Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao đã đến lúc Google tự tay sản xuất phần cứng?

Phóng viên công nghệ kỳ cựu Walt Mossberg của trang The Verge chỉ ra 5 lý do vì sao Google nên tự tay sản xuất thiết bị phần cứng chạy Android, thay vì chỉ phát triển phần mềm.

Kể từ 2010 đến nay, cứ mỗi năm một lần Google lại trình làng thế hệ smartphone/tablet Nexus mới. Sứ mệnh của Nexus không phải là để đem về doanh số bán hàng "khủng" cho Google, mà để trình diễn các tính năng, công nghệ mới nhất của Android, hệ điều hành di động do Google phát triển và phát hành miễn phí cho các nhà sản xuất khác cùng sử dụng. 

Điện thoại Nexus được thiết kế để chạy phiên bản Android mới nhất của Google, và đây là phiên bản "thuần" Android thay vì bị "tùy biến", pha trộn bởi giao diện và các ứng dụng "rác" mà các nhà sản xuất smartphone Android thêm vào. 

Đây cũng là thiết bị trình diễn các dịch vụ và ứng dụng mới nhất của Google - thứ mà nhiều smartphone Android ở nhiều thị trường, nhất là thị trường mới nổi, thường không có. Cuối cùng, không như các thiết bị khác, Nexus cũng là máy nhận được các bản cập nhật Android mới sớm nhất.

Nexus 5X do LG sản xuất. 

Thế nhưng Nexus không phải do tự tay Google sản xuất. Thay vào đó, mỗi năm Google chọn một trong số các đối tác phần cứng để sản xuất smartphone cho mình. Trong năm 2015, hãng thay đổi chiến lược một chút khi chọn tới hai đối tác: LG và Huawei. Mặc dù Google hợp tác chặt chẽ với đối tác của mình trong quá trình tạo ra thành phẩm, hãng không có quyền kiểm soát hoàn toàn giống như cách Apple làm với iPhone hay Microsoft với dòng thiết bị Surface. 

Tôi cho rằng đã đến lúc Google tự tay sản xuất phần cứng, ít nhất là với smartphone, và ít nhất là với dòng Nexus cũng như một dòng điện thoại giá rẻ dành cho các thị trường mới nổi. Google từng sở hữu một công ty phần cứng đúng nghĩa: Motorola, dù hãng sau đó đã bán lại Motorola cho Lenovo. Google cũng tự tay sản xuất một số thiết bị như Chromecast và Chromebook Pixel. Tuy nhiên, với sức mạnh và nguồn lực của mình, Google hoàn toàn có thể thuê thêm nhiều kỹ sư phần cứng và nhà thiết kế, tạo ra các thiết bị độc nhất, cao cấp cho thị trường.  

Và dưới đây là 5 lý do vì sao Google nên làm điều này, theo phân tích của phóng viên công nghệ kỳ cựu Walt Mossberg của trang The Verge

Đầu tiên, xu thế hiện nay đó là phần cứng và phần mềm phải tích hợp chặt chẽ với nhau. Một nền tảng phần mềm sẽ tốt hơn với phần cứng được tối ưu cho nó. Đây chính là một trong những yếu tố giúp Apple đạt được thành công. Microsoft cũng nhận ra lợi ích từ sự tích hợp chặt chẽ này để rồi sau nhiều năm chỉ làm phần mềm, hãng cuối cùng cũng nhảy vào cả sản xuất phần cứng.

Do kết hợp được phần cứng với phần mềm, Apple đã đi trước Google tới hai năm ở công nghệ cảm biến vân tay. Cũng vì lý do này mà Apple giờ đây đã có thể đưa công nghệ nhập liệu mới lên iPhone với tên gọi 3D Touch. Công nghệ này giúp màn hình nhận diện được lực nhấn của đầu ngón tay là mạnh hay nhẹ từ đó gán cho mỗi kiểu nhấn một chức năng khác nhau. 3D Touch có thể không phải là công nghệ sẽ tạo nên sự đột phá, thế nhưng, ít ra đó là thứ mà Apple có thể thử nghiệm nhờ khả năng kiểm soát cả phần cứng và phần mềm. 

Với Android, nhà sản xuất cũng có thể áp dụng các công nghệ mới. Huawei là một ví dụ: Chiếc Mate S của hãng này cũng được trang bị tính năng tương tự 3D Touch của Apple. Thế nhưng, lịch sử nhiều năm qua cho thấy chỉ khi kiểm soát được cả phần cứng lẫn phần mềm như Apple, một thương hiệu mới có thể thành công rực rỡ trên thị trường smartphone.

Thứ hai, Google đang muốn biến Android thành nền tảng duy nhất trong tương lai - khi sáp nhập nó với Chrome OS, hệ điều hành chạy trên laptop Chromebook của hãng. Điều này cho thấy Android trong thời gian tới sẽ chạy được trên cả laptop và thậm chí là desktop (máy tính để bàn). Nếu viễn cảnh này trở thành hiện thực, Google có thể tạo nên được một hệ sinh thái các thiết bị tương tự như Apple làm với iPhone, iPad, và máy tính Mac.   

Thứ ba, dù Android là hệ điều hành di động có thị phần lớn nhất thế giới, cao hơn nhiều so với iOS, thế nhưng Google gần như chỉ có một đối tác lớn duy nhất là Samsung. Công ty Hàn Quốc là tên tuổi duy nhất có độ phủ toàn cầu, có thị phần lớn, và có lãi từ Android. Lợi nhuận của Samsung đã liên tiếp giảm trong những quý gần đây, và một chiếc điện thoại của Google sản xuất có thể là giải pháp để thuyết phục rằng Android vẫn có thể thành công khi nằm trong tay một tên tuổi có tiềm lực tài chính dồi dào.

Galaxy Note 5 của Samsung.
Galaxy Note 5 của Samsung.

Thứ tư, nhà sản xuất thiết bị ở các thị trường mới nổi đang ngày càng tùy biến Android một cách thái quá và bỏ qua các dịch vụ, ứng dụng của Google. Điều này có nghĩa là hãng chẳng thu được lợi nhuận nào từ nhà sản xuất (Google kiếm tiền từ các dịch vụ, ứng dụng của mình trên Android). Nếu Google tự tay sản xuất một smartphone giá rẻ cho các thị trường mới nổi, đó có thể là vũ khí để Google chống lại xu hướng này.

Cuối cùng, Google gần đây đang bị Liên minh châu Âu mở cuộc điều tra, xem xét liệu việc hãng yêu cầu các nhà sản xuất tích hợp hàng loạt ứng dụng của mình vào điện thoại Android có vi phạm quy định nào hay không. Nếu quyết định cuối cùng được đưa ra là có, đó sẽ là thảm họa cho Google. Và đó lại là một lý do nữa cho thấy Google nên kiểm soát toàn bộ Android thay vì lựa chọn chiến lược phát triển như hiện nay.

Google nuôi tham vọng kiểm soát Android

Với việc tạo ra chuẩn chung cho các con chip di động, Google sẽ bao trọn phần cứng và phần mềm của các thiết bị chạy Android trong tương lai.

http://ictnews.vn/the-gioi-so/di-dong/vi-sao-da-den-luc-google-tu-tay-san-xuat-phan-cung-132177.ict

Theo Minh Thống/Ictnews

Bạn có thể quan tâm