Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông thông qua quyết định 512 với nội dung từ tháng 10, nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động như phát sóng, biểu diễn, quảng cáo.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử từng nhận định: “Những nghệ sĩ vi phạm có thể bị cấm sóng, cấm biểu diễn, nói nôm na là ‘phong sát’. Từ kinh nghiệm của các thị trước quốc tế, chẳng hạn Hàn Quốc và Trung Quốc, Bộ TT&TT tích cực phối hợp với Bộ VH-TT&DL để sớm triển khai quy trình xử lý trong thời gian tới. Chúng tôi đánh giá đây là một trong những điểm sáng của cơ chế chế tài”.
Thị trường giải trí Hàn Quốc và Trung Quốc nổi tiếng khắt khe với những nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức. Tờ Korea JoongAng Daily thậm chí viết: “Những người nổi tiếng Hàn Quốc phải tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức trong cuộc sống cá nhân”. Họ khó có cơ hội hoạt động trở lại sau khi vướng sai lầm.
Nghệ sĩ phải tuân thủ tiêu chuẩn đạo đức
Khán giả tại Hàn Quốc có quyền lên tiếng về hành vi của nghệ sĩ thông qua việc gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan liên quan hoặc thậm chí tới Nhà Xanh nếu vấn đề nghiêm trọng. Cuối tháng 3, khi phát thanh viên Jung Yoon Jung văng tục trên một chương trình truyền hình, nhiều khán giả gửi đơn khiếu nại lên Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc, tờ Khan đưa tin.
Trước phản ứng của khán giả, các cơ quan liên quan đến vấn đề phát sóng, hoạt động nghệ thuật cũng nhanh chóng lên tiếng đồng thời đưa ra hướng xử lý. Khi đó, Tiểu ban Đánh giá Quảng cáo thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc (KCSC) cảnh cáo và kỷ luật nữ MC. Các chương trình phát sóng làm việc với Jung Yoon Jung có nguy cơ bị Ủy ban Phát thanh Truyền hình Hàn Quốc trừng phạt theo pháp luật.
Tới 3/4, tờ Wowtv đưa tin Hyundai Home Shopping đuổi Jung Yoon Jung và thông báo quyết định cấm vô thời hạn với nữ MC. Ba công ty phát sóng khác là Lotte, Hyundai và CJ cũng hủy bỏ lịch trình của nữ MC trong ít nhất 2 tuần.
Kim Sae Ron là một trong những nghệ sĩ bị cấm sóng. |
Nghệ sĩ tại Hàn Quốc phải duy trì hình ảnh tốt đẹp, trong sạch. Do đó, mỗi khi họ vướng ồn ào về đạo đức và pháp luật, đôi khi chỉ là nghi án mà chưa có kết luận từ cơ quan chức năng, các đài truyền hình hay cơ quan truyền thông đã hành động quyết liệt. Thậm chí, những sản phẩm âm nhạc quá nhạy cảm còn bị cấm trình chiếu.
Đến nay, nữ diễn viên Kim Min Hee và Hong Sang Soo vẫn bị dư luận, truyền thông Hàn Quốc tẩy chay vì công khai ngoại tình. Theo Ten Asia, hai ngôi sao bị nhận định “người mang mác ngoại tình suốt nhiều năm” và không thể xuất hiện công khai ở các sự kiện trong nước mà chỉ giới thiệu bộ phim đồng thời tham gia các lễ trao giải ở nước ngoài.
Ten Asia cho biết hai ngôi sao “có những khiếm khuyết về đạo đức” nên khán giả chưa thể chấp nhận sản phẩm của họ. Kim Min Hee hiện chỉ có thể đóng phim của người yêu.
Việc đài truyền hình công bố lệnh cấm với nghệ sĩ rất phổ biến tại Hàn Quốc.
Ngày 18/3, tờ Star News đưa tin Yoo Ah In bị hạn chế xuất hiện trên KBS vì nghi ngờ sử dụng ma túy. Quy định này được đài truyền hình Hàn Quốc áp dụng từ 15/3.
Trước đó, KBS ra lệnh cấm sóng các nghệ sĩ như Ha Jung Woo, Don Spike, B.I (cựu thành viên nhóm iKON), Kim Sae Ron, Kwak Do Won và Shin Hye Sung. Họ bị hạn chế xuất hiện trong bất kỳ chương trình nào của đài KBS vì gây scandal nghiêm trọng. Trong đó, Kim Sae Ron say rượu và đâm vào cột điện.
Hong Sang Soo và Kim Min Hee bị tẩy chay. |
Trốn tránh nghĩa vụ quân sự; sử dụng thuốc theo thói quen và hút cần sa; gian lận, trộm cắp, đánh bạc; hành hung và quấy rối tình dục; các trường hợp truy tố dân sự, hình sự khác; gây rối đạo đức công cộng và trật tự xã hội là những trường hợp bị cấm lên sóng theo quy định của Ủy ban Đánh giá Quy chế Xuất hiện Phát sóng của KBS.
Việc cấm sóng, hạn chế hoạt động của nghệ sĩ tại Hàn Quốc triệt để nhờ nhiều yếu tố, đầu tiên là sự tẩy chay quyết liệt của công chúng, tiếp đó là hành động nhanh chóng, lắng nghe ý kiến khán giả từ các nhà đài lẫn cơ quan chức năng.
Trung Quốc mạnh tay chấn chỉnh nghệ sĩ
Tại thị trường Trung Quốc, nghệ sĩ vướng ồn ào đời tư, phạm pháp càng khó để trở lại ngành giải trí hơn cả so với Hàn Quốc.
Đầu năm 2021, tờ The Paper đưa tin Ban Tuyên giáo Trung ương Trung Quốc quyết định tăng hình phạt đối với nghệ sĩ phi pháp, phi đạo đức. Trước những vấn nạn trong lĩnh vực giải trí như gây náo loạn giao thông vì sự hỗn loạn “vòng vây người hâm mộ”, hay hành vi vô đạo đức, Ban Tuyên giáo Trung ương Trung Quốc ra thông báo yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác quản lý ngành.
Tờ 163 nhận định trong ngành công nghiệp giải trí, các nghệ sĩ phải luôn tuân theo nguyên tắc cơ bản là "nghệ thuật và đạo đức là trên hết" với cốt lõi là chân, thiện, mỹ. Khi vướng bê bối, nghệ sĩ Trung Quốc thường bị cấm xuất hiện trên truyền hình, sự kiện giải trí và thậm chí cấm phát ngôn trên mạng xã hội. Cụm từ “phong sát” thường được dùng trong những trường hợp này và rất phổ biến ở thị trường Trung Quốc.
Tháng 2, Sina đưa tin nam diễn viên Châu Tuấn Vỹ, Xuân Hạ và Trần Du Tiệp bị cấm phát ngôn trên trang cá nhân Weibo.
“Không có ngôi sao nào trước pháp luật. Độ nổi tiếng càng cao, càng phải tự kỷ luật. Càng nổi tiếng, càng phải tuân thủ pháp luật. Hào quang có chói lọi đến đâu, tên tuổi có nổi tiếng đến đâu, chỉ cần phụ lòng tin của nhân dân, đi chệch khỏi mong muốn của nhân dân, xâm phạm lợi ích của nhân dân, cuối cùng cũng sẽ bị pháp luật trừng phạt và nhân dân ruồng bỏ”, tờ 163 viết.
Lý Dịch Phong đã hoàn toàn mất cơ hội trở lại ngành giải trí dù trước đó anh là một trong những nam diễn viên nổi tiếng nhất Trung Quốc. Anh vướng bê bối mua dâm và tự đạp đổ sự nghiệp. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, hàng loạt nghệ sĩ Trung Quốc bị “phong sát”, chẳng hạn Trịnh Sảng (vì nhờ mang thai hộ), Đặng Luân (trốn thuế), Ngô Diệc Phàm (hiếp dâm)…
Trịnh Sảng bị cấm trở lại ngành giải trí. |
Ngày 15/8/2021, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc và Cục Quản lý Nhà nước về Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc tuyên bố “thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử với các nghệ sĩ giải trí và không bao giờ tạo cơ hội cho các nghệ sĩ bất hợp pháp, vô đạo đức lên tiếng. Không có sự khoan nhượng đối với sự bất thường về đạo đức".
Theo DW, trước phản ứng cứng rắn của chính quyền, hơn 80 nghệ sĩ trực thuộc Mango TV của Đài truyền hình vệ tinh Hồ Nam, Trung Quốc đã ký vào bản cam kết, trong đó nhấn mạnh sẽ là những nghệ sĩ "có đạo đức và nghệ thuật", "lấy nhân dân làm trung tâm".
"Thực chất của việc chấn chỉnh ngành giải trí là bênh vực lý trí, đưa văn học nghệ thuật trở lại con đường đúng đắn, duy trì đạo đức và bầu không khí chủ đạo của xã hội, phản đối những thị hiếu thấp kém, thô tục. Với lý do này, chúng tôi phải làm cho công việc 'chấn chỉnh ngành giải trí' trở nên nề nếp, khoa học, thể chế hóa và hợp lý hóa, để có thể phát huy vai trò xã hội lớn hơn", Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh viết.
Ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, làm thế nào để đối phó với những ngôi sao xấu xí đã trở thành một vấn đề xã hội học, nó không chỉ dựa trên các quy tắc và sự cấm đoán đơn giản của chính phủ, hiệp hội ngành, mà quan trọng hơn hết là phản ứng quyết liệt từ công chúng, thị trường, các đơn vị tổ chức sự kiện trong suốt thời gian dài.
Zing News Giải trí giới thiệu cuốn sách nói về phẩm hạnh
Đọc Chuyên luận nhỏ về những phẩm hạnh lớn, người đọc sẽ có dịp tiếp cận các triết gia nổi tiếng xuyên suốt mọi thời đại, từ Aristote, Spinoza, Epicure đến Motaigne, Kant, Nietzsche, Alain hay Sartre…
Cuốn sách triết học bàn về 18 phẩm hạnh của con người (lễ phép, chung thủy, cẩn trọng, tiết độ, quả cảm, công bằng, hào hiệp, trắc ẩn, khoan dung, biết ơn, khiêm nhường, đơn giản, bao dung, thuần khiết, dịu dàng, thành thực, hài hước, tình yêu).