Kinh doanh
Những hoa quả Việt chịu án oan vì hàng Trung Quốc
- Thứ ba, 14/10/2014 16:39 (GMT+7)
- 16:39 14/10/2014
Hoa quả được mùa nhưng lại rớt giá vì bị nhầm tưởng là hàng Trung Quốc khiến người trồng lao đao là chuyện đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa có hướng xử lý.
|
Khi còn cách 2 - 3 tháng mới đến chính vụ cam sành Hà Giang thì các loại cam mượn danh, núp bóng loại quả đặc sản này đã được bày bán tại một số đô thị miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Tình trạng nói trên đã xảy ra từ nhiều năm nay. Đến khi chính cam Hà Giang vào vụ thì lại bị nghi oan là cam Trung Quốc, giá rớt thê thảm khiến nhiều người tiêu dùng nghi ngại không dám mua. |
|
Để người tiêu dùng khỏi nhầm lẫn, ông Phạm Xuân Tình - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bắc Quang (Hà Giang) cho biết có thể phân biệt cam Hà Giang bằng một số cách. Chẳng hạn, mùa cam chính là vào trung tuần tháng 11 âm lịch lịch mới thu hoạch, xuất bán, nên cam bán thời điểm này chắc chắn không phải cam Hà Giang. Thứ hai là cam mang màu vàng đỏ đặc trưng cả ở vỏ và trong ruột; có hạt do là giống nguyên bản chứ không phải cam lai; cùi dày do Hà Giang vẫn trồng kiểu truyền thống, tự nhiên chứ chưa can thiệp hóa chất. Vị cam Hà Giang cũng ngọt đậm hơn so với loại khác, nhưng có chút chua chứ không ngọt như nhiều loại cam Trung Quốc. Ảnh: Kiến thức. |
|
Không những cam Hà Giang mà cam Việt nhập từ các vựa hoa quả miền Tây, TP.HCM về ồ ạt, giá rẻ nhưng tiêu thụ giảm do tâm lý người tiêu dùng e dè, nhầm lẫn với cam Trung Quốc. Ông Huỳnh Viết Thành, Trưởng BQL Chợ đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng) từng nhận được đơn của các tiểu thương miền Tây đề nghị kiểm tra, làm rõ nguồn gốc cam do cam trong nước có nguồn gốc từ miền Tây đang vào vụ thu hoạch, được mùa nên giá bán giảm chỉ chênh lệch 2.000 - 3.000 đồng/kg nên người tiêu dùng nhầm với cam Trung Quốc. Ảnh: Người Lao Động. |
|
Thời điểm tháng 3 - 4, nho Trung Quốc nhập về các chợ đầu mối nhưng khi bán lẻ lại được quảng cáo là nho Ninh Thuận hay nho Mỹ với giá chỉ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Trong khi đó, một số tiểu thương tại TP.HCM bày bán nho Ninh Thuận chính gốc với giá 50.000 – 70.000 đồng/kg thì nhiều người tưởng là nho Trung Quốc nên tỏ ra dè chừng, một số còn mặc cả xuống chưa bằng giá gốc. Ảnh: Lao Động. |
|
Theo một chủ vườn nho ở Ninh Thuận, nho đỏ Ninh Thuận hình cầu, trái to khoảng đầu ngón tay cái, vỏ rất mỏng, quả chín có màu đỏ tươi đến đỏ đậm, có vị ngọt hài hoà với vị chua nhẹ. Chùm nho thon dài, cân nặng từ 150 đến 350 g, các trái nho khít gần nhau trên cùng 1 chùm, ít rời rạc. Nho đỏ Trung Quốc trái to gấp đôi nho Ninh Thuận, quả chín có màu đỏ nhạt, có lốm đốm trắng trên vỏ, vị ngọt gắt. Các trái nho trên cùng 1 chùm rời rạc nhau, 1 chùm nho cân nặng khoảng 500 - 700 g. Ảnh: Khám phá. |
|
Nho xanh Ninh Thuận vỏ quả dày, có màu xanh ngả vàng nhạt, thịt quả trong, có hạt, vị ngọt đậm không gắt, chua rất nhẹ, cân nặng 200 - 500 g/chùm, trái khít gần nhau. Nho xanh Trung Quốc vỏ quả mỏng, không có hạt, có vị ngọt gắt. Trái nho rời rạc trên 1 chùm. Theo ông Nguyễn Văn Mọi, chủ nhân thương hiệu nho Ba Mọi nổi tiếng ở Ninh Thuận, tháng 3 - 4 không phải mùa thu hoạch chính của nho Ninh Thuận nên chắc chắn sản lượng không nhiều để bán tràn lan trên các vỉa hè với giá rẻ. |
|
Giữa tháng 6, đào Sa Pa đầu mùa bán giá 30.000 - 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 10 ngày sau, hàng Trung Quốc đội lốt hàng Sa Pa tràn về Hà Nội bán với giá rẻ bất ngờ, chỉ 15.000 - 20.000 đồng/kg khiến nhiều tiểu thương buôn đào Việt chính gốc ê chề. Ảnh: Chất lượng Việt Nam. |
|
Đến giữa tháng 8, trong khi đào Sa Pa đã hết mùa thì người ta thấy các sạp hàng quảng cáo bán đào tiên Sa Pa tràn lan các vỉa hè, cuối chợ. Loại đào này có đặc điểm quả to nặng 200 - 250 g/quả, chín mọng, vỏ màu hồng trơn láng, cùi thịt màu vàng nhưng khi ăn mềm nhũn có vị hơi chua, ít ngọt. Những người sành hoa quả cũng đưa ra những đặc điểm để nhận dạng đào Sa Pa, đó là loại quả này thường chỉ nhỏ như chén uống nước chè, có mùi vị thơm giòn, hơi chua và ngoài vỏ có lớp lông tơ mềm như nhung. Còn theo ông Lê Quốc Anh, đại diện Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam, từ những đặc điểm này, có thể khẳng định loại đào tiên chắc chắn là đào Trung Quốc, hiện chưa có vùng nào trong nước có thể trồng được giống đào này. Ảnh: Kiến thức. |
|
Cảnh được mùa mất giá lại tiếp diễn với mận làm đắng lòng người nông dân. Nếu như đầu mùa giá thu mua mận tại vườn thường vào khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg thì khoảng đầu tháng 6 chỉ còn khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg, do mận Trung Quốc tràn ngập thị trường. Theo lời chị Lò Thị Phương - người trồng mận ở Sơn La, hầu hết các vườn mận đều được mùa, năng suất cao hơn hẳn mọi năm tuy nhiên, giá thu mua năm nay đã rớt mạnh so với năm ngoái. Ảnh: Sống mới. |
|
Mận chua (ruột đỏ) trên thị trường hiện đang được trồng tại nhiều tỉnh thành phía Bắc như Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Yên Bái thường được gọi là mận hậu, với đặc điểm ruột đỏ, có vị chua. Mận hậu được bày bán trên thị trường hiện nay đều là hàng trong nước, tuy vậy vẫn có một số loại mận Trung Quốc tràn vào thị trường. Như loại mận quả to màu xanh thường được gọi là mận lai đào, khi chín vỏ, ruột có màu vàng, xanh hoàn toàn khác mận hậu trồng trong nước. Loại mận này cũng từng bị phát hiện có chất Carbendazim - được sử dụng như một loại thuốc diệt nấm, có thể gây vô sinh - vượt mức tối đa cho phép. Ảnh: Sống mới. |
|
Gần đây nhất, giá hồng giòn Đà Lạt tại nhiều chợ ở TP.HCM chỉ còn khoảng 10.000 đồng/kg. Một số tiểu thương của các chợ này cho biết, hồng Đà Lạt đang vào mùa nên giá thấp. Nhiều người thấy giá rẻ lại tưởng là hồng Trung Quốc nên hạn chế mua, khiến mặt hàng này đã mất giá lại càng giảm thêm. Ngoài ra, nhiều loại hồng để lâu chỉ mềm chứ không hư khiến NTD hoài nghi hồng bị thúc chín, bảo quản bằng hóa chất. Nhiều người bán cho biết, đây là mức giá thấp nhất trong 3 - 4 năm qua. Ảnh: Phụ Nữ TP.HCM. |
|
Không chỉ hồng giòn, hồng trứng của Đà Lạt cũng rơi vào tình cảnh tương tự, khi giá sản phẩm này cũng đứng ở mức hơn 6.000 đồng/kg, tại Đà Lạt chỉ ở mức 3.000 - 4.000 đồng/kg. Chị Ngọc Hường - trưởng ngành hàng trái cây chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết thị trường có loại hồng chín xuất xứ Trung Quốc vỏ màu đỏ sẫm trông rất bắt mắt. Loại này có hình dáng dài, nhọn giống hồng trứng của Đà Lạt, nhưng hồng Đà Lạt vỏ vàng cam. Khi ăn sẽ thấy sự khác biệt: hồng Trung Quốc cũng ngọt nhưng bọng nước, không thơm, trong khi hồng chín Đà Lạt ăn ngọt, dẻo, thơm. Ảnh: Chất lượng Việt Nam. |
đội lốt
hoa quả Trung Quốc
nông dân
mất giá