Báo cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc về công tác chống hàng giả hàng nhái, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết, việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái thời gian vừa qua diễn biến phức tạp.
Khi trình độ phát triển của công nghệ cao với tốc độ nhanh đã gây thiệt hại lớn đến quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu, ảnh hưởng đến sự phát triển doanh nghiệp nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.Theo ông Bảo, hàng giả hàng nhái diễn ra hết sức nghiêm trọng, rộng khắp từ vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn đến các khu đô thị, các khu chợ, siêu thị sầm uất...
Các sản phẩm càng có thương hiệu càng dễ bị làm giả. Ảnh: TL |
Mặt hàng làm giả đa dạng từ thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc nuôi trồng thủy sản, thuốc tăng trọng, các loại phân bón giả, đến hàng điện tử, điện lạnh, hàng may mặc, vật liệu xây dựng, mũ bảo hiểm, mỹ phẩm, đồ uống...
Đặc biệt, ông Bảo nhấn mạnh một thực tế, sản phẩmcó lợi nhuận cao lập tức hàng giả có trên thị trường, tốc độ làm giả ngày càng nhanh hơn rẻ hơn nhiều so với trước đây.
Ông Bảo thông tin, nguồn hàng giả đa dạng từ nước ngoài đưa vào Việt Nam chiếm khoảng 60-70% trong đó chủ yếu là hàng Trung Quốc.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài đặt hàng, gắn mác Việt Nam và gắn nhãn mác thương hiệu nổi tiếng của các nước đem về Việt Nam tiêu thụ, nguyên vật liệu làm ra sản phẩm này đều do nước ngoài cung cấp nhưng lại ghi nhãn hiệu Made in Viet Nam, hoặc không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ theo quy định.
Quản lý thị trường đã làm hết trách nhiệm?
Hàng giả, hàng nhái được ví như "quốc nạn", khi tình trạng này đã diễn ra trên diện rộng, ở nhiều sản phẩm, hàng hóa và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế trên, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là do một số cơ quan thực thi vẫn tồn tại tình trạng tham nhũng, tiêu cực.“Buôn lậu gian lận thương mại đi liền với tham nhũng tiêu cực, bao che cho đường dây trốn thuế. Một bộ phận cơ quan chức năng làm ngơ tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, hoạt động buôn lậu. Khi phát hiện xử lý không nghiêm khắc”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Trao đổi với BizLIVE về đánh giá của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương), cho biết: "Lực lượng quản lý thị trường luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc chống hàng giả, hàng nhái. Do vậy Bộ trưởng Bộ Công thương 2 năm vừa rồi có 2 chỉ thị nâng cao năng lực sức chiến đấu, xây dựng lực lượng quản lý thị trường trong sạch vững mạnh, không nhũng nhiễu".
Cũng theo ông Lam, công tác phát hiện hàng giả, hàng nhái thời gian vừa qua gặp nhiều khó khăn, do phương thức sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái tinh vi và liên tục thay đổi.
Đối tượng sử dụng công nghệ nước ngoài, móc nối từ trong nước với nước ngoài để làm hàng giả.
Trước đó, vào ngày 17/11, trả lời câu hỏi của ĐBQH về tình trạng hàng giả, hàng lậu kém chất lượng tràn lan, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng từng cho biết, dù lực lượng quản lý thị trường đã rất cố gắng, nhưng phương tiện, công cụ để tác nghiệp, kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa còn quá thiếu, yếu.
“Thậm chí, để xác định chất lượng phân bón trên thị trường, ở khá nhiều nơi anh em quản lý thị trường đã phải dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.