Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào Mỹ

Đại sứ Hà Kim Ngọc tin rằng Mỹ sẽ đạt được nhiều lợi ích nếu tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cam kết đẩy mạnh nhập khẩu từ Mỹ và khuyến khích đầu tư vào đây.

Quan he Viet - My anh 1

Trong buổi thảo luận trực tuyến chủ đề "Tương lai quan hệ đối tác Việt - Mỹ do Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS, Mỹ) tổ chức đêm 27/4, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc, cùng các chuyên gia Mỹ và Việt Nam, nêu bật vấn đề hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Các diễn giả đồng tình rằng trao đổi kinh tế sâu hơn, chiến lược kinh tế 4.0, và phát triển năng lượng sạch để tiến tới phát triển bền vững là những vấn đề nổi bật trong hợp tác Việt - Mỹ thời gian tới.

Buổi thảo luận diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tích cực triển khai chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và tự do". Thông qua việc tăng cường mối liên kết giữa các đồng minh và các đối tác cùng chí hướng, Mỹ đang nỗ lực xây dựng trật tự khu vực dựa trên luật lệ và khôi phục vị thế dẫn đầu.

Việt Nam cam kết và sẵn sàng đầu tư nhiều hơn vào Mỹ

Trong buổi thảo luận, Đại sứ Hà Kim Ngọc hy vọng Mỹ tái cam kết hội nhập kinh tế khu vực, bao gồm cả việc tham gia các hiệp định thương mại khu vực. Ông cho biết: “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy sự gia tăng mạnh mẽ của đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam trong những năm tới”.

Theo Đại sứ Ngọc, các công ty Mỹ đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực sản xuất xuất khẩu, sẽ có nhiều lợi thế. Việt Nam giờ đây là một thị trường tiêu thụ rộng lớn với quy mô 100 triệu dân, hơn nữa tầng lớp trung lưu trong xã hội cũng đang phát triển nhanh chóng.

Bên cạnh đó, Việt Nam có lực lượng lao động “trẻ, tài năng và được đào tạo bài bản”.

Mặt khác, Chính phủ Việt Nam cũng dành ưu đãi cho các nhà đầu tư Mỹ, nhất là trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, ông cho biết.

Quan he Viet - My anh 2

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc. Ảnh: TTXVN.

Ông khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng làm việc với Mỹ để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư ở khu vực ASEAN, đồng thời đảm bảo chuỗi cung ứng bền vững ở Châu Á - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng chung của tất cả các quốc gia”.

Ngoài ra, khi được đặt câu hỏi liên quan đến thâm hụt của Mỹ trong quan hệ thương mại song phương, Đại sứ Hà Kim Ngọc khẳng định: “Hai bên đã làm việc chặt chẽ để giải quyết vấn đề trên”.

Về phần mình, Việt Nam cam kết nhập hàng từ Mỹ nhiều hơn và khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Mỹ. Ông cho biết trên thực tế, lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp xuất khẩu từ Mỹ sang Việt Nam đang tăng mạnh.

Theo Đại sứ, An Phát Holdings đã xây dựng nhà máy và tạo ra hàng trăm việc làm tại Mỹ, với tổng vốn đầu tư vào khoảng 200 triệu USD. Trong tương lai, đơn vị này hy vọng có thể mở rộng hoạt động sản xuất tại Mỹ.

Bên cạnh đó, một tập đoàn khác của Việt Nam là VinGroup cũng sẵn sàng đầu tư hàng trăm triệu USD để sản xuất ôtô điện tại Mỹ, theo Đại sứ Hà Kim Ngọc.

Đại sứ Ngọc tin tưởng sự hợp tác song phương sẽ giúp mang lại lợi ích cho cả Mỹ và Việt Nam. Dù vậy, trong bối cảnh Covid-19, ông cho rằng vấn đề trên không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Theo ông, điều quan trọng chính là nhấn mạnh sự hợp tác giữa hai bên để cố gắng cân bằng khối lượng thương mại đó.

“Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển game và ứng dụng”

Cựu Đại sứ Mỹ ở Việt Nam Ted Osius nói rằng Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển rất nhanh. Quy mô của tầng lớp trung lưu đang ngày càng lớn, chiếm 13% dân số, và dự kiến đạt 26% vào năm 2026.

Ông Osius đặc biệt lưu tâm việc Chính phủ Việt Nam "thông qua và thi hành một chiến lược kinh tế kỹ thuật số hiệu quả".

Quan he Viet - My anh 3

Cựu Đại sứ Mỹ ở Việt Nam Ted Osius. Ảnh: New York Times.

Trọng tâm của chiến lược này là nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, tăng cường đầu tư vào ngành dịch vụ, và lấy cách mạng công nghiệp 4.0 làm ưu tiên để thực hiện mục tiêu giúp nền kinh tế kỹ thuật số đóng góp 30% GDP của cả nước vào trước năm 2030.

Để phát triển nền kinh tế 4.0, cựu Đại sứ Osius ghi nhận chính phủ nhiệm kỳ trước của Việt Nam đã ban hành chỉ thị nhằm thực hiện hai mục tiêu. Một là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Hai là, cải thiện nhận thức về kỹ thuật số cho bộ máy quan chức.

Ông Osius cho rằng Việt Nam đã thực hiện rất tốt hai mục tiêu này. "Việt Nam hiện có hơn 56 triệu điện thoại thông minh và hơn 80% dân số trên 15 tuổi có thể truy cập dữ liệu giá rẻ. Mạng dữ liệu di động 5G cũng sẽ sớm được ra mắt. WiFi miễn phí", cựu đại sứ dẫn chứng.

"Ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam hiện có giá trị khoảng 5 tỷ USD. Gần 400.000 nhà phát triển đang có mặt tại đất nước, chiếm 57% số người làm việc trong ngành công nghệ thông tin".

Ông Osius cũng đánh giá cao sự năng động của lao động Việt Nam trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khối này cũng có khả năng phát triển các chiến lược kỹ thuật số của riêng mình.

Nêu ra những số liệu như trên, ông Osius cho rằng Việt Nam đã có thành công bước đầu trong thời đại kỹ thuật số. Ông gợi ý ở bước tiếp theo, Việt Nam nên xem xét hỗ trợ nhiều hơn cho phát triển ứng dụng và trò chơi trực tuyến.

“Việt Nam rõ ràng có tiềm năng rất lớn để phát triển vượt bậc trong lĩnh vực này, mà đây lại là một lĩnh vực có thể mang lại lợi nhuận lớn”, ông nói.

Năng lượng sạch là điểm tích cực trong hợp tác Việt - Mỹ

Để phát triển kinh tế bền vững, vấn đề môi trường và năng lượng tái tạo cũng được các diễn giả nhấn mạnh.

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng hợp tác về năng lượng tái tạo sẽ là một điểm tích cực trong quan hệ Việt - Mỹ, nhất là dưới sự lãnh đạo của hai chính phủ mới.

Theo ông Thành, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chủ động quay trở lại vấn đề phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, và năng lượng tái tạo. Trong khi đó, chính phủ Việt Nam cũng dần nhận ra áp lực ngày càng lớn trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu và theo đuổi chiến thuật năng lượng bền vững.

Quan he Viet - My anh 4

Ông Nguyễn Xuân Thành. Ảnh: ĐH Fulbright Việt Nam.

“Trong bối cảnh trên, nhiều dự án năng lượng tái tạo, bền vững sẽ được đưa vào trong quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Điều này sẽ có thể giúp nhiều dự án về cơ sở hạ tầng điện khí hóa lỏng (LNG), điện mặt trời, và điện gió trở thành hiện thực”, ông Thành nhận định.

Theo Thạc sĩ Thành, tin tốt đối với Việt Nam là tân Thủ tướng Phạm Minh Chính được cho là “con người của cơ sở hạ tầng”. Khi còn là bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, Thủ tướng đã tích cực thực hiện kế hoạch phát triển năng lượng địa phương.

“Vì thế, ông Chính được mong đợi là sẽ quyết đoán hơn trong việc phê duyệt dự thảo quy hoạch phát triển điện năng và các sáng kiến năng lượng khác”, Thạc sĩ Thành nói.

Trả lời câu hỏi Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy hợp tác năng lượng giữa hai nước, Thạc sĩ Thành tán thành ý kiến cần hạn chế điện than, ưu tiên năng lượng tái tạo và nhà máy điện khí. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc có thể tăng tiền điện trong nước.

Theo cựu Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Mary Tarnowka, hiện là giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), thách thức cũng chính là cơ hội trong quan hệ Việt - Mỹ.

“Vấn đề thiếu hụt năng lượng của Việt Nam cũng là cơ hội hợp tác cho hai bên. Các công ty Mỹ rất muốn được xây dựng mạng lưới năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, dù là LNG hay năng lượng tái tạo”, bà Tarnowka cho hay.

Người gốc Á ở Mỹ không thể mãi cúi đầu

Một số người gốc Việt tin rằng cộng đồng gốc Á ở Mỹ cần lên tiếng, đấu tranh nhiều hơn để nâng cao nhận thức về vấn nạn kỳ thị và các tội ác vì thù hận nhắm vào mình.

Chuyên gia quốc tế đánh giá về tân đại sứ Mỹ ở Việt Nam

Ông Marc Knapper, người được Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ kế tiếp ở Việt Nam, được cho là sẽ có nhiều thuận lợi khi nhận nhiệm vụ dựa vào bề dày kinh nghiệm của ông.

Hồng Ngọc - Phạm Ân - Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm