Lứa cầu thủ trẻ của HAGL lần lượt "xuất ngoại" là tín hiệu vui cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: Minh Trần |
Sau khi HAGL công bố 3 bản hợp đồng chuyển nhượng Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường sang Nhật Bản, Hàn Quốc thi đấu từ mùa giải 2016, nhiều ý kiến cho rằng yếu tố thương mại lấn át chuyện chuyên môn. Để giải đáp những thắc mắc kể trên, Trưởng đoàn bóng đá HAGL, ông Nguyễn Tấn Anh đã tiết lộ một số cam kết thương mại trong các vụ chuyển nhượng cầu thủ kể trên.
"Ở nước ngoài hay Việt Nam cũng vậy, chuyển nhượng cầu thủ mang yếu tố thương mại là điều tất yếu ở bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng nếu cầu thủ HAGL không tốt về chuyên môn, sang nước ngoài chỉ ngồi dự bị thì đội bóng không thể thu được gì từ thương mại cả, thậm chí còn lỗ nặng vì chi số tiền lớn phục vụ chuyển nhượng".
Ông Nguyễn Tấn Anh giải thích thêm, vụ chuyển nhượng Xuân Trường cũng giống như 2 bản hợp đồng của Tuấn Anh và Công Phượng. Trước mắt, chuyên môn phải đặt lên hàng đầu. Các cầu thủ HAGL được CLB nước ngoài trau dồi về chuyên môn, thể lực nhằm thích nghi với đội bóng mới.
Sau đó, các CLB Incheon, Mito và Yokohama đều đã có kế hoạch truyền thông, thương mại khi những cầu thủ Việt Nam có suất ra sân đá chính tại K.League, J.League 2.
"CLB Incheon United đặt kỳ vọng Xuân Trường sẽ đá chính và có phong độ tốt tại Hàn Quốc. Điều đó sẽ giúp họ quảng bá hình ảnh K.League, thu hút nhiều người hâm mộ Việt Nam", ông Tấn Anh cho biết.
Xuân Trường khoác áo CLB Hàn Quốc trong 2 năm, kể từ mùa giải 2016. |
"CLB Incheon United nói riêng hay cả Mito và Yokohama nói chung đều có cam kết chia sẻ quyền lợi từ việc sử dụng hình ảnh Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng. Tuy nhiên, yếu tố thương mại còn phụ thuộc vào phong độ thi đấu của cầu thủ, xem họ đá chính được bao nhiêu trận, có đóng góp gì cho lối chơi chung của đội bóng", ông Nguyễn Tấn Anh chia sẻ.
Trưởng đoàn bóng đá HAGL nói thêm, đội bóng Hàn Quốc đã nghiên cứu kỹ thị trường Việt Nam, họ biết rằng tại đây người hâm mộ chỉ quan tâm tới các giải hàng đầu châu Âu như Premier League, La Liga... Vì thế, Incheon United muốn giành thị phần ở Việt Nam, qua đó mở rộng ra cả Đông Nam Á.
Lãnh đạo HAGL cho rằng yếu tố thương mại được các đội bóng nước ngoài thực hiện rất chuyên nghiệp và bài bản. Tuy nhiên, đội bóng phố núi khẳng định mục đích lớn nhất mà họ xuất ngoại cầu thủ là vì chuyên môn. Nhằm hiện thực hóa giấc mơ giành huy chương vàng SEA Games 2017 của bầu Đức.
Cuối tháng 10 vừa qua, Đài truyền hình Cáp Việt Nam (VTVCab) đã công bố bản quyền phát sóng K.League từ 2015–2017. Các trận đấu của 12 CLB K.League sẽ được phát sóng trực tiếp vào trưa các ngày cuối tuần trên kênh Thể thao TV và Bóng đá TV. Đại diện cầu thủ K.League sang Việt Nam tham dự sự kiện này chính là thành viên của Incheon United, Lee Chun Soo. Đây là một lý do quan trọng để đội bóng xứ kim chi quyết tâm mượn Xuân Trường nhằm quảng bá hình ảnh tại Việt Nam.
Khi HAGL chuyển nhượng 1 cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, gia đình họ sẽ nhận 10% số tiền, phần còn lại sẽ được phía Arsenal - JMG và HAGL chia đôi (mỗi bên 45%).