vừa đàm”, Guan Tao, cựu quan chức cơ quan quản lý ngoại hối Trung Quốc, nhận định. “Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là một vấn đề kéo dài và phức tạp”.
Nhiều chuyên gia phân tích và nhà kinh tế cảnh báo quyết định áp thuế mới nhất của Tổng thống Trump đối với hàng hóa Trung Quốc, rồi “dán mác” cho nước này là quốc gia thao túng tiền tệ, đã khiến Bắc Kinh tức giận. Thay vì nhượng bố trên một số vấn đề then chốt, Trung Quốc có thể đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp bảo vệ nền kinh tế quốc nội.
Nhiều chuyên gia cảnh báo Trung Quốc có thể bắt đầu đưa ra các đòn đánh phủ đầu để tái lập thế cân bằng. Bắc Kinh còn nhiều phương án để lựa chọn, từ hạn chế xuất khẩu đất hiếm đến gia tăng các rào cản doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Trung Quốc đại lục.
Một biện pháp trả đũa mạnh hơn là Trung Quốc cho bán một lượng lớn trong gần 1.100 tỷ USD trái phiếu Mỹ mà họ đang giữ. Tuy nhiên, việc này có rủi ro tăng lãi suất tại Mỹ và đẩy cao giá đồng nhân dân tệ, vốn là điều Bắc Kinh đang muốn tránh để tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa.
“Nếu Bắc Kinh chọn bán tháo trái phiếu Mỹ, đó sẽ là một kịch bản cả hai cùng thua”, Tommy Xie, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng quốc tế OCBC, cảnh báo.