Các nền tảng mạng xã hội có vai trò trong việc đưa những ca khúc hoặc ca sĩ tài năng nhưng ít được chú ý ra ánh sáng. Tuy nhiên, chúng cũng tồn tại mặt trái và vấn đề nổi cộm nhất chính là sự tràn lan của nhạc rác, đặc biệt những bản nhạc chế từ văn, thơ hay truyện tranh nổi tiếng gắn liền với biết bao thế hệ khán giả. Ví dụ mới nhất là Lượm của nhà thơ Tố Hữu.
Những sản phẩm giá trị bị biến tấu phản cảm
Nhạc chế vốn tồn tại từ rất lâu, trước khi TikTok ra đời. Trên Facebook, YouTube, khán giả có thể tìm thấy vô số bản nhạc chế. Nhạc chế kiểu gì cũng có, từ phần lời hài hước, bình dân nhưng vẫn lành mạnh tới ngôn ngữ, nội dung nhảm nhí, dung tục.
Tuy nhiên, nhạc chế ngày càng đáng lo ngại. Không chỉ các ca khúc nhạc trẻ mà những tác phẩm văn, thơ hay bài hát ca ngợi tinh thần dân tộc, vẻ đẹp quê hương đất nước hoặc gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ khán giả cũng bị đem ra biến tấu. Phần lớn bị chế thành sản phẩm có nội dung vô nghĩa, ngôn ngữ phản cảm và không giữ được tinh thần của bài gốc.
Lượm - bài thơ nổi tiếng cũng đang bị chế. Bài rap do 2see thực hiện và được remix bởi DJ FWIN.
“Chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh, cái chân thoăn thoắt, cái đầu cắt moi / Gió đưa cành trúc thật ‘Prada’ / Trên mạng đang hot trend gì vậy ta / Họa hổ họa bì gian nan họa cốt / Tiên nhân tri diện đường Nguyễn Tri Phương / Cười người hôm trước hôm sau người cười / Trăm nghe không bằng mắt sáng 10/10 / Muốn sang đây được phải bắc cầu kiều / Muốn con hay chữ phải tốn tiền nhiều”, là nội dung của bài rap đang lan truyền trên TikTok.
Bản nhạc chế từ bài thơ Lượm được dùng trong nhiều video. Nhiều tài khoản thậm chí ghép với video tạo dáng nhạy cảm hoặc mặc bikini. |
Chưa bàn tới nội dung vô nghĩa, nhảm nhí, đoạn nhạc trên còn bị chỉ trích là không đúng tinh thần của bài thơ Lượm. Đây vốn là bài thơ rất ý nghĩa với hình ảnh hồn nhiên yêu đời nhưng anh dũng của cậu bé liên lạc Lượm trong thời kháng chiến.
Bản rap này hiện được dùng làm nhạc nền cho đủ kiểu video trên TikTok và Facebook. Phổ biến nhất là video ghi cảnh các học sinh đứng lên bàn ghế, thậm chí bàn giáo viên để tạo dáng. Trong nhiều video khác, các cô gái mặc áo dài rồi có tư thế khá nhạy cảm. Người khác lại ghép bài nhạc với video mặc bikini.
Trước đó, đoạn nhạc chế từ các nhân vật trong truyện tranh nổi tiếng Doraemon do Lê Dương Bảo Lâm thể hiện ở chương trình Sàn đấu ca từ cũng lan truyền trên mạng xã hội, đặc biệt TikTok. Cụ thể, đoạn nhạc chế có nội dung: “Má Xeko thì nghèo, má Chaien thì giàu còn Nobita luôn ăn hiếp bạn bè. Nobita thầm yêu Xuka, hái hoa hồng tặng cho Chaien. Nếu Chaien bằng lòng lấy Nobita làm chồng, thì Nobito chào đời”.
Hay ca khúc Thương quá Việt Nam từng bị chế thành đoạn lời phản cảm: “Chim trong lồng chim bay ra, chim tung cánh xé tan quần què. Chim bay về một nơi xa” trong video Giấc mộng ca sĩ của Vanh Leg.
Cùng sự bùng nổ của mạng xã hội, hàng loạt bài thơ văn hay ca khúc có ý nghĩa đã bị chế thành nội dung thô thiển. TikTok phần nào gây hại cho âm nhạc nói chung bằng cách khuyến khích sự gia tăng của các bản nhạc rác.
TikTok không tốt cho ngành công nghiệp âm nhạc vì nó không tập trung vào chất lượng của các bài hát. Thay vào đó, mức độ hiệu quả của một bài hát trên ứng dụng mới là điều quan trọng, trang Musician Wave nhận định.
Lê Dương Bảo Lâm và bản nhạc chế từ Doraemon từng gây tranh cãi suốt thời gian dài. |
Nỗi buồn của nhạc Việt
Giới chuyên môn từng nhận định nhạc chế có thể chấp nhận được nếu sản phẩm hướng đến mục đích giải trí nhưng vẫn giữ được tinh thần gốc với ngôn từ văn minh, lịch sự. Trong khi đó, những sản phẩm nhạc chế có nội dung độc hại, ca từ vớ vẩn, nhảm nhí không chỉ không có giá trị giải trí lành mạnh mà còn ảnh hưởng xấu đến đầu óc và suy nghĩ của khán giả.
Từ góc độ của tác giả các sản phẩm gốc - những người đã bỏ nhiều thời gian để nghiền ngẫm, chắt lọc nội dung, câu từ - việc đứa con tinh thần của họ bị chế thành bài hát nhảm nhí hẳn cũng là điều đáng buồn.
Nhạc sĩ Ngô Minh Tài nhận định có nhiều lý do khiến tình trạng nhạc chế trở nên nghiêm trọng, đầu tiên là sự thiếu kiểm duyệt và tiếp đó là sự bùng nổ của mạng xã hội khiến các nhà sản xuất, khán giả trẻ thường chạy theo xu hướng. Họ tập trung vào phần giai điệu, đặc biệt trong những giây đầu tiên của bài hơn là nội dung, ca từ.
“Tôi không phán xét, nhưng từ góc độ của tôi, những khán giả thuộc thế hệ 9X, 8X có thể coi những bài thơ, bài văn đó là rất giá trị. Nhưng với lứa khán giả trẻ hơn, nhiều bạn có thể không thấy được giá trị đó. Các bạn cho rằng đổi một vài chữ trong tác phẩm đó không là gì hết. Một số bạn thậm chí có động tác vũ đạo khá nhạy cảm nên khi ghép vào bài hát đó lại càng lệch lạc”, nhạc sĩ nói với Zing.
“Thời xưa, nghệ sĩ viết nhạc đậm đà, hiếm khi gặp tình trạng ca từ sáo rỗng. Ở thời hiện tại, các bạn hướng tới âm nhạc dễ hiểu và giai điệu là yếu tố quan trọng hơn cả. Không chỉ bài Lượm, rất nhiều bài khác cũng bị chế. Tôi cho rằng nhạc chế có thể chấp nhận được nếu nó không đi quá giới hạn để trở thành lố lăng, tục và vẫn giữ được tính thẩm mỹ. Nhìn thêm tình trạng nghệ sĩ bị tung tin giả suốt thời gian qua, có thể thấy, trên mạng xã hội hiện giờ, mọi người tìm mọi cách để câu view, câu like. Nhiều bạn không hiểu giá trị của các bài thơ, bài văn nên họ không hay biết khi biến thành nhạc chế có bị đụng chạm hay không”, nhạc sĩ nhấn mạnh.
Nhạc sĩ nói thêm thời nghệ sĩ đi trước có thể cũng có những nhạc sĩ, nhà sản xuất thực hiện sản phẩm kém chất lượng. Tuy nhiên, khi đó, mạng xã hội chưa phát triển nên âm nhạc không chất lượng dễ bị đào thải. Còn ở hiện tại, sự bùng nổ của các nền tảng khiến các sản phẩm dễ lan truyền, dù có thể nội dung không được đánh giá cao. Lý do là các nhà sản xuất hiện tại hướng đến giới trẻ và chủ yếu tập trung vào 7 giây đầu tiên trong bài.
“7 giây thần thánh” là cụm từ rất phổ biến trong âm nhạc hiện tại, theo nhạc sĩ. Anh giải thích, khán giả hiện giờ chỉ nghe khoảng 7 giây đầu tiên để quyết định có tiếp tục thưởng thức sản phẩm hay không.
Science Times chỉ ra TikTok gây nghiện một cách nguy hiểm. Nó gây nghiện hơn bất kỳ nền tảng truyền thông xã hội nào khác. Vì thế, vấn đề nhạc chế càng phổ biến với khán giả trẻ và ngày càng nhức nhối thay vì được giải quyết triệt để.
Do đó, nhạc sĩ Anh Tú từng nhận định với Zing các nền tảng cần có sự kiểm duyệt gắt gao hơn để tránh sự lan truyền của những sản phẩm kém chất lượng, nội dung phản cảm.
Anh nói: “Con tôi cũng đang ở độ tuổi tiểu học, hay mò vào YouTube, TikTok và nghe trộm những lúc tôi không để ý. Trẻ con chưa đầy đủ nhận thức nên dễ học theo những ca từ không hay. Đôi khi con học theo và nói những điều chưa được phép nói ở độ tuổi đó. Đây là một bất cập, do đó tôi nghĩ rất cần sự kiểm duyệt".
Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc
Những nốt nhạc tỉnh thức ghi lại những khám phá của tác giả Tricia Tunstall, và những nỗ lực làm sáng tỏ khả năng gần như kỳ diệu của El Sistema để truyền cảm hứng cho mọi người. Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 viết về ban nhạc The Beatles từ những ngày đầu mơ mộng, đến đỉnh cao của vinh quang; giai đoạn thoái trào với nhiều thông tin, sự kiện thú vị.
Wham! - George & tôi: Hồi kí, Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu, Beethoven - Bản nhạc đam mê là những cuốn sách dành cho độc giả yêu âm nhạc tìm hiểu về những nhóm nhạc nổi tiếng thế giới cũng như có thêm góc nhìn mới mẻ, gần gũi về nền âm nhạc cổ điển.