Bay nối chuyến Thái Lan hay Malaysia thay vì bay thẳng chặng TP.HCM - Hà Nội để tiết kiệm đã không còn khả thi. Ảnh: Diệp Anh. |
Dù các hãng hàng không liên tục tăng tải cung ứng phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán 2025, giá vé máy bay nội địa vẫn đang neo cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Một số chặng bay thậm chí đã sớm "cháy vé" khiến nhiều người chuyển hướng sang đi tàu hoặc đi du lịch quốc tế.
Nối chuyến không còn tiết kiệm
Những năm trước, trong bối cảnh giá vé máy bay nội địa dịp Tết Nguyên đán tăng cao, nhiều người chọn lịch trình bay nối chuyến sang các quốc gia khác trong khu vực rồi bay vòng về Việt Nam để tiết kiệm. Tuy nhiên, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, phương án này đã không còn khả thi.
Theo khảo sát, giá vé máy bay chặng TP.HCM đến một số quốc gia trong khu vực giai đoạn Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ ngày 25/1/2025 (26 tháng Chạp) đến hết ngày 2/2/2025 (mùng 5 tháng Giêng) đều đã tăng cao so với ngày thường.
Cụ thể, chặng TP.HCM - Bangkok, giá vé rẻ nhất hiện cũng ở mức 4,8 triệu đồng/khứ hồi. Giá vé Bamboo Airways và Vietjet Air chặng này hiện ở mức 5,9-6,7 triệu đồng/khứ hồi, trong khi vé của Vietravel Airlines và Vietnam Airlines có giá lên tới 8,7-9,2 triệu đồng.
Nếu muốn đi du lịch Singapore từ TP.HCM trong dịp Tết Nguyên đán 2025, du khách phải chi ra ít nhất 4,3-4,5 triệu đồng cho vé máy bay của hãng Vietjet Air và Scoot. Nếu bay với Vietnam Airlines hay Singapore Airlines, giá vé chặng này lên đến 8,1-9,7 triệu đồng.
Tương tự, chặng TP.HCM đi Kuala Lumpur, giá vé rẻ nhất hiện cũng ở mức 4,1 triệu đồng của Air Asia. Nếu bay với Malaysia Airlines, giá vé lên đến 7,1 triệu đồng, còn Vietnam Airlines là 8 triệu đồng. Mức giá các chặng đều đắt hơn ngày thường khoảng 20% dù đặt trước 1,5 tháng.
Trong bối cảnh giá vé máy bay các chặng từ TP.HCM đi các nước khác trong khu vực Đông Nam Á tăng cao, phương án bay nối chuyến TP.HCM - Bangkok/Kuala Lumpur - Hà Nội đã không còn tiết kiệm như các năm trước.
Đơn cử, nếu bay thẳng TP.HCM - Hà Nội ngày 25/1 (26 tháng Chạp), giá vé hiện vào khoảng 3,6 triệu đồng/chiều của tất cả hãng bay. Trong khi đó, nếu bay chặng TP.HCM - Bangkok cũng trong ngày này, hành khách phải trả ít nhất 2,4 triệu đồng sau đó trả thêm 1,4 triệu đồng cho chặng Bangkok - Hà Nội vào ngày 26/1. Như vậy, tổng chi phí cho việc bay đường vòng là 3,8 triệu đồng.
Tương tự, nếu bay 2 chặng TP.HCM - Kuala Lumpur - Hà Nội, giá vé tổng cộng ở mức 4,3 triệu đồng, cao hơn hẳn việc bay thẳng TP.HCM - Hà Nội.
Thành Phương (28 tuổi, TP Thủ Đức) cho biết việc bay nối chuyến thực tế rất tốn thời gian xuất, nhập cảnh và dễ gây mệt mỏi vì thời gian bay kéo dài.
"Một số bạn dư dả thời gian có thể kết hợp du lịch rồi về quê ăn Tết. Riêng tôi, tôi thấy việc bay từ TP.HCM sang Thái Lan rồi về lại Hà Nội rất tốn công sức, thời gian. Cuối năm tôi chỉ muốn nhanh chóng về với gia đình", Thành Phương nói thêm.
Trước đó, khảo sát của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy giá vé Tết các đường bay nội địa đã tăng khoảng 20% so với ngày thường.
Như các năm, nhu cầu đi lại trên các đường bay từ khu vực phía Nam, đặc biệt là TP.HCM đi Hà Nội và các tỉnh miền Trung, miền Bắc như Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên hay khu vực Tây Nguyên tăng đột biến giai đoạn trước Tết và ở chiều ngược lại giai đoạn sau Tết Nguyên đán.
Di chuyển bằng tàu tiết kiệm hơn
Khi vé máy bay đắt đỏ, nhiều người cũng chuyển sang phương án đi tàu để tiết kiệm chi phí. Chị Thùy An (quận Phú Nhuận) cho biết từ TP.HCM về Huế, gia đình chị tiết kiệm được khoảng 65% chi phí khi đi tàu so với việc đi máy bay.
Cụ thể, giá vé tàu khứ hồi chặng TP.HCM - Huế hiện vào khoảng 1,7 triệu đồng trong khi đi máy bay là 4,8 triệu đồng.
Tương tự, trong khi giá vé máy bay chặng TP.HCM - Hà Nội dịp Tết có giá 3,6-3,8 triệu đồng/chiều. Giá vé tàu chặng ga Sài Gòn - Hà Nội cùng thời điểm vào khoảng 2,2 triệu đồng, cũng rẻ hơn khoảng 40%.
Tuy vậy, nhiều người dùng cho biết việc di chuyển bằng tàu hỏa dịp Tết chỉ rẻ hơn nếu chọn loại ghế ngồi. Trường hợp chọn giường nằm khoang 4 người, có điều hòa, giá vé tàu dịp Tết cũng đắt đỏ ngang vé máy bay.
Theo đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt (VRT), sau 2 tháng mở bán vé tàu Tết, đến nay ngành đường sắt đã bán trên 137.000 vé.
VRT cho biết tốc độ bán vé tàu năm nay khá nhanh và sản lượng vé bán hiện nay tăng 23% và doanh thu tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều chuyến tàu đi các ngày từ 22/1 (23 tháng Chạp) đến 26/1/2025 (27 tháng Chạp) đã hết vé chiều từ Nam ra Bắc.
Vé tàu Tết vẫn còn tương đối dồi dào. Ảnh: VRT. |
Thời điểm trước Tết (từ ngày 21/1 trở về trước và ngày 27, 28/1/2025) còn vé đi tất cả các ga. Các ngày từ 22/1 đến 26/1/2025 còn nhiều vé đến ga Phan Thiết, Nha Trang.
Thời điểm sau Tết (từ ngày 29/1 đến ngày 16/2/2025) còn nhiều vé đi tất cả các ngày, các ga.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân về quê đón Tết Ất Tỵ 2025, ngành đường sắt đã tăng cường chạy thêm 11 chuyến tàu với 5.000 chỗ ngồi, từ TP.HCM đến Quảng Ngãi, Hà Nội và ngược lại.
Đồng thời, ngành đường sắt mở bán vé tàu khu đoạn cho tuyến Hà Nội - Vinh (tàu NA1/NA2) từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 16/2/2025. Tuyến Hà Nội - Lào Cai (đôi tàu SP3/SP4 và SP7/SP8) từ ngày 1/1 đến hết ngày 28/2/2025.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.