Công ty là gì
Chắc quý vị cũng đã biết cái gọi là “công ty” là gì rồi.
Ngoài những người có ý định buôn bán cá nhân, khi mới đi kiếm việc làm, mọi người sẽ suy tính đến việc làm ở công ty nào nhiều hơn là làm công việc gì. Nói ngắn gọn, dường như đa số đều có chung cảm nhận rằng một khi làm việc trong công ty thì toàn bộ cuộc sống sẽ gắn chặt với nơi ấy, công ty là một thiết chế để mỗi cá nhân ổn định đời sống và công việc. Tôi thì không nghĩ như vậy.
Công ty, về bản chất, không phải là một thực thể tự thân, mà luôn có tính biến chuyển, nhiều khả năng là không thể duy trì vĩnh viễn. Ban đầu là cơ hội kinh doanh, từ đó tập hợp các yếu tố như nguồn tiền, con người và hàng hóa, gốc gác vốn là hoạt động kinh tế được tiến hành dưới hình thức không giống một tổ chức công ty.
Ảnh minh hoạ. |
Đương nhiên vẫn có những trường hợp không huy động được nguồn tiền và đánh mất cơ hội kinh doanh. Nếu như vậy, công ty sẽ bị triệt tiêu, đòi hỏi một hình thức và phương sách khác, và bắt buộc phải tự cải tổ. Sẽ là hợp lý hơn khi nhì nhận công ty như một loại dự án, một thực thể có kỳ hạn. Nếu không thể tăng nguồn thu thì công ty cũng nên giải thể.
Sau chiến tranh, Nhật Bản liên tục tăng trưởng ở mức cao, được mệnh danh là cường quốc về kinh tế, và từng nhất thời tự đắc về điều đó. “Công ty là một thiết chế, bạn sẽ được phát triển và kế thừa thành quả nếu làm việc thường trực tại những bộ phận chính”. Cả nhà quản lý và nhân viên công ty giống như những tín đồ đã không ngừng mê lầm trong tín điều này. Tuy nhiên, tôi cho rằng thời đại hoàn toàn dựa vào công ty đã kết thúc và những suy nghĩ như trên sẽ không còn hữu lý.
Thời đại thay đổi nhưng ý nghĩa của cái gọi là công ty thì không đổi. Cần ý thức được rằng công ty vốn là một thực thể có kỳ hạn. Trong kỳ hạn đó nếu không thể mở ra những cơ hội kinh doanh mới, thì thời điểm đáo hạn cũng là lúc công ty tiêu vong. Bản chất này không hề suy suyển.
Cùng việc công ty tăng trưởng ổn định, thì hình thức kinh doanh sẽ thay đổi, tiếp đó bộ máy quản lý cũng được mở rộng và tốc độ đưa ra quyết định sẽ chậm lại. Cái gọi là công ty, và việc kinh doanh thương mại hoàn toàn trái ngược với sự ổn định về hình thức.
Vào thời của tôi, những người sinh ra sau chiến tranh, làm việc tại các công ty lớn, đã sớm vấp phải cuộc suy thoái kinh tế khi họ ở trong độ tuổi 40. Công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế được thực hiện. Một số ít các nhà quản lý không chỉ giữ vai trò giương cao ngọn cờ này mà còn tự thân trở thành đối tượng của tái cơ cấu. Rốt cục, nhiều người đã suy ngẫm, liệu cuộc sống của các nhân viên, những con người đã tận hiến cho công ty, rồi đây sẽ ra sao.
Tính từ hơn mười chục năm trước, thời điểm vỡ bong bóng kinh tế (có thể nói là suy thoái kinh tế) thì cho đến nay công ty đã trải qua 30 năm hoạt động. Chỉ cần nhìn thoáng qua, ai cũng có thể thấy biểu đồ phát triển của công ty với “20 năm đại thành công và 10 năm đại thất bại”.
Bản thân tôi cũng không lấy điều này làm hệ trọng, tôi nghĩ thất bại đều nằm ở mọi trải nghiệm thành công. Có nghĩa là, mầm mống của thất bại đã được gieo trong thành công, dường như nó dần lớn lên theo các giai đoạn thành công, và từ đó cấu thành nên hiện tại.
Bình luận