Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao FED phải in 3.000 tỷ USD?

Khi giá trị của tiền mặt tăng lên từng ngày - đặc điểm của giảm phát, người dân và doanh nghiệp sẽ tích trữ tiền mặt chứ không chi tiêu hay đầu tư.

Giảm phát

Từ sau giai đoạn 1927 - 1933, Mỹ không trải qua đợt giảm phát kéo dài nào nữa, vì thế người Mỹ hiện nay cũng không nhớ gì nhiều về nó. Đáng lẽ ra, nước Mỹ đã phải đối mặt với một đợt giảm phát nghiêm trọng từ 2009 đến 2013 nếu không có lượng tiền in khổng lồ của Cục Dự trữ Liên bang. Bóng ma giảm phát trôi dạt khắp nước Mỹ không hề biến mất. Nó chỉ được che giấu đi mà thôi.

Giảm phát là cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với Cục Dự trữ Liên bang vì nhiều lý do. Thu nhập thực từ giảm phát rất khó đánh thuế. Nếu một cán bộ quản lý trường học kiếm được 100.000 USD mỗi năm, giá cả không đổi và được tăng lương 5%, thì mức sống thực trước thuế của cô ta sẽ tăng thêm 5.000 USD, nhưng Chính phủ chỉ đánh thuế đối với phần tăng thêm và để người quản lý được hưởng toàn bộ phần còn lại.

Thế nhưng, nếu thu nhập của người quản lý không đổi và giá cả giảm 5% thì mức sống của cô ta vẫn tăng thêm 5.000 USD mỗi năm, nhưng Chính phủ không thể đánh thuế khoản tăng thêm này vì nó xuất hiện dưới hình thức giá cả thấp hơn chứ không phải tiền lương cao hơn.

USD anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: John Guccione/Pexels.

Giảm phát làm tăng giá trị thực của nợ công, khiến việc trả nợ khó khăn hơn. Nếu giảm phát không đảo chiều thì Mỹ sẽ vỡ nợ ngay tức khắc, “đau đớn” hơn nhiều so với hệ quả vỡ nợ do lạm phát.

Giảm phát cũng làm chậm mức tăng trưởng GDP danh nghĩa, trong khi nợ danh nghĩa lại tăng hàng năm do thâm hụt ngân sách. Điều này có xu hướng làm tăng tỉ lệ nợ/GDP, đẩy nước Mỹ vào vết xe đổ của Hy Lạp và gần hơn đến một cuộc khủng hoảng nợ quốc gia.

Cuối cùng, giảm phát tự nuôi sống chính nó và FED gần như không thể nào dự trữ được. Cục Dự trữ Liên bang vốn rất tự tin về khả năng kiểm soát lạm phát, mặc dù những bài học từ thập niên 1970 cho thấy họ cần có những thước đo thật nghiêm khắc.

Tuy nhiên, họ hoàn toàn hiểu rõ khó khăn của việc chấm dứt giảm phát. Khi giá trị của tiền mặt tăng lên từng ngày - đặc điểm nhận diện của giảm phát, người dân và doanh nghiệp sẽ tích trữ tiền mặt chứ không chi tiêu hay đầu tư, khiến tổng cầu và GDP giảm mạnh.

Đây chính là lý do tại sao từ 2008 đến nay, FED in thêm hơn 3.000 tỷ USD để chặn đứng giảm phát ngay từ trong trứng nước. Con đường khả dĩ nhất của Cục Dự trữ Liên bang trong những năm sắp tới là tiếp tục in thêm thật nhiều tiền để ngăn giảm phát xuất hiện. Giả định mà FED đang áp dụng là bất cứ hệ quả nào của lạm phát cũng có thể được giải quyết ổn thỏa trong một khoảng thời gian hợp lý.

Trong quá trình không ngừng in tiền để ngăn chặn giảm phát, nhiều khả năng FED sẽ chạm tới những giới hạn về mặt chính trị đối với việc in tiền, có lẽ là khi bảng cân đối kế toán của nó vượt quá 5.000 tỷ USD, hoặc khi nó bị đánh giá là không có khả năng trả nợ trên cơ sở hạch toán theo giá thị trường.

Đến lúc đó, các thống đốc của FED có thể chọn cách thử vận may với giảm phát. Trong kịch bản “khiêu vũ với quỷ Sa-tăng” này, FED sẽ dựa vào chính sách tài khóa để giữ cho tổng cầu ổn định. Hoặc giảm phát có thể vẫn sẽ xuất hiện bất chấp việc in tiền. Kịch bản này xảy ra khi FED đứng từ trên trực thăng vung vãi tiền xuống nhưng người dân không chút đoái hoài vì nhặt tiền lên đồng nghĩa với chấp nhận gánh thêm nợ. Trong cả hai kịch bản, nước Mỹ đều sẽ trở về năm 1930 và đối mặt với nạn giảm phát vượt tầm kiểm soát.

Trước tình hình đó, cách duy nhất để nước Mỹ chặn đứng giảm phát là ban bố sắc luật quy định giá vàng là (ví dụ) 7.000 USD/ounce, có thể cao hơn. Cục Dự trữ Liên bang có thể giữ vững mức giá này bằng cách sử dụng vàng ở Fort Knox để thay mặt Ngân khố chỉ đạo hoạt động của thị trường mở. FED có thể mua vàng với giá 6.900 đô-la/ ounce và bán ra với giá 7.100 USD/ounce để duy trì mức giá 7.000 USD/ounce. Mục đích ở đây không phải để làm giàu cho người sở hữu vàng, mà là để tái thiết lập mức giá chung.

Những bước đi như trên có thể không khả thi, nhưng chúng sẽ hiệu quả. Vì mọi thứ đều tác động qua lại lẫn nhau nên việc giá trị đồng USD quy đổi ra vàng bị giảm xuống sẽ nhanh chóng được phản ánh qua việc giá đô-la quy đổi ra tất cả những thứ khác tăng lên. Việc một ounce vàng giá 7.000 USD cũng đồng nghĩa với việc một thùng dầu giá 400 USD và một ounce bạc giá 100 USD.

Sự quay lại của giảm phát có thể được chặn đứng nếu đồng USD bị giảm giá trị so với vàng, như trường hợp năm 1933 khi Mỹ quy định lại giá trị của vàng, từ 20,67 USD/ounce lên 35,00 USD/ounce, tức là giá trị đồng USD bị giảm 41%. Nếu Mỹ lại một lần nữa đối mặt với giảm phát nghiêm trọng thì giảm giá trị đồng USD là phương thuốc duy nhất, bởi ngoài nó ra, không còn giải pháp nào khác khi cách in tiền đã thất bại.

James Rickards/Bách Việt Books & NXB Dân Trí

Bình luận

SÁCH HAY