Vệ tinh thời tiết Yunhai 1-02 của Trung Quốc đã bất ngờ vỡ thành nhiều mảnh vào tháng 3. Phi đội Kiểm soát Không gian số 18 của Lực lượng Vũ trụ Mỹ đã ghi nhận 21 mảnh vỡ của vệ tinh này vào ngày 18/3, theo South China Morning Post.
Thời điểm đó, Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc không công bố lý do vệ tinh Yunhai 1-02 đột ngột vỡ hoàn toàn.
Tuy nhiên, ngày 15/8, nhà nghiên cứu Jonathan McDowell thuộc Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian cho rằng vệ tinh nói trên bị vỡ sau khi va chạm với mảnh vỡ từ một tên lửa của Nga.
Vệ tinh Yunhai 1-02 của Trung Quốc được đưa vào quỹ đạo từ bệ phóng Tửu Tuyền trên sa mạc Gobi vào tháng 9/2019. Ảnh: Xinhua. |
Ông McDowell phát hiện vụ va chạm sau khi nhìn thấy một ghi chú trên trang web Space-Track.org, nơi công bố dữ liệu quỹ đạo và được điều hành bởi Bộ chỉ huy thành phần vũ trụ liên hợp của Mỹ.
Ghi chú cho biết các mảnh vỡ được dán nhãn là "vật thể 48078" đã "va chạm với vệ tinh". Một mảnh vỡ của tên lửa Nga Zenit-2 được sử dụng để phóng vệ tinh giám sát đã được thêm vào danh mục vật thể của trang web vào tháng 3, khi Yunhai 1-02 bị vỡ.
Trong một bài đăng trên Twitter, ông McDowell cho biết vệ tinh Trung Quốc và vật thể 48078 đã bay qua nhau trong vòng 1 km - trong phạm vi sai số của hệ thống theo dõi - vào lúc 7h41 sáng theo Giờ Phối hợp Quốc tế (UTC) vào ngày 18/3.
"37 mảnh vỡ đã được ghi nhận kể từ sau khi vụ va chạm xảy ra, thực tế có thể còn nhiều mảnh vỡ chưa được phát hiện", ông McDowell viết trên Twitter. "Đây có vẻ là vụ chồng quỹ đạo lớn đầu tiên được ghi nhận trong một thập kỷ".
Một số nhà thiên văn cho biết họ đã phát hiện ra các tín hiệu từ Yunhai 1-02 kể từ khi quan sát thấy sự phá vỡ và hiệu chỉnh quỹ đạo. Tuy nhiên, khả năng hoạt động của vệ tinh vẫn chưa được xác định.
Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc và Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos chưa trả lời yêu cầu bình luận.