Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Akshan bị cấm ở Chung kết Thế giới LMHT?

Ngoài cơ chế hồi sinh đồng đội lập tức, Akshan còn sở hữu bộ chiêu thức được đánh giá gây mất cân bằng ở các giải Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) chuyên nghiệp.

Sau LCS (Giải LMHT Bắc Mỹ) và LEC (Giải LMHT châu Âu), Chung kết Thế giới 2021 là giải đấu lớn tiếp theo cấm sử dụng Akshan. "Akshan sẽ không xuất hiện tại Chung kết Thế giới 2021", Maximilian Peter Schmidt, trưởng bộ phận eSports mảng LMHT của Riot Games tại khu vực châu Âu, thông báo.

Trước đó, "Vệ binh ranh mãnh" là chủ đề gây tranh cãi khi xuất hiện trong bản cập nhật 11.15 của LMHT. Akshan mang đến thách thức lớn cho tựa game hơn 10 năm tuổi.

Tuong Akshan bi cam anh 1

Chung kết Thế giới 2021 là giải đấu lớn tiếp theo Akshan vắng mặt. Ảnh: Dot eSports.

Tướng "dị nhân" của LMHT

Nguyên nhân khiến Akshan được xem là tướng "dị nhân" của LMHT nằm ở "Len lén báo thù". Chiêu thức này có 2 tác dụng độc đáo, nhưng tạo nên sự khác biệt của Akshan.

Đầu tiên, Akshan có thể hồi sinh đồng đội vừa bị hạ gục ngay lập tức ở "Bệ đá cổ" (nhà chính, nơi người chơi hồi sinh sau khi bị hạ gục hoặc mua vật phẩm). Cụ thể, Akshan sẽ hồi sinh đồng đội khi kích hoạt chiêu thức này và báo thù thành công (tức giết kẻ vừa hạ gục đồng đội). Đáng chú ý, Akshan có thể hồi sinh đồng đội tương ứng với số lượng mà đối thủ vừa hạ gục.

Ngoài ra, chiêu thức này còn giúp Akshan ngụy trang (tàng hình), tăng tốc độ di chuyển và hồi năng lượng khi kích hoạt. "Len lén báo thù" giúp Akshan tối ưu hóa khả năng truy đuổi, hạ gục đối thủ và thoát đi một cách dễ dàng.

Akshan đón nhận những bình luận và đánh giá tiêu cực từ cộng đồng LMHT vì chiêu thức này. Phần lớn người chơi cho rằng nó gây mất cân bằng nghiêm trọng và khiến cục diện trận đấu thay đổi theo cách không đáng có.

Kỹ sư Riot Games thừa nhận cơ chế hồi sinh đồng đội của Akshan là "sự mạo hiểm" và "cần theo dõi sát sao". "Tôi biết cơ chế hồi sinh đồng đội của Akshan là kỹ năng quá mạnh. Chúng tôi quyết định mạo hiểm để những vị tướng có lối chơi cá nhân trở nên đồng đội hơn", Riot Jag, kỹ sư của Riot Games chia sẻ.

Tuong Akshan bi cam anh 2

Bộ chiêu thức cơ động và độc đáo khiến Akshan nhận không ít đánh giá tiêu cực. Ảnh: Riot Games.

Ngoài ra, những chiêu thức còn lại của Akshan được đánh giá cực kỳ cơ động và mang tính đột biến cao. Chiêu "Boomerang hàng hiệu" khi kích hoạt sẽ ném ra một boomerang gây 2 lần sát thương và có thể lan sang các đối thủ ở gần. "Những tướng có khả năng tàng hình sẽ mệt mỏi với Akshan", Nguyễn "Ren" Văn Trọng, HLV của Saigon Buffalo, nhận định.

Chiêu "Đu kiểu anh hùng" cho phép Akshan phóng dây móc vào địa hình nhất định để đu quanh nhằm truy bắt đối thủ, thay đổi vị trí trong giao tranh hoặc trốn chạy. Akshan có thể kích hoạt trở lại chiêu thức này ngay lập tức nếu hạ gục đối thủ.

Chiêu cuối "Phát bắn nhớ đời" cho phép Akshan cùng lúc chuyển động và bắn dồn dập lượng đạn lớn vào đối thủ. Ngoài ra, chiêu thức này gây sát thương theo lượng máu đã mất của mục tiêu.

Điều đáng sợ là Akshan có thể kết hợp chiêu "Đu kiểu anh hùng" và "Phát bắn nhớ đời" cùng lúc để hạ gục đối thủ dễ dàng.

Nguyên nhân bị cấm ở đấu trường chuyên nghiệp

"Những quyết định luôn được đưa ra khi phối hợp chặt chẽ với nhóm phát triển game. Nếu một tướng chỉ được sử dụng hạn chế vì bị cấm ở mọi đấu trường chuyên nghiệp, điều đó khiến việc mang đến sự cân bằng trở nên khó khăn", ông Schmidt nói thêm.

Riot Games vẫn luôn giữ nguyên tắc cấm sử dụng tướng mới trong các giải đấu chuyên nghiệp để tránh rủi ro mất cân bằng. Việc dành lượt cấm đầu tiên cho vị tướng khó đối phó như vậy, khiến các đội mất đi lợi thế trước đối thủ. "Điều này tạo ra viễn cảnh tồi tệ với các đội chuyên nghiệp, khi họ phải sử dụng lượt cấm đầu tiên chỉ để dành riêng cho một tướng", trang Dot eSports nhận định.

Tuong Akshan bi cam anh 3

Người hâm mộ LMHT phải đợi ít nhất tới 2022 mới có thể thấy Akshan xuất hiện ở các giải chuyên nghiệp. Ảnh: Best HD Wallpaper.

Dù sở hữu tỷ lệ thắng cực cấp kể thời điểm mới ra mắt, Akshan mang đến sự khó lường ở cấp độ chuyên nghiệp. Ở môi trường chuyên nghiệp, việc sử dụng hiệu quả bộ chiêu thức của Akshan là điều dễ dàng với các game thủ. "Một tướng có thể mất cân bằng ở đấu trường chuyên nghiệp, dù có tỷ lệ thắng rất thấp trong đấu xếp hạng", Dot eSports nói thêm.

Sở hữu Akshan giúp các đội chiếm lợi thế lớn trong giao tranh. Akshan khiến lối chơi và kế hoạch thi đấu của các đội bị đảo lộn nếu xuất hiện ở các giải đấu trong thời điểm này.

"Trong một pha giao tranh tổng, nếu Akshan có được nhiều mạng hạ gục khi đồng đội đã nằm xuống, thì lợi thế sẽ gấp đôi. Lúc này, đồng đội của Akshan có cơ hội được hồi sinh mà không cần phải chờ đợi thời gian quy định. Từ đó, họ có thể tạo lợi thế trước đối thủ. Nhất là càng về cuối trận, khi thời gian hồi sinh lâu hơn, thì lợi thế này là quá lớn", ông Hoàng Phúc Thông, cựu HLV và chủ sở hữu Percent Esports ​ở VCS mùa 2020, nhận định với Zing.

Riot Games cần thêm thời gian để cân bằng và chỉnh sửa Akshan. Năm 2022 sẽ là thời điểm thích hợp để Akshan xuất hiện ở các giải đấu chuyên nghiệp. Riot Games có thể đưa ra những điều chỉnh hợp lý và các đội chuyên nghiệp cũng thích nghi dần với cơ chế do Akshan mang đến.

Các giải LMHT lớn cấm Akshan vì cơ chế hồi sinh

Việc có thể hồi sinh đồng đội ngay lập tức là nguyên nhân khiến Akshan chưa được phép xuất hiện ở 2 giải Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) khu vực Bắc Mỹ và châu Âu.

Faker: 'Hy vọng biện pháp mới sẽ bảo vệ tôi và mọi người'

Thời gian qua, Lee "Faker" Sang-hyeok trở thành mục tiêu bị phá hoại trong thi đấu xếp hạng Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) ở máy chủ Hàn Quốc.

Faker mang LeBlanc trở lại đấu trường chuyên nghiệp

Sự cơ động và biến ảo của LeBlanc trong tay Lee "Faker" Sang-hyeok góp phần giúp T1 đánh bại Fredit BRION (BRO) 2-1 ở LCK (Giải Liên Minh Huyền Thoại Hàn Quốc) mùa hè 2021.

Huỳnh Khoa

Bạn có thể quan tâm