Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Về bản chất, Việt Nam và Mỹ đã là đối tác chiến lược'

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Việt (Học viện Ngoại giao) bày tỏ sự lạc quan về tương lai quan hệ Việt - Mỹ vì “hiếm có lĩnh vực nào mà hai bên không thể đối thoại với nhau”.

tuong lai quan he Viet - My anh 1

Trong buổi thảo luận trực tuyến chủ đề "Tương lai quan hệ đối tác Việt - Mỹ” do Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS, Mỹ) tổ chức tối 29/4, các diễn giả nhất trí rằng hai nước cần tiếp tục xây dựng niềm tin hơn nữa, để tiến tới hợp tác toàn diện hơn trên nhiều lĩnh vực như an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng, và chống Covid-19.

Buổi thảo luận diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách khôi phục sự hợp tác với cộng đồng quốc tế, để thúc đẩy hành động toàn cầu trước những thách thức chung.

Niềm tin lớn giữa hai nước

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Việt (Trưởng khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao, Học viện Ngoại giao) nhận xét Việt Nam và Mỹ đã trải qua chặng đường rất dài xây dựng niềm tin để đạt đến mối quan hệ toàn diện như ngày nay.

“Có nhiều bằng chứng mới cho thấy giữa hai nước đã xây dựng được niềm tin rất lớn vào nhau”, Tiến sĩ Việt nói.

Về chính trị, trong những năm qua, số cuộc gặp cấp cao giữa Việt Nam và Mỹ nhiều hơn bao giờ hết.

tuong lai quan he Viet - My anh 2

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Việt, Trưởng khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao, Học viện Ngoại giao. Ảnh: HCMA.

Về kinh tế, Việt Nam mới đây được Mỹ đưa ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ.

“Động thái này không chỉ là do mức độ tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước, mà còn vì Việt Nam đã có thái độ nghiêm túc trước những yêu cầu của Mỹ”, ông Việt nhận định.

“Cả hai quốc gia đều hướng tới trật tự hàng hải dựa trên luật lệ”, Tiến sĩ Việt nhận định.

Theo ông, chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn sẽ theo đuổi chiến lược hiện diện chủ động tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là điều cần thiết cho hòa bình, ổn định, hợp tác, và thịnh vượng trong khu vực.

“Để củng cố thêm niềm tin, hai nước nên tiếp tục thúc đẩy giao tiếp song phương”, Tiến sĩ Việt nhận xét. Việt Nam và Mỹ cần tận dụng cơ chế đối thoại sẵn có và có thể thiết lập những cơ chế mới. Ông Việt cho rằng trước mắt hai nước đã làm rất tốt mặt này, với nhiều cuộc gọi và liên lạc gần đây.

“Tôi rất lạc quan về tương lai quan hệ Việt - Mỹ”, Tiến sĩ Việt kết luận.

Trong bối cảnh đó, bà Trần T. Bích - nghiên cứu viên tại Viện Verve (Australia) - nói dù đến nay hai nước chưa chính thức xác lập quan hệ đối tác chiến lược về tên gọi, giữa hai bên trên thực tế đã tồn tại quan hệ này.

“Một số chuyên gia, bao gồm Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc, cho rằng quan hệ Việt Nam và Mỹ về bản chất đã mang tính đối tác chiến lược. Một số quan chức Mỹ cũng nhận định không có sự khác biệt giữa hai cách gọi tên mối quan hệ”, theo bà Bích.

tuong lai quan he Viet - My anh 3

Ông Edgard Kagan, Giám đốc cấp cao khu vực Đông Á và Châu Đại Dương, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. Ảnh: ĐSQ Mỹ ở Ấn Độ.

Từ góc nhìn ở Washington, ông Edgard Kagan, Giám đốc cấp cao khu vực Đông Á và Châu Đại Dương, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói quan hệ Việt - Mỹ trong hơn 25 năm qua đã có những bước tiến "phi thường".

Ông Kagan nói trong giai đoạn tới, Mỹ muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng xanh. “Đây đều là những điều chúng tôi tin rằng có thể giúp hai nước làm việc sâu sát với nhau”, ông Kagan nói.

“Chúng tôi rất vui mừng khi Việt Nam nhận lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh vể khí hậu vào tuần trước”, ông Kagan đánh giá.

Theo ông Kagan, hành động này thể hiện Việt Nam nhận thức được vấn đề biến đổi khí hậu không chỉ quan trọng với mình mà còn với khu vực và thế giới.

“Điều đó cũng đặt ra nền tảng để Việt Nam củng cố quan hệ hợp tác với những đối tác then chốt, bao gồm Mỹ”, ông Kagan nói.

tuong lai quan he Viet - My anh 4

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) của Hải quân Mỹ sáng 5/3/2020 vào vùng biển Đà Nẵng, trong chuyến thăm thứ hai của tàu sân bay Mỹ sau chiến tranh. Ảnh: Thuận Thắng.

Đẩy mạnh hợp tác an ninh

Theo bà Trần T. Bích, “hợp tác an ninh quốc phòng là lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam”.

Bà Bích chỉ ra rằng trong tuyên bố chung giữa Việt Nam và Mỹ vào năm 2013, vấn đề quốc phòng và an ninh chỉ được xếp ở vị trí thứ 7 trong danh sách các lĩnh vực cần được tập trung quan tâm.

Nhưng trong tuyên bố chung giữa hai nước vào năm 2017, vấn đề này được đẩy lên vị trí thứ 3. “Lần đầu tiên hai nước đặt ra vấn đề hợp tác an ninh và tình báo ở cấp độ cao nhất”, bà Bích nói.

Trước đó, năm 2016, Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Tuy đến nay hai bên chưa có hợp đồng mua bán vũ khí lớn. Đây cũng có thể là cơ hội hợp tác giữa hai nước.

Cũng về vấn đề này, ông Kagan cho rằng Mỹ đặc biệt quan tâm củng cố quan hệ giữa lực lượng tuần duyên hai nước, "bởi tầm quan trọng của việc đối phó tội phạm xuyên quốc gia cùng hoạt động đánh bắt cá trái phép”.

Năm 2019, Việt Nam công bố Sách Trắng Quốc phòng, trong đó khẳng định tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

“Điều này sẽ mở lối cho Việt Nam làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác quốc phòng với các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, và Ấn Độ trong tương lai”, bà Bích kết luận. “Hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển”.

tuong lai quan he Viet - My anh 5

Các diễn giả trao đổi trong buổi thảo luận tương lai quan hệ đối tác Việt - Mỹ vào đêm 29/4 do CSIS, Mỹ tổ chức.

Quan điểm về “Bộ Tứ”

Một vấn đề khác được quan tâm trong buổi thảo luận trực tuyến là quan điểm của Việt Nam đối với “Bộ Tứ” - nhóm hợp tác không chính thức bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, và Australia. Các nhà lãnh đạo Bộ Tứ cam kết hoạt động vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm, theo tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Ấn Độ đăng tải.

tuong lai quan he Viet - My anh 6

Trần T. Bích, nghiên cứu viên tại Viện Verve. Ảnh: Verve Research.

Theo bà Bích, “Việt Nam có cái nhìn tích cực với Bộ Tứ vì nhóm này ủng hộ quyền tự do hàng hải trên biển Đông”.

Theo bà Bích, trên phương diện hợp tác về kinh tế, đặc biệt là về đa dạng hóa nguồn cung ứng, Việt Nam có thể sẽ muốn làm việc cùng Bộ Tứ.

Cũng về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Tuấn Việt cho rằng nhóm Bộ Tứ sẽ được các quốc gia trong khu vực hoan nghênh chừng nào nhóm này còn đóng góp cho an ninh và hợp tác khu vực.

“Hợp tác trong Bộ Tứ không đơn thuần chỉ về an ninh”, tiến sĩ Việt nhấn mạnh. Hoạt động sản xuất vaccine chống Covid-19 hiện trở thành một phần trong cuộc đối thoại giữa các thành viên trong nhóm Bộ Tứ và Bộ Tứ mở rộng.

Tiến sĩ Việt chỉ ra rằng Mỹ đồng ý sử dụng kênh Bộ Tứ để hỗ trợ tài chính cho Ấn Độ nhằm giúp nước này đối phó đại dịch.

“Đây có thể là một lĩnh vực hợp tác mới giữa Mỹ và Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng tham gia sản xuất vaccine”, ông Việt nói.

Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào Mỹ

Đại sứ Hà Kim Ngọc tin rằng Mỹ sẽ đạt được nhiều lợi ích nếu tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cam kết đẩy mạnh nhập khẩu từ Mỹ và khuyến khích đầu tư vào đây.

Quốc Đạt - Tuấn Đạt

Bạn có thể quan tâm