Cha tôi là một thương gia kiểu cũ, nặng về quan hệ, tình nghĩa, làm việc trên quan điểm sinh kế theo gia nghiệp, không phải quan điểm của doanh nhân hay của một nhà quản lý thời nay. Cái gọi là buôn bán và thực tiễn thương trường, mọi điều tôi học được đều đến từ cha. Cũng có lúc nhìn cha, tôi đã nghĩ như thế này thực không ổn. Có thể nói cha vừa là người thầy chỉ dẫn, vừa là người phản biện. Thực tế tôi chịu ảnh hưởng rất lớn từ cha mình.
Năm 1949 (năm 24 niên đại Chiêu Hòa), cha tôi bắt đầu mở cửa hàng bán lẻ quần áo nam gọi là “cửa hàng trang phục nam Ogori Shoji” tại thị trấn Ube, tỉnh Yamaguchi. Cửa hàng chủ yếu bán áo vét, những nhân viên ngân hàng hay công ty chứng khoán muốn mặc những bộ vét cao cấp thường tìm đến đây.
Tadashi Yanai. Nguồn: The CEO Magazine. |
Cha tôi vốn quen nhiều người có tiệm may âu phục và cửa hàng trang phục nam ở khu vực Kyushu và tỉnh Yamaguchi. Sau khi học xong tiểu học, cha tôi đã đến phụ việc ở cửa hàng của ông nội tôi, sau đó rời Ube và tự thân lập nghiệp. Thoạt đầu có nhận đặt may, sau đó chủ yếu là bán đồ may sẵn.
Khi tôi còn học trung học cơ sở, cha tôi đã bắt đầu công ty xây dựng điền thổ, hoàn toàn khác với ngành âu phục. Theo ngôn ngữ thời đó, đúng hơn gọi là “chủ thầu”. Có thể nói cả về khía cạnh tốt và xấu, tính cách của cha tôi hợp với công việc của vài chính trị gia trong thời đại ngày nay có liên quan đến chủ đề nóng đang diễn ra là gian lận và thông đồng trong đấu thầu.
Ông là Chủ tịch hội ủng hộ các nghị sĩ quốc hội của tỉnh, quan hệ tốt với lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn. Nghĩa là một con người kiểu “ông chủ” của địa phương, tại thị trấn Ube cũng như tại khu phố ông sống. Bản thân ông cũng nói, nếu là chủ thầu từ thời còn trẻ, có thể đã thành công hơn.
Cha tôi là một người cực kỳ nghiêm khắc, tới mức tôi thường gắng tránh mặt khi đi ngang qua ông. Bình thường chẳng có chuyện gì tôi cũng vẫn e sợ ông. Ông làm việc nhiều, rồi những cuộc gặp gỡ, những bữa tiệc giao đãi hàng ngày nên thường về nhà rất muộn. Có thể vì vậy mà tôi có thói quen đi ngủ sớm. Nếu thỉnh thoảng có gặp thì lại bị mắng.
Giờ nghĩ lại thì thấy có thể là một sự khích lệ, còn lúc đó tôi chỉ có cảm giác tức điên lên. Do tôi là con trai duy nhất, giữa tôi là chị và hai em gái, nên việc ông kỳ vọng và nghiêm khắc nuôi dạy tôi cũng dễ hiểu.
Là một đứa con trai hư nên chuyện bị hạ cẳng chân thượng cẳng tay với tôi rất bình thường. Tôi nhớ từ khi còn nhỏ, đã thường nghe giáo huấn rằng, “cái gì cũng phải đứng thứ nhất”. Tôi nhận ra triết lý nuôi dạy con cái sẵn trong đầu cha tôi là phải như vậy. Chỉ khi thi đỗ vào trường trung học và đại học tôi mới có dịp được khen ngợi.
Quan sát cha, tôi đã nghĩ rất nhiều, rằng đặt toàn bộ cuộc sống vào việc bán hàng ngày qua ngày là không phù hợp với tôi. Tuy nhiên, tôi đã kế tục di sản cửa hàng âu phục này, điều đó có thể cho là một nhân duyên tuyệt vời giữa cuộc đời của cha với thành quả tạo nên một UNIQLO hiện đang tiếp tục mở rộng.
Năm 1949 (năm 24 niên đại Chiêu Hòa), cha tôi tự mở cửa hàng âu phục, cũng là năm tôi ra đời. Vào tháng 4 năm 1984 (năm 59 niên đại Chiêu Hòa) cha tôi ngã bệnh do xuất huyết não. Tháng 6 năm đó, cửa hàng UNIQLO số 1 ra đời. Tháng 9 cùng năm, cha tôi rời khỏi ghế giám đốc và trở thành chủ tịch công ty, còn tôi trở thành giám đốc.
Ngày 1 tháng 2 năm 1999 (năm 11 niên đại Bình Thành) là ngày Công ty đã niêm yết lên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo. Năm ngày sau, tôi đã báo cáo với cha về việc này vào sau bữa tối. Vào ngày tiếp theo, mùng 7, ngày sinh nhật lần thứ 50 của tôi cũng là ngày bố tôi ra đi ở tuổi 79. Tại tang lễ, hướng về chân dung người quá cố tôi thầm thì “cha là đối thủ lớn nhất của cuộc đời con”. Lần đầu tiên tôi rơi lệ nhiều như vậy trước mặt mọi người.
Bình luận