Ở giai đoạn 1, dự án vành đai 3 TP.HCM sẽ được xây dựng 6 nút giao lớn, 4 vị trí kết nối ra, vào đường cao tốc. Trong số 6 nút giao, 4 nút được xây mới là Bến Lức - Long Thành; Tân Vạn; Bình Chuẩn; Tỉnh lộ 10 và 2 nút bổ sung hạng mục là nút cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Nội dung này được ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM thông tin tại cuộc họp với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố chiều 17/5.
Cũng trong phương án thiết kế, dự án có 12,75 km đường vành đai 3 đi trên cao qua TP Thủ Đức (TP.HCM); cầu vượt ngang, cầu vượt trên đường cao tốc, hầm chui tại khu vực giao cắt với đường hiện hữu, đảm bảo giao thông cho các tuyến đường này.
6 nút liên thông hoàn chỉnh. Ảnh: TCIP. |
Viện trưởng Viện Kinh tế Phát triển TP.HCM Trần Hoàng Ngân cho biết về mặt thủ tục, công tác chuẩn bị của thành phố đã hoàn thành và đến nay "đã có thể yên tâm".
Luật sư Trương Trọng Nghĩa góp ý ở lần trình Quốc hội kỳ họp tới, TP.HCM cần nhấn mạnh vai trò của dự án để thấy vành đai 3 tạo ra động lực cho toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chứ không riêng TP.HCM.
Về việc tận dụng quỹ đất hai bên đường vành đai 3 để tạo ra nguồn vốn, đại biểu Nghĩa cho rằng hai bên đường cao tốc phải là hàng rào và không có chuyện tận dụng quỹ đất. Muốn tạo quỹ đất, ông gợi mở hướng trổ những đường nhánh phía trong, xây dựng các khu đô thị mới, nhà cửa ở trong những nhánh đó.
"Không để mạnh nhà nào nhà đó khai thác, buôn bán hai bên lộ giới như quốc lộ 22, biến cao tốc trở thành đường cản trở giao thông chứ không còn là cao tốc", luật sư Nghĩa góp ý.
Đường vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km (đoạn qua TP.HCM 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km; Long An 6,81 km). Điểm đầu của dự án là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) và điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Bản đồ tổng thể các nút giao ra vào cao tốc tại dự án vành đai 3. Ảnh: TCIP. |
Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Trong số này, hơn 41.500 tỷ chi cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và gần 26.000 tỷ cho cho xây dựng và thiết bị.
Vành đai 3 là đường liên vùng và điểm đầu của tuyến cao tốc hướng tâm như TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; TP.HCM - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành...
Việc khép kín vành đai 3 góp phần hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực.
Khi tuyến đường được đưa vào khai thác, phương tiện vận tải liên tỉnh không cần đi qua trung tâm thành phố, khu vực đông dân cư; tiết kiệm được thời gian hành trình, chi phí, tạo thêm hướng kết nối giữa TP.HCM với sân bay Long Thành ngoài cao tốc TP.HCM - Long Thành.
Ông Lương Minh Phúc cho biết về tiến độ, từ nay đến cuối năm, TP.HCM và các địa phương hoàn thiện báo cáo khả thi, dự kiến đầu năm 2023, dự án thông qua phê duyệt khả thi, cuối năm 2023 sẽ khởi công. Cuối năm 2025, đầu năm 2026, TP.HCM thông xe toàn trục lõi trung tâm tuyến đường.
Bình luận