Mỹ phải tạm dừng các chuyến bay di tản trong ngày 21/8 vì nguy cơ khủng bố từ ISIS-K, theo USA Today. "Chúng tôi được cảnh báo việc các nhóm khủng bố sẽ nhân thời cơ này tấn công người dân Afghanistan, cũng như quân đội Mỹ", Tổng thống Joe Biden nói vào ngày 21/8. "Chúng tôi sẽ cảnh giác và ngăn chặn các mối nguy hiểm, bao gồm ISIS và ISIS-K".
ISIS-K là một nhánh của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo hoạt động ở Afghanistan, Pakistan và một vài nước khác.
Trong những năm gần đây, Mỹ quan ngại về sự phát triển, cũng như tính man rợ và âm mưu tấn công các quốc gia phương Tây của tổ chức này.
Đối với ISIS-K, Taliban không đủ trung thành với Hồi giáo. Hai lực lượng này thường xuyên xảy ra xung đột và tấn công lẫn nhau, một viên chức tình báo cấp cao Mỹ nói với USA Today vào năm 2019.
Theo viên chức này, ISIS-K gây ra 6 vụ tấn công nghiêm trọng tại thủ đô Kabul vào năm 2016. Con số đó tăng lên 18 vụ vào năm 2017, và 24 vào năm 2018. Những vụ tấn công này ngày càng nghiêm trọng và nguy hiểm hơn.
Vào ngày 8/5, ISIS-K tấn công một trường học dành cho nữ sinh ở Kabul. Một tay đánh bom liều chết chở chiếc xe chứa chất nổ và tông vào cổng trường. Khi các em học sinh bỏ trốn, những quả bom phát nổ. Vụ tấn công khiến ít nhất 68 người thiệt mạng và hơn 165 người bị thương, theo đánh giá của Cục Tình báo Quốc phòng Mỹ.
Ngôi trường bị tấn công vốn dành cho người Haraza, một dân tộc thiểu số theo Hồi giáo dòng Shiite.
Vào tháng 5/2020, ISIS-K đã tấn công vào một phòng khám phụ sản, khiến 24 phụ nữ mang thai và một nhân viên y tế tử vong.
Trước khi Mỹ bắt đầu rút quân, quân đội nước này đã lên kế hoạch tiêu diệt ISIS-K, theo kế hoạch của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump và được Tổng thống Biden thúc đẩy.
Tướng Joseph Votel, cựu lãnh đạo Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ, tuyên bố Mỹ sẽ "không đối thoại" với tổ chức khủng bố này. Vào năm 2017, Lầu Năm Góc thả bom vào một số căn cứ của ISIS-K, tiêu diệt khoảng 96 tên khủng bố.
Theo báo cáo của Văn phòng Tổng thanh tra Lầu Năm Góc hồi tuần trước, ISIS-K trong những tháng qua đã lợi dụng điểm yếu của chính phủ Afghanistan để tấn công.
Đám đông tại sân bay quốc tế Hamid Karzai hiện là mục tiêu lớn nhất của tổ chức khủng bố ISIS-K. Ảnh: AP. |
"ISIS-K lợi dụng sự bất ổn chính trị và bạo lực leo thang để tấn công vào các nhóm tôn giáo thiểu số và cơ sở vật chất. Mục đích của việc này là gieo rắc nỗi sợ, cũng như chứng minh chính phủ Afghanistan không đủ khả năng bảo vệ an ninh quốc gia", theo báo cáo trên.
Hiện nay, nhiều ý kiến cảnh báo ISIS-K đang nhắm vào đám đông ở sân bay Hamid Karzai. Bên trong sân bay hiện được 5.000 lính Mỹ bảo vệ. Tuy nhiên, Taliban nắm kiểm soát khu vực bên ngoài, đánh đuổi người dân Afghanistan và công dân Mỹ tại các chốt kiểm tra trên đường đến sân bay.
Lính Mỹ cũng là mục tiêu tấn công của ISIS-K. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho biết lực lượng này chỉ rời sân bay một lần, để đưa 169 người vào trong phi trường và di tản.
"Mỗi ngày, người dân và quân đội Mỹ ở sân bay Kabul phải đối mặt với nguy cơ bị ISIS-K tấn công từ xa, dù cho họ đã rút lui về một khoảng cách đáng kể", theo Tổng thống Biden. "Chúng tôi đang cố gắng đưa họ rời khỏi đó nhanh nhất có thể".
Ông Biden cho biết có khả năng Mỹ sẽ dời hạn rút toàn bộ quân Mỹ vào ngày 31/8, tùy thuộc vào tốc độ di tản. "Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ không cần làm thế", Tổng thống Biden cho biết.