Đi kèm với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường vành đai 3 TP.HCM gửi tới Quốc hội, Chính phủ đưa ra nhiều đề xuất về cơ chế đặc thù nhằm triển khai dự án một cách nhanh chóng, thuận lợi.
Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng tuyến đường vành đai liên vùng khu vực kinh tế trọng điểm vùng TP.HCM cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.
Chia thành 8 dự án thành phần, do địa phương quyết định đầu tư
Với tính chất là các dự án quan trọng quốc gia, để bảo đảm tiến độ đầu tư, Chính phủ đề xuất áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong triển khai đầu tư đường vành đai 3 TP.HCM.
Về nguồn vốn đầu tư, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021-2025), điều chuyển số vốn hơn 17.000 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ GTVT về các địa phương; sử dụng linh hoạt vốn ngân sách Trung ương và địa phương để thực hiện dự án.
Dự án đường vành đai 3 TP.HCM phần lớn chưa hoàn thành. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Để thuận lợi trong triển khai đầu tư, Chính phủ đề xuất chia dự án thành 8 dự án thành phần và do các địa phương quyết định đầu tư. UBND TP.HCM là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ.
Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao Thủ tướng xem xét chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án thành phần trong trường hợp điều chỉnh không làm vượt tổng mức đầu tư dự án đã được Quốc hội thông qua.
Chính phủ đề nghị cho phép Thủ tướng xem xét, quyết định việc chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của dự án thành phần.
Hơn 640 ha đất của 4 tỉnh, thành được dùng để xây đường vành đai
Đường vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km (TP.HCM 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km; Long An 6,81 km).
Điểm đầu của dự án là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Đường vành đai 3 TP.HCM được kỳ vọng hạn chế tình trạng ách tắc giao thông thành phố, giảm áp lực cho giao thông nội đô cũng như các tuyến đường hiện hữu. Ảnh: Lê Quân. |
Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, trong đó có hơn 41.500 tỷ chi cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và gần 26.000 tỷ cho cho xây dựng và thiết bị.
Các địa phương nơi dự án đi qua có trách nhiệm tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Khi dự án này được đầu tư, tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng hơn 640 ha, trong đó diện tích đất chiếm dụng ở TP.HCM lớn nhất với hơn 408 ha. Thành phố đang làm thủ tục báo cáo, trình HĐND chấp thuận chủ trương chuyển đổi gần 17 ha diện tích đất rừng để thực hiện dự án.
Theo tiến độ dự kiến, công tác chuẩn bị dự án được thực hiện trong giai đoạn 2022-2023; triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ quý III/2022, hoàn thành vào quý II/2024.
Việc xây dựng hệ thống đường cao tốc và đường song hành thực hiện từ năm 2023 đến 2026 (khởi công quý IV/2023, hoàn thành cơ bản tuyến cao tốc năm 2025, hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026). Dự án sẽ được quyết toán vào năm 2027.
Dự án đường vành đai 3 TP.HCM được kỳ vọng góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, không chỉ của TP.HCM mà còn của tỉnh, thành liên quan trong vùng và cả nước.
Đường vành đai 3 TP.HCM cũng được kỳ vọng giúp tăng khả năng kết nối giao thông với các tuyến đường bộ hướng tâm, giữa các địa phương của vùng TP.HCM, góp phần mở rộng không gian phát triển mới; đồng thời, giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô, hạn chế tình trạng ách tắc giao thông thành phố, khu vực và áp lực cho giao thông nội đô cũng như những tuyến đường hiện hữu.