Trước khi khi hội quân với toàn đội Seoul E-Land tại trại tập huấn tại Thái Lan, tôi đã dành thời gian để nghiên cứu về đội bóng. Tại đây mỗi năm, một đội bóng thường thay đổi lực lượng rất nhiều. Nên không thể nào nói trước được sẽ nhận ra ai quen không. Như năm nay, Seoul thay hơn chục cầu thủ và coi như đã trở thành một đội bóng mới. Đây gần như là một tập thể mới kết hợp với nhiều các cầu thủ trẻ lên đội một.
Tôi luôn nói mình gặp rất nhiều thuận lợi trong lần xuất ngoại này. Khi mới gặp các đồng đội, họ chủ động làm quen và tiết lộ đã biết tôi từ trước. Nhiều người trong số họ từng sang Việt Nam tham dự giải U21 Báo Thanh niên tại TP HCM hoặc cùng từng là thành phần của đội Ulsan Hyundai giao hữu với U23 Việt Nam. Chính vì vậy, quá trình hoà nhập của tôi bỗng trở nên dễ dàng hơn cả.
Văn Toàn hòa nhập nhanh bất ngờ tại Hàn Quốc. Ảnh: DJ. |
Liệu mình có bắt kịp nổi không?
Đây là nhật kí do Văn Toàn viết ra và chia sẻ với DJ Management, công ty quản lý của tiền đạo này và Tri thực trực tuyến là đơn vị độc quyền đăng tải.
Những ngày đầu tập cùng đội, tôi được cho nhiều thời gian quan sát và dần bắt nhịp với toàn đội. Nhìn họ tập, tôi thực sự rất choáng trước cường độ của các cầu thủ Hàn Quốc. Liệu mình có bắt kịp nổi không đây? Câu hỏi đó cứ hiện đi hiện lại trong đầu tôi.
Nhưng tôi là một người hiếu thắng. Dù không hề thể hiện điều đó ra ngoài nhiều, tôi thực sự luôn muốn so tài với bất kỳ ai. Nếu thấy chỉ số bản thân kém xa đồng đội trong buổi tập, tôi sẽ rất khó chịu. Tính cách này càng khiến tôi muốn khẳng định mình với đồng đội mới.
Và thành quả đúng như mong đợi, các chỉ số của tôi không hề thua kém đồng đội tại Seoul E-Land sau những buổi tập đầu tiên. HLV Park Choong-kyun đã giúp tôi rất nhiều. Sự am hiểu về phong cách thi đấu của tôi và những lời động viên của ông ấy đã giúp tôi hoà nhập vào được lối chơi Seoul E-Land.
Trước khi quyết định xuất ngoại, tôi hiểu cầu thủ cần vượt qua được thử thách ngôn ngữ và phải giao tiếp được với các đồng đội nếu muốn tồn tại trong môi trường bóng đá đỉnh cao. Dù quan tâm đến văn hoá Hàn Quốc từ lâu, tôi quả thật không hề có dự tính học tiếng Hàn để chuẩn bị cho tương lai thi đấu tại đây. Chỉ khi cơ hội chơi bóng tại K1 League trở nên rõ ràng, tôi mới bắt đầu chuẩn bị và chú tâm học ngôn ngữ mới.
Trong quá trình học, tôi không quá đặt nặng vấn đề phải học bằng được, phải biết càng sớm càng tốt. Tôi muốn được học với tâm trạng vui vẻ, hiểu đủ để giao tiếp khi chuyển đến Hàn Quốc thi đấu. Ngôn ngữ thật ra cũng không phải điều tôi lo lắng vì tôi cũng khá tự tin với vốn tiếng Anh.
Thường một tuần, tôi học hai buổi với cô giáo dạy kèm qua online. Mỗi lần học hơn một tiếng. Tôi phải cảm ơn sự giúp đỡ của chú Khoa (trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang-seo ở đội tuyển Việt Nam) đã giúp tôi có thể thích nghi với tiếng Hàn.
Ban đầu, tôi lo lắng với suy nghĩ rằng tiếng Hàn rất khó. Nhưng khi đã bắt đầu học, tôi nhìn nhận nó như một việc bình thường, để dễ dàng tiếp thu hơn. Tôi vừa học, vừa tự lắng nghe mọi người (các trợ lý và HLV Park Hang-seo), khiến quá trình học tiếng Hàn dễ hơn và nhanh hơn.
Trong thời gian làm việc với các thầy, HLV ở cả tuyển Việt Nam cũng như tại HAGL, tôi cũng đã học hỏi được nhiều về lối sống của người Hàn Quốc. Tôi may mắn khi mình có những người bạn (Xuân Trường, Công Phượng - PV) từng sang thi đấu ở Hàn Quốc. Họ chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, giúp tôi học hỏi nhiều, chuẩn bị tốt để thích nghi nhanh hơn. Tôi hay nói chuyện với Công Phượng, cậu ấy giúp tôi tự tin hơn. Công Phượng và Xuân Trường cũng có nói với tôi rằng giải Hàn Quốc đáng sợ lắm.
Tôi biết nếu muốn thành công, mình phải thật mạnh mẽ.
Ngôn ngữ là chuyện đơn giản, cái lạnh mới đáng sợ
Ngôn ngữ, thể chất lẫn quá trình hoà nhập vào Seoul E-Land diễn ra rất trôi chảy. Tuy nhiên, đó chỉ là các thử thách đơn giản. Chỉ khi đặt chân đến Hàn Quốc, tôi mới thực sự phải đương đầu với thử thách cam go hơn cả: cái lạnh.
Thời tiết thực sự rất lạnh và khó khăn. Cái lạnh của Hàn Quốc không giống như ở Việt Nam, không buốt, nhưng trời lạnh âm độ khiến bản thân tôi luôn hứng chịu những cơn ù tai. Việc thay đổi nhiệt độ ảnh hưởng rất nhiều đến cơ thể VĐV và cả phong cách thi đấu của tôi. Việc thay đổi môi trường đột ngột như vậy với người bình thường đã ảnh hưởng lớn chứ đừng nói cơ thể của một VĐV. Tôi biết mình phải chấp nhận khó khăn này và học cách thích nghi.
Văn Toàn gặp không ít khó khăn vì thời tiết tại Hàn Quốc. Ảnh: DJ. |
Tôi bắt đầu có những phút thi đấu đầu tiên tại Seoul E-Land. Cái lạnh đã khiến phong cách thi đấu của tôi bị ảnh hưởng lớn. Bàn thắng hay kiến tạo đúng là các con số cần được chú trọng nhưng tôi mừng hơn khi mình đang hoà nhập với nhịp chơi bóng tại Seoul E-Land. Mỗi lần ra sân, tôi được lắng nghe CĐV Hàn Quốc hô tên mình trên khán đài chào. Nghe được những lời động viên ấy thực sự là nguồn động lực để tôi thể hiện bản thân.
Nhưng mọi chuyện không bao giờ thuận lợi như tôi mong muốn. Đang được ra sân thường xuyên, tôi lại dính chấn thương. Bác sĩ chỉ định tôi phải nghỉ 3-6 tuần.
Tôi như chết điếng!
3 tuần ngồi ngoài? Không được làm gì hết? Tôi thực sự buồn. Tôi không hiểu sao mình phải nghỉ nhiều vậy. Đen thật, hồi ở Việt Nam, tôi có bao giờ chấn thương nghỉ quá một tuần đâu. Sang đây lại bị vậy, tôi nghĩ nhiều lắm. Nghỉ nhiều như vậy thì tính sao đây?
Cảm giác phải ngồi chờ đợi hồi phục chấn thương thực sự rất mệt mỏi. Nhưng tôi hiểu bản thân phải duy trì trạng thái tích cực nếu muốn trở lại chơi bóng. Tôi luôn tự nhủ với bản thân: Đừng nghĩ đến nó nữa. Hãy cố gắng đối mặt với mọi chuyện theo cách nhẹ nhàng thoải mái nhất. Hãy làm mọi việc theo thứ tự. Cái gì quan trọng nhất trước mắt thì giải quyết xong xuôi rồi hẵng lo lắng chuyện tiếp theo. Tập trung vào từng việc một sẽ hiệu quả hơn.
Chính lối chơi suy nghĩ ấy đã giúp tôi vượt qua được giai đoạn khó khăn. Cơ hội ở Hàn Quốc vì thế lại tiếp tục xuất hiện.
Tất cả các thông tin trong bài viết được sản xuất, thực hiện bởi DJ Management và đăng tải độc quyền trên Tri thực trực tuyến. Các nội dung, hình ảnh, video trong bài đều không được phép sử dụng nếu không có sự cho phép của DJ Management và Tri thực trực tuyến.