Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày đen tối của đồng USD

Chúng tôi vẫn nhớ rất rõ những ngày đen tối ấy. Trong giai đoạn 1977 đến 1980, giá vàng tăng 500%.

Sự lụi tàn của đồng tiền bàn về sự thoái trào của đồng USD, hay nói rộng hơn là về nguy cơ sụp đổ của hệ thống tiền tệ quốc tế. Bởi vì, nếu mọi người mất niềm tin đối với đồng USD thì không một đồng tiền nào khác có khả năng thay thế nó làm đồng tiền dự trữ của thế giới. Đồng USD chính là hạt nhân. Nếu nó sụp đổ, toàn bộ hệ thống cũng sẽ sụp đổ theo. Mặc dù viễn cảnh sụp đổ kép này thật đáng sợ, nhưng nó hoàn toàn có thể xảy ra.

Trước hết, chúng ta sẽ ngược dòng thời gian quay lại quá khứ.

Một số người Mỹ cùng thời với chúng tôi nhớ lại, đồng USD đã gần như mất đi vị thế là đồng tiền dự trữ thế giới vào năm 1978. Đây là năm mà chỉ số sức mạnh của đồng USD tại Cục Dự trữ Liên bang giảm không phanh, xuống đến mức đáng lo ngại.

Do-la anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Karolina Grabowska/Pexels.

Bộ Ngân khố Mỹ buộc phải phát hành trái phiếu Chính phủ thanh toán bằng đồng franc của Thụy Sĩ. Các chủ nợ nước ngoài không còn tin dùng đồng USD Mỹ như một công cụ cất trữ giá trị nữa. Sức mua của đồng USD giảm dần, đến năm 1981 chỉ còn bằng một nửa so với năm 1977.

Trong 5 năm này, tỉ lệ lạm phát của Mỹ tăng ở mức trên 50%. Bắt đầu từ năm 1979, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hầu như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc huy động nguồn lực của mình để phát hành tiền tệ thế giới (quyền rút vốn đặc biệt SDR - special drawing rights), “nhấn chìm” thị trường bằng 12,1 tỉ SRD để tạo tính thanh khoản khi lòng tin của thế giới vào đồng USD giảm xuống đáy.

Chúng tôi vẫn nhớ rất rõ những ngày đen tối ấy. Trong giai đoạn 1977 đến 1980, giá vàng tăng 500%. Từ chỗ chỉ bị mất giá trong tầm kiểm soát vào năm 1971, khi Tổng thống Richard Nixon tuyên bố chấm dứt việc chuyển đổi USD Mỹ sang vàng, đến cuối thập kỷ, đồng USD đã thất bại trên mọi mặt trận.

Cuối những năm 1970, cuộc khủng hoảng USD lên tới đỉnh điểm. Tháng 8 năm 1971, mọi người bắt đầu mất niềm tin ngay sau khi Tổng thống Nixon đình chỉ khả năng quy đổi USD sang vàng. Tác giả Janet Tavakoli mô tả tình cảnh của một người Mỹ ở nước ngoài vào cái ngày mà cơn hấp hối của đồng USD trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết:

Bỗng nhiên, người Mỹ ở nước ngoài thấy các nhà hàng, khách sạn và quán xá không muốn rước lấy rủi ro lãi suất thả nổi từ những đồng USD mà họ đang có. Vào lễ Ferragosto (giữa tháng tám), các ngân hàng ở Rome đóng cửa và người Mỹ nào thiếu tiền mặt thì đành bó tay chịu chết.

Người quản lý của khách sạn hỏi những vị khách đang rời đi: “Quý khách có vàng không? Xin hãy nhìn những gì Tổng thống Mỹ của các vị đã làm mà xem.” Ông ta hết sức nghiêm túc và sẵn sàng chấp nhận thanh toán bằng vàng.

Ngay lập tức, tôi yêu cầu trả trước tiền phòng bằng đồng lire. Người quản lý rất mừng rỡ. Ông ta và toàn bộ nhân viên đối xử với tôi như một bà hoàng. Tôi không giống đám người Mỹ với những đồng USD ngu ngốc của họ. Trong suốt thời gian tôi ở đây, không một lái buôn hay nhà hàng nào muốn tiếp đón tôi cho đến khi tôi giải thích rằng mình có thể thanh toán bằng đồng lire.

Những nỗ lực sau đó của Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Paul Volcker và Tổng thống mới đắc cử - Ronald Reagan đã cứu đồng USD thoát chết. Volcker tăng lãi suất lên 19% trong năm 1981 để giảm lạm phát và đưa đồng USD trở thành lựa chọn hấp dẫn với giới tư bản nước ngoài. Bắt đầu từ năm 1981, Reagan cắt giảm các loại thuế và thủ tục hành chính.

Những động thái này đã giúp khôi phục niềm tin của các doanh nghiệp và làm cho Hợp chúng quốc Hoa Kỳ trở thành một thỏi nam châm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đến tháng 3 năm 1985, chỉ số sức mạnh của đồng USD đã tăng 50% so với mức thấp nhất vào tháng 10 năm 1978, đồng thời giá vàng giảm 60% so với mức đỉnh điểm vào năm 1980.

Tỉ lệ lạm phát của Mỹ giảm từ 13,5% trong năm 1980 xuống còn 1,9% trong năm 1986. Đến giữa thập niên 1980, cơn khủng hoảng đã được dập tắt và triều đại của Hoàng đế USD bắt đầu. Sau năm 1978, đồng USD tuy không bị “phế truất” khỏi vị trí là đồng tiền dự trữ của thế giới nhưng cũng từng có thời kỳ bên bờ vực thẳm.

James Rickards/Bách Việt Books & NXB Dân Trí

Bình luận

SÁCH HAY