Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những thăng trầm của đồng USD

Tháng 7 năm 2011, chỉ số sức mạnh của đồng USD do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố đã giảm xuống mức thấp nhất lịch sử.

Nhìn vào nền kinh tế thế giới hiện nay, người ta đang thấy những triệu chứng tương tự thời kì trước cơn hấp hối của đồng USD năm 1978. Tháng 7 năm 2011, chỉ số sức mạnh của đồng USD do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố đã giảm xuống mức thấp nhất lịch sử, ở mức trên 4% so với mức khủng hoảng hồi tháng 10 năm 1978.

Tháng 8 năm 2009, IMF một lần nữa phải ứng cứu bằng cách phát hành một đợt SDR mới, tương đương với 310 tỉ USD, khiến số lượng SDR đang lưu thông trên thị trường tăng thêm 850%. Đầu tháng 9, giá vàng đạt kỷ lục mới: gần 1.900 USD/ounce, cao hơn 200% so với giá trung bình năm 2006, ngay trước khi cuộc suy thoái mới bắt đầu. Công chúng trong thế kỷ XXI được thưởng thức phiên bản mới của Rollover, một bộ phim truyền hình về sự sụp đổ của nền tài chính có tên là Too Big To Fail.

USD anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: John Guccione/Pexels.

Tình hình năm 1978 và những sự kiện gần đây có nhiều điểm tương đồng kỳ lạ, nhưng không hoàn toàn giống nhau. Có một yếu tố hủy diệt thế giới trước kia mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy còn bây giờ thì không. Nó giống một con chó không sủa: lạm phát. Nhưng chúng ta không nghe thấy con chó sủa không có nghĩa là nó không nguy hiểm.

Những chỉ số thường được dùng để đo lường tỉ lệ lạm phát của đồng USD Mỹ như chỉ số giá tiêu dùng hầu như không suy chuyển kể từ năm 2008 đến nay. Thậm chí trong một vài tháng nhất định, nền kinh tế Mỹ còn chứng kiến sự giảm phát nhẹ.

Lạm phát đã xảy ra ở Trung Quốc, nơi Chính phủ định giá lại đồng Nhân dân tệ để giảm sức hấp dẫn của nó và ở Brazil, nơi tình trạng giá cả leo thang trong những dịch vụ cơ bản như xe buýt đã châm ngòi cho nhiều cuộc bạo động. Lạm phát giá thực phẩm cũng là một yếu tố góp phần gây ra các cuộc biểu tình trong giai đoạn đầu của làn sóng “Mùa xuân Ả Rập”. Thế nhưng, nước Mỹ vẫn kiểm soát tốt đồng tiền của mình.

Quan sát kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy một nền tiểu thủ công nghiệp đang sử dụng những phương pháp luận từ thời trước 1999, những giỏ hàng hóa, dịch vụ thay thế khác thể hiện tốt hơn về tình hình lạm phát mà người Mỹ đang thực sự phải đối mặt, để tính toán các chỉ số giá của Mỹ.

Chúng đưa ra nhiều dấu hiệu cảnh báo, vì các phương pháp xác định lạm phát khác cho thấy tỉ lệ lạm phát hàng năm của Mỹ là trên 9% thay vì 2% như trong tài liệu mà Chính phủ công bố. Bất cứ ai đi mua sữa, bánh mì hay xăng dầu chắc chắn sẽ đồng ý với con số cao hơn. Mặc dù có thể những số liệu thống kê ảm đạm này rất thuyết phục nhưng chúng lại hầu như không ảnh hưởng gì đến các thị trường tiền tệ quốc tế hay chính sách của Cục Dự trữ Liên bang.

Để hiểu rõ những mối đe dọa đối với đồng USD cũng như phản ứng khả dĩ trong các quyết sách của FED, chúng ta cần phải xem xét đồng USD trên quan điểm của FED. Từ góc nhìn này, lạm phát không phải là mối đe dọa. Ngược lại, đối với họ, tỉ lệ lạm phát cao hơn vừa là lời giải cho cuộc khủng hoảng nợ, vừa là một mục tiêu chính sách.

Chính sách ưu tiên lạm phát (pro-inflation) này là cánh cổng dẫn đến thảm họa, ngay cả khi các nhà phân tích của FED cũng phải vò đầu bứt tai trước “sự vắng mặt” quá rõ ràng của lạm phát trong đợt in tiền lớn chưa từng có của Cục Dự trữ Liên bang và các ngân hàng trung ương khác. Nhiều người thắc mắc tại sao FED có thể tăng lượng cung tiền tệ cơ sở lên 400% kể từ năm 2008 đến nay mà không hề để xảy ra tình trạng lạm phát. Nhưng chúng ta có hai cách giải thích hết sức thuyết phục - và chúng dự báo tiềm năng sụp đổ.

(i) Thứ nhất, nền kinh tế Mỹ đang bị tổn hại về mặt cấu trúc, bởi vậy, những đồng tiền dễ kiếm không thể đem lại lợi ích tối ưu.

(ii) Thứ hai, lạm phát đang diễn ra.

Cả hai cách giải thích này đều đúng - quả thực, nền kinh tế Mỹ đang tan rã và lạm phát đang tăng lên.

James Rickards/Bách Việt Books & NXB Dân Trí

Bình luận

SÁCH HAY