Theo khảo sát của Zing, giá vé khứ hồi trên trục TP.HCM - Hà Nội sau ngày 9/7 đã có dấu hiệu tăng. Với chuyến bay có ngày khởi hành là 9/7 và ngày trở lại là 12/7, giá vé rẻ nhất hiện ở mức 1,8 triệu đồng, hãng bay thực hiện là Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines và Pacific Airlines). Mức giá vé này đắt hơn khoảng 500.000 đồng so với dịp thấp điểm.
Với Vietjet Air, chuyến bay lúc 9h20 tối ngày 9/7 có giá vé lên đến 6,6 triệu đồng khứ hồi đã bao gồm thuế phí. Vietnam Airlines cũng chỉ còn 5 chuyến bay trong ngày 9/7 và giá vé đang tăng lên từng giờ, chuyến có giá vé đắt nhất là chuyến khởi hành lúc 3h chiều ngày 9/7.
Với đường bay TP.HCM đi các địa phương như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đà Lạt, Nha Trang và Buôn Ma Thuột, hiện các hãng bay không còn chuyến bay thẳng nào trong ngày 9/7.
Việc giới hạn 1.700 ghế/chiều/ngày trên trục TP.HCM - Hà Nội sau ngày 9/7 đã khiến giá vé sát giờ lên cao. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hành khách muốn di chuyển theo lịch bay trên sẽ phải bay một điểm dừng tại Hà Nội, kèm thời gian quá cảnh hàng chục giờ đồng hồ. Phải sang tới ngày 10/7 những đường bay này mới có chuyến bay thẳng từ TP.HCM với lượng vé đang bán hết nhanh kèm giá vé cao.
Giá vé tăng cao sau khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 là do Cục Hàng không đã yêu cầu từ 0h ngày 9/7, tần suất bay chặng Hà Nội - TP.HCM sẽ giảm xuống còn 1.700 ghế/chiều/ngày. Hạn mức ghế này được phân bổ cho từng hãng hàng không làm căn cứ mở bán vé.
Cụ thể, Vietnam Airlines được cung ứng tối đa 700 ghế/chiều/ngày. Vietjet Air và Bamboo Airways mỗi hãng được cung ứng tối đa 400 ghế. Pacific Airlines được cung ứng không quá 200 ghế. Riêng Vietravel Airlines không được phân bổ chuyến bay do hãng đang có chính sách hạn chế khai thác.
Đối với các chặng bay giữa TP.HCM và các địa phương còn lại, Cục Hàng không cho biết sẽ giữ nguyên tần suất khai thác giữa sân bay Tân Sơn Nhất với Phù Cát, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Cam Ranh và Đà Nẵng theo kế hoạch khai thác của các hãng.