Bạn hãy tưởng tượng đến một chiếc hành lang có ba cánh cửa.
Đằng sau cánh cửa đầu tiên, bạn sẽ thấy một căn phòng có khả năng nâng cao sức sáng tạo của bạn. Tiếp đến, cánh cửa số hai mở ra một căn phòng giúp bạn mài giũa sự tỉ mỉ, chi tiết khi làm việc. Còn nếu bạn chọn cánh cửa số ba, bạn sẽ đi tới căn phòng cho bạn một tâm thế sẵn sàng hợp tác với đồng nghiệp và khách hàng.
Chiếc hành lang kỳ diệu vừa rồi nghe như một câu chuyện viễn tưởng, không thể có thật đúng không? Thế nhưng, câu trả lời lại là có thể đấy. Hiện nay, chiếc hành lang này đang được coi là tương lai của thiết kế văn phòng làm việc hiện đại, và đang dần được áp dụng nhiều hơn trong thực tế.
Những năm gần đây, cả thế giới đã được chứng kiến những bước đột phá đáng kinh ngạc trong các nghiên cứu, chứng minh rằng thiết kế của nơi làm việc có thể ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy của nhân viên.
Nguồn ảnh: Google. |
Ta có thể thấy ví dụ cụ thể như Google, Intel, hay Cisco, các doanh nghiệp hàng đầu này hiện đang chi hàng triệu đô la vào việc thiết kế lại toàn bộ tòa nhà văn phòng, phá bỏ tường ngăn và tái cấu trúc hệ thống phòng hội nghị.
Quyết định đầu tư này không đơn giản chỉ vì mục đích mang lại cho nhân viên môi trường làm việc đẹp hơn, bắt mắt hơn – nguyên nhân sâu xa là bởi họ tin rằng có một mối liên kết chặt chẽ giữa thiết kế văn phòng và sức sáng tạo, khả năng đưa ra ý tưởng đổi mới.
Nếu như mối liên kết này được chứng minh là thật sự tồn tại và thậm chí là tồn tại mạnh mẽ, thì điều đó có thể sẽ dẫn đến nhiều phát hiện lớn lao hơn nữa.
Vào năm 2007, một trăm sinh viên trường đại học Rice University đã tham gia một dự án nghiên cứu, trong đó họ được yêu cầu làm bài kiểm tra về tư duy trừu tượng, tiền đề quan trọng để dẫn tới những nhận định về sức sáng tạo. Một nửa số sinh viên thực hiện bài kiểm tra tại căn phòng có trần cao mười foot, nửa còn lại ở trong căn phòng giống hệt nhưng có trần cao tám foot.
Có phải độ cao của phòng sẽ ảnh hưởng đến phản ứng của người trong phòng không? Nghe thì thật khó tin, nhưng đây là nhận định đã được áp dụng và không hề xa vời như bạn nghĩ. Xuyên suốt lịch sử, có rất nhiều công trình kiến trúc ấn tượng trên thế giới – từ lăng mộ Taj Mahal đến tháp Eiffel – đã áp dụng độ cao của trần với mục đích mang đến cảm nhận đặc biệt cho người tham quan.
Hoặc gần gũi hơn, bạn có thể dễ dàng nhận thấy các nhà nhờ, giáo đường Do Thái, hay những thiết chế văn hóa như bảo tàng, nhà hát opera, nhà thi đấu... cũng sử dụng thiết kế trần cao, không gian phòng rộng rãi để tạo cảm giác choáng ngợp, tôn kính và ngưỡng mộ cho bất kỳ ai bước vào.
Vậy, câu hỏi tiếp theo là, độ cao có sức ảnh hưởng như thế nào? Rõ ràng, chúng ta có thể thấy trạng thái cảm xúc khi ở bên trong Nhà nguyện Sistina rộng lớn ở Vatican và một chiếc thang máy khép kín, ngột ngạt sẽ rất khác nhau. Theo dòng lô-gíc đó, ta suy ra được là tư duy của một người ở hai địa điểm này cũng khác biệt. Thế nhưng, liệu khoảng cách độ cao hai foot nhỏ bé có thể gây nên tác động tương tự tới quá trình suy nghĩ hay không?
Theo những nhà khoa học thực hiện nghiên cứu tại Rice University, nhận định này có thể xảy ra. Họ lập luận rằng căn phòng trần cao hơn sẽ tạo cảm giác thoải mái và tự do hơn, từ đó sẽ giúp mọi người thúc đẩy tư duy, tăng cường khả năng xử lý thông tin và tìm ra mối liên kết giữa các ý tưởng khác nhau dễ dàng hơn.
Với mong muốn chứng minh quan điểm trên, họ đã xây dựng nên bài thí nghiệm về hai căn phòng. Để đảm bảo rằng những người tham gia sẽ chú ý đến độ cao căn phòng của họ, các nhà nghiên cứu có treo thêm một số chiếc đèn lồng trang trí lên trần nhà. Sau đó, họ chỉ định các sinh viên vào từng phòng một cách ngẫu nhiên và hoàn toàn không đề cập đến sự khác biệt về chiều cao.
Sau khi kết thúc thời gian kiểm tra, kết quả họ thu được vô cùng ấn tượng. So với các sinh viên ở trong phòng trần thấp hơn, những sinh viên trong phòng trần cao hơn làm tốt hơn đáng kể trong việc tìm thấy mối liên hệ giữa các sự vật dường như không liên quan.
Nghiên cứu này đã trở thành nền móng, truyền cảm hứng cho các nhà khoa học về những nhận định mở rộng hơn.
Bình luận