Trước đó nhiều cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng đã lên tiếng cảnh báo và đề ra nhiều giải pháp...
Hàng hóa, thực phẩm Trung Quốc vẫn nhan nhản xuất hiện khắp các chợ, nhà hàng, quán ăn. Sức tiêu thụ không giảm, thậm chí còn lấn át hơn trước do giá ngày càng rẻ.
Vẫn nhập từ đôi đũa...
Cần xác định các đối tác kinh tế chiến lược như Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và ASEAN để xây dựng cơ sở hợp tác dài hạn, dần giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc
TS Nguyễn Đức Thành (viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách)
Với nhu cầu tìm mua các loại đũa gỗ về để kinh doanh nhà hàng, chúng tôi bước vào gian hàng của chị Hoa tại chợ Tân Trụ (quận Tân Bình, TP.HCM. Sau một hồi giới thiệu, chị Hoa lôi ra mấy bịch đũa gỗ đóng gói sẵn nhập từ Trung Quốc nói: “Loại cân ký bán được lắm, người ta mua về kinh doanh quán cơm không đó”.
Theo giới thiệu của chị Hoa, đũa gỗ bán theo dạng 5 - 10 kg/bịch, giá dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/bịch. Cũng loại đóng bịch nhưng có thêm bao nilông cho sang giá sẽ cao hơn 5.000 - 10.000 đồng/bịch. Ngoài đũa gỗ, chỉ cần hỏi các loại tăm tre, chén, đĩa đều được chủ sạp này giới thiệu với mức giá rất rẻ.
Theo chị Hoa, các mối quen nhà hàng, quán ăn chỉ cần “alô” là hàng được giao đến tận nhà, mỗi ngày chị có thể bán 50 - 60 kg đũa gỗ cho các nhà hàng, quán ăn bình dân. “Vẫn bán đều đều thôi em, ế gì thì ế chứ loại này năm trước bán sao, năm nay vẫn vậy à”, chị Hoa bộc bạch.
Hàng rau củ, trái cây từ Trung Quốc vẫn tràn về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TP.HCM. |
Ghi nhận tại nhiều chợ khác như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) hay chợ Gò Vấp, nơi tập trung đông quán ăn, nhà hàng bình dân. Chỉ cần hỏi các loại đũa gỗ, tiểu thương nhanh chóng trưng ra đủ loại đũa có xuất xứ từ Trung Quốc cho người mua chọn lựa, phần lớn được giới thiệu rẻ hơn hàng Việt Nam rất nhiều.
Trong khi 5 kg đũa Trung Quốc có giá 25.000 - 30.000 đồng thì đũa Việt Nam đóng gói 6 đôi/bịch có giá 21.000 - 35.000 đồng/bịch. Theo lý giải của tiểu thương, giá rẻ quyết định sức mua mặt hàng đũa Trung Quốc, có sạp bán tới 80 - 100 kg đũa gỗ Trung Quốc/ngày, nhưng hàng Việt Nam chỉ được vài bịch.
Không riêng gì mặt hàng tiêu dùng, nhóm hàng thực phẩm như trái cây, rau củ... có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn tăng đều đặn về các chợ. Tại chợ đầu mối Thủ Đức, nhiều chủ sạp cho hay trái cây đang vụ cam, lựu, còn các loại như táo, lê, hồng, nho có xuất xứ Trung Quốc vẫn xuất hiện đều đặn.
Chủ sạp Huệ, chợ Thủ Đức, khi được hỏi lượng hàng về chợ so với trước tăng hay giảm, chủ sạp này chỉ trả lời ngắn gọn: “Lượng hàng vẫn lấy như cũ”. Tại chợ lẻ như Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chị Hạnh, tiểu thương bán hàng trái cây, cho biết: “Trái cây ngoại như Mỹ, Úc thì vẫn bán bình thường, nhưng mối lái hỏi hàng Trung Quốc vẫn phải lấy hàng về bán do giá rẻ”.
Theo chị Hạnh, hàng Trung Quốc vào nhà hàng, quán karaoke đều đã được chế biến, người tiêu dùng khó nhận diện và phân biệt hơn nên vẫn bán được đều đều, không giảm so với trước đây.
Nguồn: Tổng cục Hải quan. |
Yếu về công nghiệp hỗ trợ
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng vừa qua, tổng giá trị nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc lên tới 39,9 tỷ USD, vẫn tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2013. Cân đối với con số xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường này, nhập siêu từ Trung Quốc 11 tháng đã lên tới 26,4 tỷ USD, tăng 22,1%.
Ông Phạm Sỹ Thành Giám đốc chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết việc Việt Nam nhập siêu là do chưa tận dụng được nhiều ích lợi từ hoạt động thương mại với Trung Quốc.
Cụ thể là hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, chủ yếu là thô, sơ chế, có giá trị gia tăng thấp và nhập khẩu các hàng thành phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Thực tế, Việt Nam chưa nhận được những ích lợi từ thương mại với Trung Quốc giống như những gì mà Malaysia, Thái Lan, Philippines hay Singapore nhận được.
Trung Quốc là nước cung cấp nguyên vật liệu dệt may, da giày lớn nhất cho Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng này từ Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm lên đến 5,6 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ 2013.
Ông Thành cho rằng con số trên đã cho thấy mức độ phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc của các ngành như dệt may, da giày... do Việt Nam chưa phát triển được các ngành công nghiệp phụ trợ.
Đặc biệt theo ông Thành, vấn đề với Việt Nam là nhập siêu với Trung Quốc, gồm cả nhập công nghệ còn có nguy hại ở chỗ nó sẽ tác động lâu dài đến khả năng nâng cấp công nghệ của doanh nghiệp (để tăng năng suất, chất lượng - PV).
Trong một trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Trung Thanh, nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Nghiên cứu thương mại, cho rằng nhập siêu Trung Quốc còn có lý do vì nhiều doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam như các ngành dệt may, da giày... nhưng lại nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đã nằm trong chuỗi cung ứng của họ, nên họ không dễ dàng chuyển sang nhập khẩu các nguồn khác bởi nguyên vật liệu, máy móc từ Trung Quốc có ưu điểm giá hợp lý, thời gian vận chuyển nhanh...
Về giải pháp, ông Phạm Sỹ Thành nêu việc giảm ảnh hưởng kinh tế từ Trung Quốc là cần thiết nhưng không nên đặt ra trong thời gian quá ngắn hạn, vì việc tìm kiếm nguồn hàng thay thế hàng từ Trung Quốc có chi phí thấp trong thời gian ngắn là bất khả thi. Tuy nhiên, Việt Nam nên có những cải cách để giảm dần phụ thuộc.
Để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế, ông Thành cho rằng Việt Nam phải tận dụng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như một cơ hội và một áp lực nhằm cải thiện chất lượng thể chế (việc giảm thuế, tự do thương mại sẽ giúp hàng hóa, máy móc từ các nước phát triển trong TPP như Mỹ, Nhật... về Việt Nam dễ hơn - PV).
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cần đẩy mạnh việc xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông Phạm Sỹ Thành cho rằng nằm sát với thị trường khổng lồ Trung Quốc, Việt Nam cũng có cơ hội lớn về mặt thương mại nếu phát triển được ngành hàng xuất khẩu có tính bổ sung cho thị trường Trung Quốc (hiện tại, hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như dệt may, da giày... đều là mặt hàng Trung Quốc cũng có thế mạnh).
Trong một trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Đức Thành, viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng khả năng giảm phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc là có thể. Hiện nay, Việt Nam nhập nhiều sản phẩm như máy móc thiết bị, thậm chí nguyên vật liệu từ Trung Quốc.
Lý do là giá rẻ, giúp doanh nghiệp có thể quay vòng vốn nhanh. Tuy nhiên, đã đến lúc tính toán đa dạng hóa nguồn cung cấp, giá có thể đắt hơn, nhưng theo ông Thành, doanh nghiệp cần tính xa và sẽ phải chấp nhận việc quay vòng vốn có thể chậm hơn.
Nhập khẩu với số lượng khủng
Không chỉ áp đảo về số lượng, Trung Quốc còn dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu ở nhiều mặt hàng nhập khẩu quan trọng.
Theo Tổng cục Hải quan, số lượng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 6,45 tỷ USD, chiếm hơn 30% so với tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này của cả nước.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này từ Nhật Bản chỉ đạt 2,98 tỷ USD, chiếm 15,8%; Hàn Quốc: 2,54 tỷ USD, chiếm 13,8% so với tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này trong 10 tháng đầu năm nay.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, sắt thép các loại là một trong những mặt hàng mà Trung Quốc là quốc gia đứng đầu trên thế giới xuất khẩu vào Việt Nam.
Sản lượng sắt thép cả nước nhập về từ Trung Quốc đạt 4,77 triệu tấn, gấp 2,5 lần so với lượng nhập từ Nhật Bản và gấp 4 lần so với nhập từ Hàn Quốc...