Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao giáo hoàng là 'ngôi sao' của làn sóng ảnh deepfake?

Giáo hoàng Francis trở thành “nhân vật” yêu thích trong các bức ảnh do AI tạo ra, khi ông xuất hiện trong một loạt tình huống phi lý, như lái xe máy và tham dự sự kiện Burning Man.

Hình ảnh Giáo hoàng Francis mặc áo khoác da do AI tạo ra. Ảnh: New York Times.

Giáo hoàng Francis mặc áo khoác phao dài trắng lấy cảm hứng từ Balenciaga. Giáo hoàng Francis phóng môtô trên con phố đông đúc. Giáo hoàng Francis trong một hộp đêm mờ ảo. Giáo hoàng Francis trong bộ tactical vest, chuẩn bị lái máy bay chiến đấu. Giáo hoàng Francis chia sẻ bia tại sự kiện văn hóa Burning Man.

Vài tuần qua, Giáo hoàng Francis xuất hiện trong hàng chục bức ảnh với những tình huống kỳ lạ, khiến mạng xã hội dậy sóng. Ngoài giáo hoàng, tất cả hình ảnh đều có điểm chung: Đây là ảnh giả mạo, được tạo bởi công cụ trí tuệ nhân tạo từ những dòng mô tả ngắn.

Nhiều người nổi tiếng gần đây xuất hiện trong các bức ảnh do AI tạo ra, nhưng những tấm có Giáo hoàng Francis gây chú ý nhất.

Theo New York Times, những bức ảnh này thu hút được nhiều lượt xem, thích và bình luận hơn nhiều so với các tấm hình khác, thúc đẩy cuộc chạy đua khắc họa người đàn ông 86 tuổi trong những tình huống ngày càng kỳ lạ.

“Tôi phải tham gia vào chuyện này”, một người dùng Reddit viết, đính kèm hình ảnh ông Francis tập võ, chơi bóng rổ và trượt ván. “Hòa vào hiệu ứng giáo hoàng”, một người khác ghi, chia sẻ hình ảnh ông Francis nói chuyện với đám đông đi xe đạp.

Thể hiện hình ảnh thoải mái

Các chuyên gia tôn giáo cho biết các bức ảnh của Giáo hoàng Francis do AI tạo ra nổi tiếng là kết quả của hàng loạt yếu tố.

Sau 10 năm với tư cách là người đứng đầu Giáo hội Công giáo, cả thế giới có thể ngay lập tức nhận ra ông. Ông được coi là nhà lãnh đạo dễ gần hơn so với người tiền nhiệm theo đường lối cứng rắn, Giáo hoàng Benedict XVI.

Giữa lúc thế giới đang quan tâm nhiều tới công cụ AI, ông Francis - người vốn thường xuất hiện trong các bối cảnh trang trọng - đã trở thành lựa chọn để đặt trong những tình huống phi lý nhất.

anh deepfake Giao hoang Francis anh 1

Giáo hoàng Francis được coi là nhà lãnh đạo dễ gần hơn so với người tiền nhiệm theo đường lối cứng rắn, Giáo hoàng Benedict XVI. Ảnh: Reuters.

Một số người cho biết mục tiêu tạo ra những bức ảnh này là để chứng minh ngay cả giáo hoàng cũng có thể thể hiện mặt thoải mái và trở nên vui vẻ.

Jennifer Herdt - giáo sư về đạo đức Kitô giáo tại Trường Thần học Yale - nhận định các nhân vật tôn giáo toàn cầu như giáo hoàng dễ dàng là đối tượng cho sự châm biếm chính trị và nghệ thuật.

Bà nói thêm ông Francis là nhân vật lý tưởng bởi giáo hoàng “nổi tiếng với sự giản dị, tình đoàn kết với những người nghèo nhất trong số những người nghèo”. Do đó, việc ông được đặt trong những tình huống như lái máy bay chiến đấu là “không phù hợp, vượt quá sự mong đợi”.

Những hình ảnh do AI tạo ra có thể trở nên nguy hiểm nếu nhiều người tin và lạm dụng chúng để lan truyền thông tin sai lệch. “Nhiều người không kiểm chứng lại. Sau đó, họ sẽ dần xa rời thực tế”, Subbarao Kambhampati - giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Arizona State - cho biết.

Nguồn cảm hứng "bất tận"

Dẫu vậy, nhiều bức ảnh AI vẽ Giáo hoàng Francis lại thúc đẩy tình cảm yêu mến ông.

“Mọi người đều cảm nhận Giáo hoàng Francis như vị giáo hoàng của nhân dân, nên mọi người sẽ thích thú khi ngài xuất hiện ở tất cả nơi đông người”, Linh mục Serene Jones - chủ tịch và giáo sư về tôn giáo và dân chủ tại Chủng viện Union Theological (New York, Mỹ) - nhận định.

Bức ảnh biến ông Francis thành “ngôi sao” của AI là khi giáo hoàng mặc áo phao Balenciaga sải bước trên phố. Trang phục trong bức ảnh giống như những gì các giáo hoàng thường mặc: Áo choàng, dây stola và mũ chóp, theo CNN.

Bức ảnh lần đầu được đăng tải vào ngày 24/3 trên diễn đàn Reddit dành cho công cụ AI Midjourney, sau đó được lan truyền trên khắp các nền tảng mạng xã hội khác.

Bài đăng trên Twitter nhận được hơn 229.000 lượt thích và 20,6 triệu lượt xem. Để so sánh, chỉ có 40.000 lượt thích và 6,4 triệu lượt xem cho dòng chia sẻ về bức ảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị bắt mà AI vẽ.

Kể từ đó, ông Francis xuất hiện trong bức ảnh ăn đồ ăn nhanh, gặp gỡ người ngoài hành tinh, chơi guitar tại Lễ hội Glastonbury, lặn biển, khiêu vũ trên bãi biển… Làn sóng hình ảnh về Giáo hoàng Francis mạnh mẽ tới mức một số người trong các diễn đàn AI bày tỏ mong muốn người dùng hãy kiếm nguồn cảm hứng khác.

Yêu cầu đó cũng không khiến cơn sốt này dừng lại, và giáo hoàng ngày càng ăn mặc khác lạ. Trong một số bức, ông chuyển từ áo phao sang trang phục toàn màu đen với áo khoác da, hay thậm chí mặc áo khoác cầu vồng.

Những cuốn sách giúp bạn bắt kịp sự phát triển của AI hiện nay

Trí tuệ nhân tạo đang góp phần định hình và tái thiết thế giới con người ra sao. Để tìm hiểu về công nghệ này, chúng ta có thể bắt đầu từ những cuốn sách trong danh sách này.

Bức ảnh deepfake gây kinh ngạc

Nếu như trước kia, người nổi tiếng sợ những hình ảnh riêng tư của mình bị paparazzi công bố, giờ đây, họ còn lo AI có thể ghép khuôn mặt mình vào các bức ảnh không có thật.

Nước Mỹ sôi sục về câu chuyện ảnh deepfake của ông Trump trước giờ G

Nhiều người ủng hộ ông Donald Trump đang kêu gọi làm giả ảnh lưu hồ sơ cảnh sát của cựu tổng thống để phục vụ mục đích tuyên truyền và các đợt gây quỹ.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm