"Trung Quốc và Nga đã triển khai vệ tinh của họ áp sát vệ tinh của Nhật Bản", South China Morning Post hôm 22/7 dẫn lời một quan chức Nhật Bản cho biết.
Giới chức Nhật Bản lo ngại đây là cách Bắc Kinh và Moscow diễn tập các cuộc tấn công nhắm vào những hệ thống đóng vai trò thiết yếu trong năng lực quốc phòng và khả năng thu thập thông tin tình báo của Tokyo.
Quan chức Nhật Bản cũng cho biết hoạt động tương tự được Trung Quốc và Nga tiến hành nhắm vào các vệ tinh của Mỹ trên quỹ đạo. Hồi đầu năm nay, Mỹ đã phải phát tín hiệu cảnh báo sau khi vệ tinh Cosmos 2542 của Nga liên tục tiếp cận ở khoảng cách gần đối với vệ tinh thám sát của nước này.
Vệ tinh liên lạc Kirameki-2 của Nhật Bản được phóng lên quỹ đạo. Ảnh: AP. |
Nhà chức trách Mỹ tin rằng thiết bị của Nga đã ở đủ gần để chụp lại hình ảnh chi tiết về vệ tinh trinh sát. Hành động của Nga được cho là diễn tập cho một cuộc tấn công, sử dụng thiết bị nhỏ để tiêu diệt tàu vũ trụ lớn hơn.
Trong khi đó, Trung Quốc được cho là đã có bước tiến đáng kể trong phát triển vũ khí vũ trụ, trong đó có "sát thủ diệt vệ tinh", một loại tên lửa đất đối không hoặc không đối không có khả năng tiêu diệt các vệ tinh trên quỹ đạo.
"Nếu một vệ tinh vận hành bởi đối thủ áp sát vệ tinh Mỹ hay Nhật Bản, không gì có thể ngăn chúng chụp ảnh, đánh giá loại ăng ten và tần số liên lạc, quan sát các tấm pin Mặt Trời. Mục đích cuối cùng là nhằm giành quyền kiểm soát vệ tinh, khiến vệ tinh không hoạt động được, hoặc phá hủy nó. Một cách khác là phóng một vật nhỏ vào hệ thống điện khiến vệ tinh bị tê liệt", Lance Gatling, chuyên gia vũ trụ học từ Tokyo, nhận xét.
Thông tin tình báo về các vụ áp sát của Trung Quốc và Nga đối với vệ tinh Nhật Bản được cho là xuất phát từ Washington, bởi Tokyo hiện không có khả năng giám sát các hoạt động của hai quốc gia láng giềng ngoài khoảng không vũ trụ.
Lo ngại của Tokyo về mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga ngày càng gia tăng, đây là một trong những nguyên nhân khiến Nhật Bản tháng 5 vừa qua đã thành lập Đơn vị tác chiến không gian, thuộc Lực lượng Phòng không.
Đơn vị tác chiến không gian của Nhật đang phối hợp chặt chẽ với Lực lượng Không gian của Mỹ, trong bối cảnh Washington muốn tăng cường năng lực phòng thủ vũ trụ tập thể chống lại Trung Quốc và Nga. Nhật Bản được coi là một thành viên then chốt của liên minh này.