Tuấn Anh được HLV Miura điền tên đi Qatar dưới dạng "vé vớt". |
Tuấn Anh có lý do lớn để… bị loại, đó là chấn thương. Ai đó bảo, nếu tiền vệ này không lọt danh sách chiêu mộ của Yokohama, khả năng anh bị gạch tên là cao. Vì HLV Miura từ trước đến giờ chưa có tiền lệ “ưu tiên” các cầu thủ phố núi và quyết định của ông lần này phải được xem là… cực kỳ táo bạo.
Vì cái tên Yokohama, ông thầy Nhật đã mạo hiểm “cho” Tuấn Anh thêm thời gian, nhưng đây cũng là cách ông tạo cơ hội cho chính mình. Ngộ nhỡ, Tuấn Anh tỏa sáng thì sao?
Tuấn Anh – dưới con mắt chuyên môn và nhiều chuyên gia – luôn là cầu thủ đầy khả năng, tương lai tiến lên còn rất dài ở phía trước. Thực tế chứng minh, phần đông đã đúng khi tin tưởng năng lực của Tuấn Anh, vì cầu thủ này chưa bao giờ thi đấu kém ở HAGL và U19 VN trước kia.
HLV Miura từng không thích dùng Tuấn Anh và hiện nay, chưa ai dám chắc tư duy ấy đã thay đổi. Ông thầy ngấp nghé tuổi 53 từng “chê” Tuấn Anh tranh chấp thiếu dũng mãnh và thể hình mỏng manh hơn tứ trụ lực điền mà ông vẫn dùng ở U23 Việt Nam như Duy Mạnh, Huy Hùng, Hữu Dũng, Đức Huy. Nhưng vì lý do tiền vệ số 8 được Yokohama mời ký hợp đồng nên HLV Miura cũng chột dạ mà cho anh thêm cơ hội?!
Trước khi gặp chấn thương, Tuấn Anh tích cực tập sút xa trong những buổi tập ít ỏi cùng U23 Việt Nam. Ảnh: Tùng Lê |
Dẫu vậy, lần này Tuấn Anh không nên tham gia vào U23 Việt Nam vì cơ bản, anh chưa lành chấn thương. Suất đi Qatar của Tuấn Anh nếu được trao cho Lâm Ti Phông – một đồng đội cũ ở U19 VN - sẽ hợp lý hơn. Lâm Ti Phông đã chứng tỏ được năng lực, khát khao đỉnh điểm và trên hết, anh không chấn thương.
Điều này (nếu xảy ra) sẽ không thể hiện tính chất ghét bỏ và mâu thuẫn giữa Tuấn Anh với ông thầy Nhật. Nó thực sự là giải pháp tốt hơn cho tiền vệ có lối chơi hào hoa của HAGL. Vì khoảng thời gian đó, anh được nghỉ ngơi để đón nhận cơ hội của cả đời cầu thủ: Hợp đồng với Yokohama.
Thách thức ở xứ Phù Tang chắc chắn lớn hơn thách thức ở U23 Việt Nam mà Tuấn Anh đang phải đối mặt. Nhưng cơ hội ở J.League 2 có vẻ cũng công bằng hơn “trên Tuyển”. Vì chỉ cần đá hay và thể hiện tốt là được vào sân. Ở Tuyển thì khác, tiêu chí dùng người xuyên suốt của HLV Miura không (và chưa bao giờ) cổ súy cho phong cách chơi bóng của Tuấn Anh.
Giả sử, Tuấn Anh kịp lành chấn thương trước giờ bóng lăn, thì chắc HLV Miura cũng chỉ dùng anh ở vai trò dự phòng cho cặp Xuân Trường – Duy Mạnh hoặc Duy Mạnh – Hữu Dũng. Lý do nhãn tiền mà ông thầy Nhật có thể dùng để giải thích là phong độ và sự sung mãn. Bởi một cầu thủ ít tập, lại vừa lành chấn thương thì chắc chắn sẽ phải… xếp hàng nếu muốn nhảy vào đội hình chính thức.
Như thế, khả năng cống hiến cho đội U23 của tiền vệ này không nhiều, không đúng với năng lực cũng như kỳ vọng mà người hâm mộ hướng về anh.
Hơn nữa, Tuấn Anh có thể sẽ không kịp đạt phong độ cao khi chiến dịch săn vé tứ kết mà ông thầy Nhật đặt ra. Bởi ngay tại thời điểm này, bất cứ ai cũng cảm nhận rất rõ từng bước chạy nặng nề và những cú xoay xở rất khó nhọc của tiền vệ gốc Thái Bình.
Có tên kiểu “vé vớt phút chót” khó trở thành phép màu đối với Tuấn Anh trong trường hợp này. Nhưng sự ưu ái bất chợt từ HLV Miura lại có thể khiến cơ hội ở Yokohama của anh bị đe dọa, và đấy mới là vấn đề.
Nếu thế, Tuấn Anh ở nhà có tốt hơn không?