Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Vì sao ICBM nhiên liệu rắn của Triều Tiên gây chú ý?

Giới quan sát cho rằng Bình Nhưỡng có thể đạt bước tiến đáng chú ý về công nghệ hạt nhân nếu thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn.

Việc Triều Tiên trình làng mẫu ICBM mới tại buổi diễu binh ngày 8/2 đặt ra nhiều câu hỏi về việc Bình Nhưỡng đã đạt bước tiến nào trong việc phát triển công nghệ hạt nhân, đặc biệt là tên lửa đạn đạo dùng nhiên liệu rắn.

Triều Tiên đã sử dụng nhiên liệu rắn cho các mẫu tên lửa hạng nhẹ, song việc áp dụng cho ICBM vẫn đang trong quá trình phát triển tại Bình Nhưỡng.

Hiện không rõ vụ phóng ICBM Hwasong-15 vào ngày 18/2 có sử dụng hệ thống nhiên liệu rắn hay không, song giới quan sát cho rằng năng lực hạt nhân của Triều Tiên có thể đáng chú ý nếu chế tạo ICBM sử dụng nhiên liệu rắn và có những đợt thử nghiệm thành công.

Tính ưu việt từ tên lửa nhiên liệu rắn

Trả lời Zing, tiến sĩ Petr Topychkanov, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), nói rằng tên lửa rắn sẽ có nhiều ưu thế để đặt trong tình trạng sẵn sàng so với tên lửa nhiên liệu lỏng. Nó mất ít thời gian để khai hỏa hơn nhiều so với tên lửa lỏng. Ưu điểm này giúp Triều Tiên có thể trang bị tên lửa rắn cho tàu ngầm.

icbm Trieu Tien anh 1

Tiến sĩ Petr Topychkanov là nhà nghiên cứu cấp cao về các vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân, kiểm soát vũ khí, công nghệ quốc phòng và hợp tác hạt nhân. Ảnh: EFSAS.

“Việc phát triển công nghệ tên lửa rắn sẽ giúp kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đáng tin cậy hơn, bền vững hơn, và sẽ đe dọa được các mục tiêu tầm xa”, ông Topychkanov nói.

Đồng quan điểm, ông Joseph Dempsey, nhà nghiên cứu quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nói rằng việc chuẩn bị tên lửa lỏng sẽ tốn nhiều thời gian, qua đó tạo điều kiện cho các đối thủ thu thập thông tin về vụ phóng để sẵn sàng các biện pháp đánh chặn.

Trong khi đó, tên lửa rắn có thể được phóng chỉ sau vài phút chuẩn bị. Hệ thống tiếp nhiên liệu và trang bị ống phóng (như mẫu ICBM Triều Tiên vừa giới thiệu) cũng được khép kín, giúp tăng tính ngụy trang cho tên lửa rắn.

Thách thức kỹ thuật

Tiến sĩ Topychkanov cho rằng việc chế tạo tên lửa rắn là giai đoạn không thể thiếu trong việc phát triển các lực lượng hạt nhân trên thế giới, nhằm giữ cho lực lượng hạt nhân luôn sẵn sàng hoạt động.

icbm Trieu Tien anh 2

Cấu trúc cơ bản bên trong tên lửa lỏng và tên lửa rắn. Đồ họa: CFD Flow Engineering.

“Nhiều quốc gia đã chế tạo tên lửa này, và dựa trên kinh nghiệm của họ, các quốc gia mới sẽ tránh lặp lại sai lầm. Ngoài ra, tên lửa rắn dễ bảo trì, và quan trọng nhất là an toàn hơn”, ông nói.

Công nghệ nhiên liệu rắn đã được áp dụng cho phần lớn ICBM chủ lực của các cường quốc hạt nhân, như Yars-24.

Song, nhà nghiên cứu từ SIPRI cũng thừa nhận chế tạo tên lửa rắn sẽ là một thách thức kỹ thuật.

Ông Joseph Dempsey cho biết tên lửa rắn mang hiệu suất lực đẩy thấp hơn tên lửa nhiên liệu lỏng. Do đó, muốn tăng tầm bắn, các nhà phát triển phải giảm trọng lượng tên lửa để có thể đạt tầm bắn lên tới 15.000 km, như nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada, và là khoảng cách để tên lửa Triều Tiên có thể bay đến lãnh thổ Mỹ lục địa.

Triều Tiên đã sản xuất vật liệu nhẹ cho các tên lửa rắn hiện có, nhưng hiện không rõ liệu Bình Nhưỡng có đủ máy móc để sản xuất vỏ tên lửa đủ lớn cho ICBM hay không, ông Dempsey nói.

Với ống phóng tại mẫu tên lửa mới hôm 8/2, ông Dempsey cho rằng Triều Tiên dự định dùng phương pháp “phóng lạnh”, nghĩa là tên lửa sẽ được đẩy ra khỏi ống phóng bằng một thiết bị riêng biệt trước khi đánh lửa.

Triều Tiên đã áp dụng hệ thống phóng lạnh trên một số tên lửa nhỏ, nhưng sử dụng trên tên lửa hạng nặng như ICBM là bài toán cần trải qua nhiều lần thử nghiệm.

icbm Trieu Tien anh 3

Các bước hoạt động của tên lửa đạn đạo liên lục địa khi được phóng. Đồ họa: CTV.

Tiến sĩ Petr Topychkanov cho biết bản thân các vụ thử tên lửa không trực tiếp gây ra mối đe dọa.

Tuy nhiên, một ngoại lệ là đã có những vụ thử tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Do đó, nếu Bình Nhưỡng bắn tên lửa với quỹ đạo tương tự, sẽ có nhiều rủi ro trong trường hợp tên lửa gặp sự cố, dù các vụ thử tên lửa có thể không mang đầu đạn.

Tận dụng những biến động

Những bước tiến công nghệ hạt nhân của Triều Tiên có thể khiến đồng minh Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản lo ngại và có phản ứng với các vụ thử tên lửa, từ đó căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên tiếp tục nóng lên.

Năm 2022, Bình Nhưỡng đã phá vỡ kỷ lục về số vụ thử tên lửa. Ông Topychkanov cho rằng tình hình bất ổn ở châu Âu phần nào mở ra cơ hội và thời gian cho Triều Tiên tăng tốc phát triển năng lực hạt nhân, trong bối cảnh sự chú ý từ cộng đồng thế giới bị phân tán, và khó có thể đưa ra một phản ứng thống nhất trước các cuộc thử nghiệm của Bình Nhưỡng.

icbm Trieu Tien anh 4

Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong-15 vào ngày 18/2. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, năm qua, tình báo nguồn mở (OSINT) cũng trở thành tâm điểm chú ý với những biến động quân sự, khi các vệ tinh thương mại có thể ghi lại được những hoạt động quân sự của Nga trước khi xung đột với Ukraine bùng phát.

Giới quan sát cho rằng OSINT có thể được áp dụng tương tự khi theo dõi các hoạt động của năng lực hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Topychkanov nói bản thân tình báo nguồn mở có những hạn chế.

“Một quốc gia có thể cố tình tiết lộ năng lực và hoạt động quân sự thông qua OSINT với nhiều mục đích. Ngoài ra, OSINT có nguy cơ đưa ra bức tranh không đầy đủ và sai lầm. Chỉ có kiến thức sâu về quốc gia đó và thông qua tình báo con người (HUMINT), tình báo công nghệ (TECHINT) cũng các phương thức khác mới đánh giá chính xác dữ liệu từ vệ tinh thương mại", ông nói.

Bắc Triều Tiên qua 100 câu hỏi

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách về Triều Tiên có tựa đề "Bắc Triều Tiên qua 100 câu hỏi" do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2021. Cuốn sách giúp bạn đọc có cách nhìn đầy đủ, rõ nét hơn khi tìm hiểu về đất nước, con người Triều Tiên, cũng như cập nhật những thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Triều Tiên hiện nay.

Triều Tiên lên tiếng về vụ phóng ICBM mới nhất

Triều Tiên xác nhận đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 vào hôm 18/2, trong cuộc "diễn tập bất ngờ" để kiểm tra độ tin cậy của vũ khí.

ICBM tối tân xuất hiện tại lễ duyệt binh trong đêm của Triều Tiên

Lễ duyệt binh được tổ chức trong đêm tại Quảng trường Kim Nhật Thành với sự tham dự của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm