Khi học viện HAGL JMG được thành lập năm 2007, mục tiêu lớn nhất mà bầu Đức đặt ra là xuất khẩu cầu thủ đi Nhật Bản và châu Âu. Sau 14 năm, qua nhiều lứa cầu thủ, HAGL vẫn chưa đạt được mục tiêu ấy.
Nhưng một cầu thủ khác, từng bị chính HAGL từ chối, lại là người đầu tiên làm được điều đó. Đấy là Đặng Văn Lâm.
Văn Lâm khác gì Công Phượng, Xuân Trường?
Nếu phải tìm một ông bầu tiên phong, một lò đào tạo bài bản cho mục tiêu xuất ngoại, bầu Đức và HAGL chắc chắn là những người đầu tiên. Học viện HAGL JMG được thành lập khi đội một Gia Lai vẫn rất mạnh, còn đủ sức đua vô địch V.League. Khi xuất ngoại vẫn là giấc mơ xa xỉ của bóng đá Việt Nam, HAGL đã tỏ ra vô cùng nghiêm túc. Bầu Đức lấy giáo trình của Học viện JMG toàn cầu, trang bị các kiến thức dinh dưỡng, y học, ngoại ngữ, giúp cầu thủ được cọ xát quốc tế từ khi còn nhỏ. Ông đầu tư nghiêm túc, có kế hoạch dài hạn và đã chuẩn bị mọi thứ cho con đường xuất ngoại của HAGL.
Nhưng đến hôm nay, chưa một cầu thủ HAGL nào thành công.
Ba ngôi sao lớn của HAGL là Nguyễn Tuấn Anh, Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng đã có mặt tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Bỉ. Chưa ai để lại dấu ấn.
Tuấn Anh (số 32) trong một trận đấu cho CLB J.League 2 Yokohama. Ảnh: Yokohama. |
Thất bại của họ không chỉ nằm ở số trận đấu, số bàn thắng cụ thể tại các giải đấu tầm cao. Họ thất bại bởi các hợp đồng của họ đều theo dạng cho mượn, nghĩa là đối tác không phải trả tiền để sở hữu họ còn HAGL chưa thu được đồng chuyển nhượng nào. Thất bại của họ là tất cả hợp đồng đều chỉ kéo dài một mùa (hoặc ít hơn), nghĩa là không ai trong số họ thuyết phục được đối tác, thể hiện được tiềm năng tương xứng với những đầu tư và kỳ vọng bầu Đức dành cho họ.
Các đội bóng ở những giải quốc nội phát triển luôn có chính sách ưu tiên cầu thủ trẻ. Họ có thể chưa kéo anh lên đội một, nhưng sẵn sàng giữ anh ở lại, cho anh đi mượn tại các CLB khác miễn là anh thể hiện được tiềm năng. Đó là cách rất nhiều CLB châu Âu đã làm với những tài năng châu Á, điển hình mới là Takumi Minamino rời Liverpool tới Southampton.
Không được họ giữ lại nghĩa là những Công Phượng, Xuân Trường đã thất bại trong việc thể hiện khả năng và không cho thấy tiềm năng phát triển trong tương lai. Nói tóm lại, sản phẩm của bầu Đức chưa đủ chất lượng cho những thị trường khó tính.
So với họ, Văn Lâm là sự khác biệt. Cả hai thương vụ với Muangthong United và Cerezo Osaka đều theo dạng chuyển nhượng toàn phần. Cả hai đều là những cuộc đàm phán kéo dài. Muangthong từng phải trả thêm tiền cho Hải Phòng, còn Osaka đang chịu ảnh hưởng từ một cuộc chiến pháp lý chưa có hồi kết.
Cả hai thương vụ đều mang “tiền tươi” tới cho Văn Lâm và người đại diện. Mức lương của Văn Lâm ở Muangthong là hơn 10.000 USD, ngang ngửa với những ngoại binh đẳng cấp tại V.League, và có thể cao hơn ở Osaka.
“Sản phẩm” Văn Lâm không chỉ vượt tiêu chuẩn đầu vào, chất lượng của Lâm đủ cao, buộc các đối tác phải lao vào tranh giành.
Văn Lâm khẳng định chỗ đứng vững chắc ở tuyển Việt Nam rồi mới gia nhập J.League 1. Ảnh: Minh Chiến. |
Văn Lâm đi muộn nhưng về sớm
Điều thú vị là chính Văn Lâm ấy từng bị HAGL cắt hợp đồng chỉ vài năm trước khi anh chinh phục đội tuyển Việt Nam.
Thủ môn sinh năm 1993 về Gia Lai hồi năm 2011, có bốn năm gắn bó với phố núi. Anh không được ra sân một trận nào tại V.League dù đã cùng Hoang Anh Attapeu giành á quân giải Lào, được gọi lên U19 Việt Nam. Xuất phát điểm của Văn Lâm ở V.League kém xa “những đứa trẻ của bầu Đức”. Đầu năm 2016, khi Lâm “Tây” còn chưa được chơi V.League, Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đã lần đầu xuất ngoại.
Bầu Đức là người đi đầu. Nhưng ông đi “nhanh” quá nên thất bại.
Lần đầu xuất ngoại, Xuân Trường và đồng đội mới 21 tuổi, chỉ có một năm kinh nghiệm chuyên nghiệp. Họ chưa có nhiều tích lũy vì không được dự các giải trẻ quốc gia. Họ mới tập thể lực từ năm 18 tuổi, mới thi đấu từ cấp độ U19. Họ đá một mùa ở nền bóng đá khi ấy vẫn nằm ngoài tốp 16 châu Á, rồi chuyển thẳng tới Nhật Bản, Hàn Quốc ở đẳng cấp hàng đầu lục địa.
Vấn đề không chỉ tới từ thất bại dễ dự đoán của họ tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Vấn đề là họ thất bại trong những năm tháng tuổi đôi mươi, bị ép chín trong thời kỳ phát triển quan trọng nhất. Khi cần thật nhiều thời gian, sự kiên nhẫn và bảo bọc, họ bị ném vào một môi trường xa lạ cả về trình độ lẫn lối sống. 5 năm sau những bước đi ấy, các cầu thủ HAGL phát triển tốt nhất là những người chẳng đi đâu cả như Nguyễn Văn Toàn, Vũ Văn Thanh.
Văn Lâm cũng đi chậm như thế. Anh bắt chính ở Hải Phòng từ mùa 2016, chơi đủ 3 mùa V.League, có vị trí vững chắc tại tuyển Việt Nam rồi mới chuyển sang Muangthong. Anh có tiếp 2 mùa tại Thai League 1, xô đổ hàng loạt định kiến rồi đường hoàng gia nhập Cerezo Osaka.
CLB Cerezo Osaka công bố chính thức hợp đồng của Văn Lâm ít ngày trước. Ảnh: Cerezo Osaka. |
Từ khi lên chuyên nghiệp, Công Phượng mất một mùa để đi Nhật, Văn Lâm mất 5 mùa.
Anh đi chậm nhưng về sớm. Khi thương vụ Cerezo Osaka được công bố, không ai nghĩ hợp đồng của Lâm là một giao kèo thương mại. Giới chuyên môn có những đánh giá rõ ràng về cơ hội thi đấu của anh tại giải quốc nội số một châu Á. Bản thân Văn Lâm cũng tính toán trước về lộ trình này, điều anh từng chia sẻ khi gia nhập Muangthong hồi năm 2019: “Giải vô địch Thái Lan ở mức cao hơn Việt Nam. Với tôi, đây là bàn đạp vào châu Á, là bước đệm để tiến sang Nhật Bản”.
Ngay cả việc chọn Muangthong chứ không phải bất kỳ CLB Thái Lan nào khác cũng là quyết định có tính toán của Văn Lâm. Đội bóng phía Bắc Bangkok nổi tiếng là CLB xuất khẩu cầu thủ số một Thái Lan. Nhiều tuyển thủ Thái như Chanathip Songkrasin, Teerasil Dangda hay Theerathon Bunmathan đều chơi cho Muangthong trước khi sang J.League 1.
Câu chuyện Văn Lâm và HAGL để lại tiếc nuối. Bởi Văn Lâm hôm nay không phải thành quả từ hệ thống đào tạo trẻ Việt Nam. Thành tựu của anh là nỗ lực tự thân của một cá nhân, ý thức chuyên nghiệp, khát khao vươn cao của anh có dấu ấn bóng đá Nga chứ không phải Việt Nam. Như nhiều chuyên gia nhận xét, V.League và tuyển Việt Nam chỉ đóng góp 50% trong thành tựu của Văn Lâm. Lâm thành công khi nhiều đồng nghiệp của anh vẫn loay hoay trên con đường bước ra thế giới, dù các lò đào tạo, các ông bầu đã nỗ lực, đã đầu tư và thực sự nghiêm túc.
Thương vụ Văn Lâm tới Cerezo Osaka không đồng nghĩa cầu thủ Việt Nam đã tới gần hơn với Nhật Bản. Anh là niềm tự hào, nhưng có lẽ vẫn là một ngoại lệ đặc biệt của bóng đá Việt Nam trên đường ra thế giới.