Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phá giá đồng tệ - 'con dao' sắc bén nhưng hai lưỡi đối với Trung Quốc

Trung Quốc vừa trả đũa Mỹ bằng cách phá giá đồng tiền, đe dọa gây thêm bất lợi cho các nhà sản xuất Mỹ trước hàng Trung Quốc nhưng cũng nhận về phía họ nhiều rủi ro.

7,05 nhân dân tệ đổi được 1 USD vào ngày 5/8, tức đồng nhân dân tệ vừa bị yếu đi, hạ xuống mức thấp nhất trong 11 năm. Sau "phát đạn đầu tiên" đó từ Bắc Kinh, Bộ Tài chính Mỹ trả đũa chiều 5/8 bằng cách liệt Trung Quốc vào diện “thao túng tiền tệ”. Chứng khoán ở các thị trường Mỹ và châu Âu chao đảo với mức giảm điểm sâu ở mức từ 2-3%.

Lần cuối tỷ giá vượt quá 7 là vào tháng 5/2008, khi thế giới chuẩn bị rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính.

Chính quyền Trump luôn bất mãn khi Bắc Kinh để đồng tệ yếu đi, tạo cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc lợi thế mà Mỹ coi là không công bằng: hàng hóa Trung Quốc sẽ rẻ hơn đối với người mua nước ngoài.

Theo New York Times, trong tranh chấp thương mại, phá giá đồng tiền có thể là một vũ khí nguy hiểm, nhưng lại là một con dao hai lưỡi có thể khiến chính nước sử dụng nó “đứt tay”. Trung Quốc có lý do để không “quá tay” và để đồng tệ rớt giá thêm.

pha gia dong te anh 1
Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ ngày 5/8 đều giảm xấp xỉ ở mức 3%. Ảnh: Wall Street Journal.

Trung Quốc hưởng lợi thế nào từ đồng tệ rớt giá?

Trên thực tế, vấn đề không nằm ở con số tỷ giá. Bản thân việc 7 nhân dân tệ đổi 1 USD không gây hại cho ai. Tỷ giá dù là 7,002:1 hay 6,998:1 không mấy khác biệt.

Nhưng vượt quá con số đó lại có tính biểu tượng lớn. Nó thể hiện Trung Quốc sẵn sàng để đồng tiền rớt giá lớn, như một chiến thuật nhắm vào Mỹ. Theo đà này, nhà sản xuất Trung Quốc sẽ có lợi thế khi bán hàng sang Mỹ. Lệnh đánh thuế hàng Trung Quốc của Tổng thống Trump, vốn nhằm chặn bớt hàng Trung Quốc sang Mỹ, sẽ bớt tác dụng.

pha gia dong te anh 2
Sáng 5/8 (giờ Mỹ), tỷ giá ở mức 7,05 nhân dân tệ đổi 1 USD - được cho là mức thấp nhất trong 11 năm. Ảnh: Reuters.

Giả sử bạn làm chủ một nhà máy Trung Quốc, sản xuất đồ trang trí sân vườn, và bán rất nhiều con hạc nhựa màu hồng cho một siêu thị bán lẻ ở Mỹ. Bạn bán với giá 1 USD một con - tất nhiên, siêu thị bán lẻ xa xôi kia có thể bán với giá cao hơn nhiều, để chi trả chi phí vận chuyển.

Khi tỷ giá là 6 tệ đổi 1 USD, doanh thu mà bạn nhận được ở Trung Quốc là 6 tệ cho mỗi con hạc.

Nhưng khi tỷ giá hối đoái thay đổi thành 7 tệ đổi 1 USD, doanh thu bạn nhận được vẫn là 1 USD nay sẽ đổi ra 7 nhân dân tệ. Rõ ràng bạn có thể hạ giá bán với đối tác siêu thị Mỹ, từ 1 USD xuống 0,857 USD, để rồi khi đổi ra nhân dân tệ, bạn vẫn nhận được 6 tệ như trước.

Những công ty Mỹ cạnh tranh với bạn, mua và bán đều bằng đồng USD, sẽ miễn cưỡng phải hạ giá theo để cạnh tranh.

Thế giới thực phức tạp hơn vậy rất nhiều. Chẳng hạn, chính nguyên liệu cho con hạc (nhựa và kim loại) có thể được nhập từ nước khác vào Trung Quốc và định giá bằng USD. Nhưng ví dụ trên minh họa bản chất của lợi thế cạnh tranh mà nhà sản xuất Trung Quốc có được khi đồng tệ yếu đi.

Đồng tiền rớt giá cũng giúp nhà xuất khẩu Trung Quốc “phản đòn” lệnh tăng thuế của Tổng thống Trump. Mỹ áp thuế 25% với một loạt hàng Trung Quốc. Nhưng nếu đồng tệ yếu đi 10%, thuế tự khắc giảm đi 15%, theo New York Times.

pha gia dong te anh 3
Đồng tiền rớt giá cũng giúp nhà xuất khẩu Trung Quốc “phản đòn” lệnh tăng thuế của Tổng thống Trump. Ảnh: Getty Images.

Vì sao đồng tệ lại yếu đi?

Một số chính khách Mỹ và nhiều nước từ lâu nói Trung Quốc thao túng tiền tệ, dù họ chưa chính thức cáo buộc - cho đến tuyên bố ngày 5/8 của Bộ Tài chính Mỹ.

Tuy vậy, giá trị đồng tệ không hoàn toàn nằm trong tay Bắc Kinh, theo New York Times.

Hệ thống tài chính Trung Quốc do chính phủ kiểm soát chặt chẽ, trao cho lãnh đạo đất nước khả năng định giá đồng nhân dân tệ theo ý họ muốn. Các quan chức định giá “chuẩn” mỗi ngày cho đồng tệ, và cho phép giá trị thực của nó biến động lên xuống một chút trên thị trường ngoại hối.

Các quan chức Trung Quốc nói hoạt động mua vào, bán ra mỗi ngày trên thị trường góp phần giúp họ định giá đồng tệ cho ngày hôm sau, nhưng không nói rõ quá trình này hoạt động như thế nào.

Ngày 5/8, Bắc Kinh công bố tỷ giá 6,9225 (số đồng tệ đổi 1 USD), sát với mức 7 tệ đổi 1 USD. Điều quyết định khiến đồng tệ giảm giá (tỷ giá vượt 7:1) chính là những người buôn bán ngoại hối, vốn đang tin rằng giá trị thực của đồng nhân dân tệ thấp hơn hiện tại. Những người nắm giữ đồng nhân dân tệ trong tay có thể đã bán ra (khiến đồng tiền này hạ giá), vì lo ngại cuộc thương chiến sẽ cản trở nền kinh tế Trung Quốc.

pha gia dong te anh 4
Biểu đồ (ngược) cho thấy đồng nhân dân tệ yếu đi so với đồng USD, với tỷ giá vượt quá mốc 7 tệ đổi 1 USD. Ảnh: New York Times.

Nguyên nhân khác là từ năm ngoái, Bắc Kinh đã cố thúc đẩy nền kinh tế bằng cách chỉ đạo hệ thống ngân hàng do chính phủ kiểm soát tăng cường cho vay, khiến lượng cung tiền tăng lên. Khi có nhiều tiền lưu thông hơn trong nền kinh tế, mệnh giá của đồng tiền đó sẽ giảm.

Chiến tranh tiền tệ có những rủi ro nào?

Bốn năm trước, khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, nước này phá giá đồng tệ để trợ giúp cho các nhà sản xuất, gây sốc cho thế giới tài chính. Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm mạnh.

Trong khi các quan chức Trung Quốc còn đang tìm cách giải thích, các nhà đầu tư và doanh nghiệp bắt đầu chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc - chính là dòng tiền mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang cần. Gần 680 tỷ USD vốn chạy khỏi nước này năm 2015, CNN dẫn số liệu của Viện Tài chính Quốc tế.

Một năm sau, Trung Quốc lại phải bỏ ra 500 tỷ USD dự trữ ngoại hối để đẩy giá đồng tệ lên. Nước này cũng siết chặt hệ thống tài chính để chặn nhà đầu tư chuyển tiền ra nước ngoài, theo New York Times.

pha gia dong te anh 5
Không khí căng thẳng trên sàn chứng khoán New York ngày 5/8 khi một loạt chỉ số chính rớt tới 3% trong ngày. Ảnh: AP.

Đồng tệ yếu cũng gây ra các vấn đề khác. Đồng tiền Trung Quốc yếu hơn sẽ khiến hàng hóa đắt đỏ hơn với người tiêu dùng nước này. Mọi khoản nợ của công ty Trung Quốc tính bằng USD bỗng nhiên “phình” ra một chút. Các hàng hóa thiết yếu như dầu mỏ, được tính giá bằng USD trên toàn cầu, bỗng đắt hơn.

Tóm lại, nếu cuộc chiến thương mại diễn biến xấu đi, Trung Quốc có thể táo bạo hơn với thứ vũ khí tiền tệ mới được “khai hỏa”. Nhưng như lịch sử đã chứng minh, thứ vũ khí đó đòi hỏi người chơi phải sẵn sàng trả giá khá đắt.

Trung Quốc khai hỏa chiến tranh tiền tệ, 'sóng thần đang ập tới'

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bước sang giai đoạn mới nguy hiểm sau khi Trung Quốc bắn “phát đạn” đầu của “chiến tranh tiền tệ”, nhiều chuyên gia lo ngại.

Leo thang gọi Trung Quốc thao túng tiền tệ, Mỹ mở đường cho trừng phạt

Mỹ chính thức gọi Trung Quốc là "thao túng tiền tệ" và sẽ cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trấn áp các hình thức cạnh tranh không lành mạnh từ Bắc Kinh.



Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm