Các nhà lãnh đạo G7 sẽ đồng ý phối hợp về việc có công nhận Taliban hay không, và nếu có thì khi nào. Và họ sẽ cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau, theo Reuters.
Nguồn tin cũng cho biết các nhà lãnh đạo G7 cũng sẽ cam kết phối hợp về bất kỳ lệnh trừng phạt nào, về vấn đề tái định cư làn sóng người tị nạn và chia sẻ lo ngại về nguy cơ IS tấn công.
Các lãnh đạo G7 cũng sẽ thảo luận về việc có thể kéo dài thời hạn rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, để Mỹ và các nước khác có thêm thời gian xác định vị trí và sơ tán người. Theo tuyên bố trước đó, hạn chót để quân Mỹ rút khỏi nước này là vào ngày 31/8.
G7 sẽ cân nhắc tình hình sơ tán công dân hiện nay và cam kết phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới, bao gồm an ninh, hỗ trợ nhân đạo, tái định cư người tị nạn và các biện pháp trừng phạt nếu có, nguồn tin nói.
Người dân trèo tường vào sân bay Kabul ở Afghanistan để mong được đưa khỏi đất nước. Ảnh: Reuters. |
Theo Reuters, công nhận Taliban là hành động chính trị được thực hiện bởi các quốc gia có chủ quyền, bao gồm việc cho phép Taliban tiếp cận viện trợ nước ngoài. Đây là nguồn tài chính mà các chính phủ Afghanistan trước đây dựa vào.
Theo thỏa thuận năm 2020 do chính quyền Trump trước đây ký, Taliban "không được Mỹ công nhận là một nhà nước".
Cho tới nay, sân bay Kabul hiện là tuyến đường duy nhất để rời khỏi Afghanistan. Tình trạng hỗn loạn tại sân bay xảy ra sau khi Taliban kiểm soát thủ đô Kabul.
Những binh lính Mỹ cuối cùng đang ở sân bay Kabul, cùng các lực lượng nước ngoài cố gắng sơ tán công dân và những người Afghanistan dễ bị ảnh hưởng bởi Taliban.